Zing trích dịch bài đăng trên Guardian của Tania Joya - một phụ nữ sinh ra và lớn lên ở Anh - từng kết hôn với một người Mỹ đầu quân cho IS ở Syria. Trải nghiệm hôn nhân của Joya và hành trình giải thoát của cô thấm đẫm nước mắt và những hiểm nguy.
Tôi sinh ra ở phía bắc London vào năm 1983 và lớn lên trong một gia đình gốc Nam Á. Tôi chỉ muốn trưởng thành như một người dân Anh bình thường nhưng lại luôn bị gia đình gây áp lực phải trở thành một “phụ nữ Hồi giáo mẫu mực”. Tôi thậm chí còn không được phép hòa nhập với xã hội phương Tây. Lâu dần, tôi gần như không còn niềm tin với cha mẹ.
Năm 17 tuổi, chúng tôi chuyển đến sống tại phía đông London. Tôi làm quen được với vài người bạn nhưng họ lại quá bảo thủ, ngoan đạo và luôn chê trách tôi, cho rằng tôi quá "Tây". Tôi chán nản đến mức chỉ muốn biến thành một người khác.
Chị họ cũng là người có ảnh hưởng khá lớn đến tôi. Chị đã trở nên cực đoan hơn kể từ khi vào đại học. Chị dạy tôi về đế chế Hồi giáo (caliphate). Tôi đã đọc rất nhiều sắc dụ Hồi giáo Saudi Arabia trên mạng. Tôi nghĩ rằng tôi đang tìm kiếm sự thật.
Năm 2003, khi đang tham gia cuộc tuần hành chống chiến tranh Iraq ở London, tôi được vài người giới thiệu một trang web hẹn hò dành cho người Hồi giáo. Đó là nơi tôi gặp John Georgelas, một người Mỹ chuyển sang đạo Hồi. Anh ấy lớn lên trong một gia đình trung lưu, nói được nhiều thứ tiếng và có vẻ rất thông minh. Đó là điều khiến tôi rất ngưỡng mộ anh.
Tania Joya từng là vợ của một thủ lĩnh IS. Ảnh: The Guardian |
John lừa mẹ con tôi đến vùng chiến sự
John trở thành niềm hy vọng duy nhất giúp tôi thoát khỏi gia đình mình. Vì vậy, ngay lần đầu tiên anh đến thăm London, chúng tôi đã quyết định kết hôn. Chúng tôi chuyển đến Mỹ ít lâu sau đó. Cuộc sống khá êm đềm và vợ chồng tôi có với nhau một cậu con trai.
Tuy nhiên, John ngày càng có những tư tưởng chính trị cực đoan hơn. Năm 2006, anh bị buộc tội tấn công vào trang web của một nhóm vận động hành lang thân Israel và phải ngồi tù ba năm.
Khi John mãn hạn quản chế, anh lại càng cực đoan hơn trước. Chúng tôi bắt đầu chuỗi ngày chuyển nhà liên miên, đầu tiên là Ai Cập, rồi đến Istanbul. Anh thậm chí còn đề cập đến việc chuyển đến Syria. Thế nhưng, là một người mẹ 3 con, tôi kiên quyết phản đối việc đưa con mình đến một vùng chiến sự nguy hiểm mà lúc nào tính mạng của chúng tôi cũng có thể bị đe dọa. Tuy nhiên, chúng tôi không có đủ khả năng để ở lại Istanbul. Trước sự quyết liệt của tôi, John thông báo với tôi và gia đình anh ở Mỹ rằng chúng tôi sẽ chuyển đến Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ thay vì Syria.
Chúng tôi bắt xe buýt rời đi vào nửa đêm. Khi ấy, tôi đang mang thai 5 tháng. Yên tâm bước lên xe, tôi ngủ suốt dọc đường và hầu như không biết gì về cuộc hành trình. Đến sáng, tôi mới tá hỏa phát hiện mình đang ở một trạm kiểm soát của Syria. John đã lừa tôi!
Joya và chồng cũ John Georgelas - một thủ lĩnh đã bị tiêu diệt của IS. Ảnh: Tania Joya. |
Tôi đã rất sốc! Ngay khi tìm thấy điện thoại, tôi lập tức liên lạc với mẹ chồng và khóc rất nhiều. Trong suốt nhiều năm, John bị FBI theo dõi. Tức giận, tôi nhờ mẹ chồng liên lạc với FBI với hy vọng họ có thể giúp tôi thoát khỏi tình cảnh hiện tại. Họ cam đoan rằng tôi sẽ không bị buộc tội tham gia vào tổ chức cực đoan nếu tôi trở về Mỹ. Từ đó, ý nghĩ đưa các con rời khỏi Syria và trở về Mỹ vẫn luôn thôi thúc tôi.
Tại Syria, chúng tôi thậm chí không có nước để sinh hoạt vì bể chứa trên nóc nhà đã bị bắn thủng. Thiếu thốn đủ đường, tôi và các con đều bị suy dinh dưỡng. Tôi sống trong lo sợ sẽ mất đi bọn trẻ. Còn John liên tục đổ lỗi cho tôi vì đã liên lạc với đặc vụ. Trong thời gian này, tôi từ chối dùng khăn che mặt, và điều này khiến tôi trở thành một nỗi xấu hổ đối với anh. Bạn bè John xầm xì, thúc ép anh hoặc là quản lý tôi cho chặt, hoặc là vứt bỏ tôi.
Cuộc vượt biên nguy hiểm
May mắn thay, cuối cùng John cũng thương xót mẹ con tôi và sắp xếp cho chúng tôi rời đi. Tuy vậy, chuyến đi không mấy suôn sẻ. Ban đầu, chúng tôi phải đợi suốt ba tuần trong nhà vì bị bao vây và phải lẩn trốn khỏi các cuộc đấu đá nội bộ. Khi chiến sự tạm lắng, John thuê người đưa chúng tôi đi. Tôi và các con phải chạy bộ nhiều cây số, leo lên hàng rào kẽm gai và chui qua một cái lỗ trước khi nhảy xuống một chiếc xe tải đang bị bắn tỉa.
Người đàn ông (được thuê) đáng lẽ phải đưa chúng tôi đến bến xe buýt. Thế nhưng, ông ta bỏ lại tôi và mấy đứa trẻ trơ trọi ở một nơi vô định. Tôi hoảng loạn vô cùng nhưng sau đó may mắn được một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ giúp đỡ. Ơn trời vì tôi và các con còn sống. Tôi mong các con mình sẽ sống có ích, viên mãn và trả ơn cho cuộc đời này.
Joya hiện tham gia vào một nhóm chống chủ nghĩa cực đoan ở Anh. Ảnh: AFP. |
Sau khi rời khỏi Syria, tôi chưa bao giờ gặp lại John. Tôi còn nghe tin rằng anh đã tái hôn tại đó. John đóng vai trò thiết yếu trong việc thành lập IS và là một nhà truyền giáo hàng đầu cho tổ chức khủng bố này, giúp chiêu mộ những người phương Tây khác đến với các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Anh còn được biết đến nhiều với cái tên Yahya al-Bahrumi. Đến năm 2019, tôi mới bất ngờ phát hiện John đã qua đời. Anh rất có thể đã tử nạn trong một cuộc ném bom của Mỹ vào năm 2017.
Bây giờ, tôi và các con đang sống tại Texas, rất gần với nhà ông bà nội của bọn trẻ. Chồng hiện tại của tôi là một người rất quan tâm và trân trọng chúng tôi. Tôi được sống là chính mình.
Tôi đang làm việc cho nhóm chống chủ nghĩa cực đoan Faith Matters ở Vương quốc Anh. Với tôi, giáo dục chính là chìa khóa để loại bỏ đi sự cực đoan. Tôi đọc thật nhiều để tự giáo dục bản thân. Tôi mong muốn chia sẻ những giá trị tốt đẹp để mọi người luôn được tận hưởng hòa bình.