Theo một báo cáo gần đây, gần 2.000 trẻ em Yazidi sống trong khu vực người Kurd đã hoàn toàn bị 'bỏ rơi'.
Nhiều người phải chịu đựng những sự tức giận, hồi tưởng hay ác mộng. Họ cũng thường gặp phải những vấn đề sức khỏe dai dẳng.
"Những đứa trẻ này đã phải chịu đựng cuộc sống kinh hoàng dưới thời IS, và bây giờ chúng bị bỏ lại", ông Matt Wells, phó giám đốc ứng phó khủng hoảng của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết.
Trẻ em Yazidi phải đi di tản năm 2019. Ảnh: AFP. |
"Sức khoẻ thể chất và tinh thần của họ phải là ưu tiên hàng đầu trong những năm tới nếu họ muốn tái hoà nhập hoàn toàn với gia đình và cộng đồng".
400.000 thuộc dân tộc thiểu số Yazidi đã bị IS nhắm đến từ tháng 8/2014 ở trung tâm dãy núi Sinjar, nơi giam giữ hàng nghìn tù nhân và biến họ thành nô lệ.
Báo cáo đã trích dẫn chia sẻ của bác sĩ, cho biết hầu hết cô gái mà họ đã điều trị trong độ tuổi từ 9 - 17 tuổi đều là nạn nhân của bạo lực tình dục và giờ đây phải đối mặt với việc bị nhiễm trùng, kinh nguyệt không đều, khó khăn trong việc mang thai và sinh nở.
Một số phụ nữ sống sót chia sẻ với Tổ chức Ân xá rằng những đứa trẻ là kết quả của lạm dụng tình dục bị xã hội tẩy chay. Nhiều người trong số họ phải từ bỏ con cái và không được phép liên lạc kể từ đó.
Nhiều cậu bé đã bị tàn tật sau khi bị buộc phải chiến đấu cho IS và không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ khi về nhà, báo cáo cũng cho biết.
Đặc phái viên của cơ quan tị nạn thuộc Liên Hợp Quốc, Angelina Jolie, đã trích dẫn nghiên cứu của Tổ chức Ân xá tại hội đồng an ninh Liên Hợp Quốc hồi đầu tháng 7, khi bà kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn cho trẻ em Yazidi.
"Nếu chúng ta chẳng thể giữ lời hứa của mình với những đứa trẻ Yazidi sống sót - một nhóm người tương đối nhỏ - thì có bao nhiêu trẻ em và thanh niên phải chịu đựng trong thầm lặng trên toàn cầu?", nhà hoạt động phát biểu.
Các gia đình nạn nhân gặp nhiều khó khăn với những khoản chi hàng ngày, đặc biệt là khi nhiều người phải chi số tiền lớn cho những người bắt giữ IS để chuộc người thân.
Susan Nawaf, một nhà hoạt động cộng đồng của nhóm từ thiện Mines Advisory - nhóm hỗ trợ dọn mìn khỏi vùng trung tâm Yazidi trên núi Sinjar, chia sẻ rằng nhiều người tị nạn Yazidi nghèo khổ đã buộc phải quay lại đó mặc dù nguy hiểm.
"Sau sáu năm rời khỏi Sinjar đến các trại của người Kurd, giờ họ đã bắt đầu trở về nhà, nhưng nhiều người trong số đó không thể bởi căn nhà của họ đã bị phá huỷ", cô nói.
Nawaf cho biết khu vực này vẫn còn rải rác những quả mìn và bom chưa nổ. Nhiều ngôi nhà đã bị vướng bẫy và điều kiện ở đây trở nên tệ hơn do đại dịch. Những điều này hạn chế khả năng lao động của họ và cũng làm gián đoạn viện trợ nhân đạo.
"Ở đó không có điện cũng không có nước, rất nhiều ngôi nhà đã bị nổ. Do đó họ phải sống nhờ nhà người khác hoặc sống tạm trong lều. Họ sống phụ thuộc vào nghề nông, nhưng giờ khu vực nông nghiệp đã bị ô nhiễm [do chất nổ]", Nawaf bổ sung thêm.