Theo South China Morning Post, các đại gia công nghệ Trung Quốc đã gửi dữ liệu thuật toán cho cơ quan giám sát Internet nước này. Có khoảng 30 ứng dụng phổ biến nhất Trung Quốc đã được yêu cầu cung cấp thông tin mã nguồn.
Trong danh sách được Cơ quan Quản lý Không gian Mạng Trung Quốc (CAC) công bố, có 6 ứng dụng từ Alibaba, một của ByteDance, 2 của Tencent và 3 từ Baidu. Các nhà phát triển phải cung cấp chi tiết thuật toán để đề xuất nội dung tùy chỉnh cho thông tin và kết quả tìm kiếm.
Nhà chức trách yêu cầu ByteDance, cung cấp thuật toán Douyin, phiên bản TikTok tại Trung Quốc. Ảnh: Getty. |
Các phần mềm trong danh sách là những dịch vụ Internet phổ biến nhất Trung Quốc. Chẳng hạn như siêu ứng dụng WeChat từ Tencent có 1,3 tỷ người dùng. Hay Taobao, Tmall của Alibaba cũng phải gửi thuật toán cho chính quyền. Ứng dụng video ngắn Douyin (phiên bản nội địa của TikTok) cũng nằm trong danh sách.
CAC cho biết quy định được tạo ra với mục đích ngăn chặn các nội dung được cung cấp điên cuồng. Ví dụ được nhắc đến là cách thuật toán của Douyin giữ người dùng liên tục tương tác với lượng video gần như vô hạn, phù hợp với thị hiếu của họ. Hay các thuật toán trong trò chơi trực tuyến khuyến khích game thủ bỏ ra nhiều thời gian, tiền bạc hơn.
Việc buộc phải cung cấp mã nguồn là một phần của quy định thuật toán mới từ cơ quan quản lý Trung Quốc, được công bố vào tháng 3. Mục tiêu của chính sách mới là hướng các nhà phát triển ứng dụng “thúc đẩy năng lượng tích cực”. Đồng thời, người dùng có quyền từ chối các đề xuất cá nhân hóa do nền tảng tạo ra.
Các thuật toán đề xuất, tận dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo, máy học và big data (dữ liệu lớn) để điều chỉnh dịch vụ của người dùng cá nhân. Nó là thứ có thể ảnh hưởng đến xu hướng Internet và các cuộc thảo luận trực tuyến ở Trung Quốc. Đây là nơi có lượng người dùng mạng lớn nhất thế giới, thị trường số một cho thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến và điện thoại thông minh.
Công nghệ thuật toán là phần quan trọng giúp các doanh nghiệp phát triển doanh thu và mở rộng kết nối Internet. Tuy nhiên, chính nó trở thành vấn đề. Một số công ty bị cáo buộc đã dùng dữ liệu điều hướng khách hàng để tính thêm phí.
Thuật toán đề xuất là lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Trung Quốc. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ từng gây áp lực buộc ByteDance, công ty sở hữu TikTok bán mình vào 2020. Tuy nhiên, doanh nghiệp này từ chối vì không muốn chia sẻ mã nguồn ứng dụng.
“Chiếc xe có thể được bán, nhưng động cơ phải ở lại”, một nguồn tin nói với South China Morning Post tại giai đoạn đó.
Trung Quốc phản ứng lại bằng việc cập nhật danh mục công nghệ bị cấm hoặc hạn chế xuất khẩu khỏi nước này. Lĩnh vực bao gồm “công nghệ đề xuất được cá nhân hóa” và “tương tác trí tuệ nhân tạo”.
Việc bán ByteDance cho một công ty Mỹ không bao giờ được thực hiện. Năm 2021, Tổng thống Joe Biden đã thu hồi lệnh hành pháp của ông Trump. Việc cấm TikTok được trì hoãn, nhưng một quy định mới, xem xét về mối quan ngại an ninh từ ứng dụng này đã được đưa ra.