Theo tuyên bố của chính phủ Anh, các quốc gia tham gia cam kết gồm có Canada, Nga, Brazil, Colombia, Indonesia và Cộng hòa Dân chủ Congo. Đây đều là những nước có diện tích rừng rộng lớn, trong có Brazil nhận nhiều chỉ trích trong những năm gần đây vì gây tổn hại tới rừng Amazon, CNN đưa tin ngày 2/11.
Mỹ và Trung Quốc cũng là một bên trong thỏa thuận quan trọng đầu tiên này được công bố tại cuộc đàm phán về khí hậu COP26 diễn ra ở Glasgow.
"Hôm nay, tại COP26, các nhà lãnh đạo đã ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt để bảo vệ và phục hồi các khu rừng trên Trái Đất", Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết. "Rừng hỗ trợ cộng đồng, tạo sinh kế và cung cấp lương thực, đồng thời hấp thụ carbon mà chúng ta bơm vào bầu khí quyển. Rừng rất cần thiết cho sự tồn tại của chúng ta".
"Với những cam kết chưa từng có, chúng ta sẽ có cơ hội kết thúc lịch sử lâu dài của loài người với tư cách là người chinh phục thiên nhiên, và thay vào đó trở thành người trông coi nó", ông nói thêm.
Các nhà lãnh đạo sẽ đưa ra thông báo trong phiên họp COP26 về rừng. Bên cạnh đó, họ đồng tình chi 12 tỷ USD công quỹ, cùng với 7,2 tỷ USD đầu tư tư nhân, để phục hồi và bảo vệ rừng. Giám đốc điều hành từ hàng chục tổ chức tài chính cũng cam kết chấm dứt đầu tư vào các hoạt động liên quan tới phá rừng.
Thủ tướng Anh Boris Johnson rời sân khấu sau khi phát biểu tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26 ở Glasgow, Scotland vào ngày 1/11. Ảnh: AFP. |
"Indonesia may mắn là quốc gia giàu carbon nhất trên thế giới với rừng nhiệt đới, rừng ngập mặn, đại dương và đất than bùn rộng lớn", Tổng thống Joko Widodo cho biết trong một tuyên bố. "Chúng tôi cam kết bảo vệ các 'bể chứa carbon' quan trọng này và vốn tự nhiên của chúng tôi cho các thế hệ tương lai".
Tổ chức Rainforest Foundation Na Uy hoan nghênh thỏa thuận, đồng thời nói rằng vốn tài trợ chỉ nên được cấp cho các quốc gia hành động thực sự và mang lại kết quả, "những người tôn trọng quyền của người dân bản địa và cộng đồng địa phương".
"Đây là số tiền tài trợ cho rừng lớn nhất từng được cam kết. Số tiền tới vào thời điểm quan trọng đối với các khu rừng nhiệt đới trên thế giới. Cam kết mới có khả năng đẩy nhanh hành động cần thiết từ cả chính phủ và các công ty. Chúng tôi hy vọng nguồn tài trợ này sẽ thúc đẩy những thay đổi chính trị cần thiết", Tổng thư ký tổ chức Rainforest Na Uy Toerris Jaeger nhận định.
Thỏa thuận này có thể sẽ tạo động lực thúc đẩy tinh thần tại COP26. Hội nghị vốn có khởi đầu không mấy ổn định sau hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome vào cuối tuần qua, do các bên không đạt được các cam kết khí hậu mới, đặc biệt là về thời điểm chấm dứt sử dụng than.
Đây cũng được coi là bước đột phá sau nhiều năm đàm phán về cách thức bảo vệ rừng. Nhiều kế hoạch khác nhau trước đó cũng đưa ra với nỗ lực và hạn chế nạn phá rừng nhưng thường vấp phải sự phản đối gay gắt.