Tình yêu, tình yêu là tác phẩm đánh dấu sự “lấn sân” của Phan An sang viết tiểu thuyết sau một thời gian dài gắn liền với sáu tập truyện ngắn - tản văn.
Tác giả Phan An - tên thật là Phạm Trí Hùng, đã xuất bản một số tập truyện ngắn và tản văn như: Giường, Phong độ đàn ông, Những câu chuyện biển, Những câu chuyện Sài Gòn, Nếu còn có tình yêu, Tình không như là mơ...Hiên Lam hiện đang làm tại một công ty truyền thông và là cộng tác viên của nhiều tờ báo và tạp chí .
Cuốn sách là sự kết hợp đặc biệt giữa Phan An - đóng vai nhân vật Lữ và Hiên Lam - người kể chuyện với vai trò nhân vật Lam. Câu chuyện bắt đầu từ bài viết của Lữ về Petersburg thần thánh trên diễn đàn Thanh niên xa mẹ với lời dẫn: "Bạn có muốn cùng tôi sang nước Nga không?”. Lữ nhận được phản hồi từ Lam - cô gái có tình yêu sâu sắc dành cho xứ sở Bạch Dương. Họ trò chuyện đều đặn trên diễn đàn như một thói quen. Và câu chuyện tình lãng mạn bắt đầu từ đây.
Sau chuyến hành trình ở Nga, Lữ về Việt Nam, về Sài Gòn gặp Lam. Cả hai đến với nhau với tình yêu nồng nàn cháy bỏng. Tình cảm của Lữ dành cho cô gái bé nhỏ Lam, vừa giống như tình yêu, lại mang mác tình thân. Lam dành cho anh những nỗi nhung nhớ và con tim thiếu nữ chân thành. Thế nhưng, khoảng cách tuổi tác quá lớn, tình yêu của họ bị ngăn cản từ phía gia đình Lam. Chán nản, Lữ quay về với những chuyến đi của mình.
Bìa cuốn "Tình yêu, tình yêu" sách dày 276 trang, có giá 66000 đồng. |
Cuốn sách được kể bằng hai giọng văn đan xen nhau một cách tinh tế, hài hòa. Nhân vật Lữ được tác giả Phan An xây dựng hình tượng là một kẻ gắn liền với chủ nghĩa xê dịch, với những chuyến đi. Mỗi cuộc hành trình của anh đều được lưu lại bằng những bài viết đăng trên diễn đàn một cách tường tận và dí dỏm, gợi cho người đọc nhiều trải nghiệm thú vị.
“Bạn tưởng tượng gì về nước Nga? Một đất nước tuyết phủ hoang dã với tâm hồn Nga đầy bí ẩn? Tôi nhớ ngày xưa còn có câu định nghĩa Nước Nga - Quê hương của Cách mạng tháng Mười. Đã đến nước Nga chắc chắn phải đi Saint Petersburg, cũng như khách nước ngoài đã đến Việt Nam phải đi Huế (cũng như... Tây phải ăn bánh mì - lý luận này tôi học được của chị nhân viên phục vụ tàu Hà Nội - Huế, lần đó tôi đi cùng khoang tàu với một cặp vợ chồng người Hà Lan, khi phát đồ ăn trên tàu, dù cặp vợ chồng người Hà Lan kia đề nghị được ăn cơm, chị nhân viên nhất định chỉ đưa cho họ bánh mì vì... Tây thì phải ăn bánh mì).”
Nhân vật nữ của Hiên Lam lại thu hút nhờ một tâm hồn phong phú, một trái tim nồng nhiệt và nhạy cảm, một tình yêu chân thành. Nỗi nhớ Lữ dạt dào, tình yêu sâu đậm cô dành cho Lữ luôn kiên định. Dù đến cuối cùng không được ở bên nhau, Lam vẫn mong muốn: “Em sẽ ngoan ngoãn như một người vợ hiền. Và chung thủy như một người tình”.
Không được ở bên nhau, những con người này sẽ như thế nào trong cuộc đời của họ? Tình yêu, tình yêu sẽ mang tới cho bạn đọc những lời lí giải thỏa đáng nhất và những hiểu biết nhiều hơn về nước Nga xa xôi.