Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy ngày 21/11 thông báo đang tiến hành đánh giá rủi ro an ninh từ nền tảng mạng xã hội TikTok do công ty Trung Quốc sở hữu.
Trả lời báo chí bên lề sự kiện của Viện Doanh nghiệp Mỹ, Bộ trưởng McCarthy cho biết ông nhận được đề nghị điều tra từ Thượng nghị sĩ Chuck Schumer. Nhà lập pháp hàng đầu của đảng Dân chủ lo ngại về các rủi ro an ninh quốc gia khi quân đội dùng ứng dụng video để tăng cường tiếp cận thanh thiếu niên Mỹ và cải thiện hiệu quả tuyển quân, theo South China Morning Post.
"Nhiều chuyên gia về an ninh quốc gia đang lo ngại về cách TikTok thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân, bao gồm nội dung và liên lạc của người dùng, địa chỉ IP, dữ liệu liên quan đến vị trí, các metadata (siêu dữ liệu), và những thông tin cá nhân nhạy cảm khác", ông Schumer đặt vấn đề với Bộ trưởng McCarthy trong lá thư ngày 7/11.
Quân đội Mỹ tăng hiệu quả tuyển quân bằng các ứng dụng mạng xã hội đang được giới trẻ Mỹ ưa chuộng, trong đó có TikTok. Ảnh: Army Recruiting Command. |
Ông Schumer cũng đặc biệt lo lắng về những quy định pháp luật ở Trung Quốc, theo đó yêu cầu công ty trong nước phải hỗ trợ và hợp tác với hoạt động tình báo quốc gia.
Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đầu tháng này bắt đầu đánh giá mức ảnh hưởng đến an ninh quốc gia từ thương mua lại ứng dụng mạng xã hội Musical.ly của Beijing ByteDance Technology, cũng là công ty sở hữu ứng dụng TikTok.
ByteDance từng khẳng định hoạt động độc lập với chính phủ Trung Quốc, nhưng tuyên bố đó không đủ để xoa dịu những lo ngại về bảo mật dữ liệu cho công dân Mỹ. Các nhà lập pháp ở Washington cũng muốn làm rõ liệu nội dung trên TikTok có chịu sự kiểm duyệt từ Trung Quốc hay không.
ByteDance là một trong những start-up công nghệ phát triển nhanh nhất tại Trung Quốc. Công ty cho biết khoảng 60% trong 26,5 triệu người dùng TikTok sống tại Mỹ và có độ tuổi từ 16-24.
Trong một bài viết ngày 5/11, Vanessa Pappas, trưởng văn phòng ở Mỹ của TikTok, khẳng định các trung tâm dữ liệu ứng dụng "đều nằm bên ngoài Trung Quốc". Bà nhấn mạnh dữ liệu của người dùng tại Mỹ được lưu trữ ở Mỹ và sao lưu tại Singapore.
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer. Ảnh: Reuters. |
Thượng nghị sĩ Schumer cũng từng đề nghị Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Ủy ban Thương mại Liên bang tiến hành điều tra FaceApp, một ứng dụng chỉnh sửa gương mặt được phát triển tại Nga, về các rủi ro an ninh quốc gia và bảo mật thông tin cá nhân.
Nguy cơ thông tin quân sự nhạy cảm bị rò rỉ thông qua các ứng dụng điện thoại đang được giới chức Mỹ ngày một quan tâm. Các nhà nghiên cứu năm 2018 phát hiện ứng dụng theo dõi luyện tập thể lực Strava đã vô tình làm lộ nhiều căn cứ và cơ sở an ninh nhạy cảm của Mỹ.
Năm 2017, quân đội Mỹ cũng yêu cầu nhân sự ngưng sử dụng các thiết bị bay không người lái do công ty Trung Quốc SZ DJI Technology chế tạo. Họ lo ngại các sản phẩm này dẫn đến "rủi ro tổn hại không gian mạng".