Nhiều bộ phim về đề tài tranh đấu chốn hậu cung vốn được chuyển thể từ tiểu thuyết. Sau khi xem phim, một lượng lớn khán giả muốn tìm đọc tiểu thuyết để so sánh những điểm khác nhau giữa hai tác phẩm. Ngoài tìm đọc sách giấy, độc giả trẻ muốn nghe audiobook vì sự tiện lợi và linh hoạt của nó.
Tiếc rằng những bản audiobook của các tiểu thuyết cung đấu nổi tiếng đang phát miễn phí trên YouTube đều là sách nói lậu. Các đơn vị phát hành những cuốn tiểu thuyết này biết sản phẩm của mình bị đem ra kinh doanh bất hợp pháp nhưng không có cách nào để ngăn chặn tình trạng này.
Một số tập trong bộ truyện Hậu cung Chân Hoàn truyện. Ảnh: S.P. |
Tiểu thuyết cung đấu - “miếng ngon” không thể bỏ qua
Nói đến tiểu thuyết cung đấu nổi tiếng, chắc chắn không thể bỏ qua Hậu cung Chân Hoàn truyện của tác giả Lưu Liễm Tử. Phim truyền hình cùng tên được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết này đã làm mưa làm gió khắp châu Á và được một đài truyền hình của Mỹ mua bản quyền để chiếu tại nước này.
Trước khi được chuyển thể thành phim, tiểu thuyết Hậu cung Chân Hoàn truyện cũng được đông đảo bạn đọc yêu thích. Sau thành công của bộ phim tại Việt Nam, vào năm 2014, Đinh Tị Books đã phát hành bộ tiểu thuyết Hậu cung Chân Hoàn truyện gồm 8 tập. Thời hạn giữ bản quyền tiếng Việt của Đinh Tị Books với bộ tiểu thuyết này là 5 năm, tính đến năm 2019 công ty này đã hết thời hạn giữ bản quyền tác phẩm.
Hiện nay, trên YouTube có rất nhiều bản audiobook của tiểu thuyết Hậu cung Chân Hoàn truyện. Điều đáng nói là có những bản audiobook được phát hành từ năm 2017, đây là thời điểm Đinh Tị Books vẫn còn giữ bản quyền của tác phẩm này.
Theo ông Vũ Hải, Trưởng phòng Maketing của Đinh Tị Books, đối với bộ tiểu thuyết Hậu cung Chân Hoàn truyện, đơn vị này chỉ phát hành sách giấy, chứ không hợp tác làm audiobook với bất kỳ đơn vị nào. Những bản audiobook được phát hành khi công ty này còn giữ bản quyền đối với tác phẩm, mà không có sự đồng ý của Đinh Tị, rõ ràng là sách nói lậu.
Một số bản audiobook của Hậu cung Chân Hoàn truyện đã có tới hàng trăm nghìn lượt nghe trên YouTube trong suốt nhiều năm qua. Qua con số này, chúng ta thấy được các đơn vị làm audiobook lậu đã hưởng lợi lớn từ tiểu thuyết cung đấu đình đám này.
Tiểu thuyết nổi tiếng ắt có sách lậu
Ngoài Hậu cung Chân Hoàn truyện, tác giả Lưu Liễm Tử còn có một bộ tiểu thuyết cung đấu khác, cũng nổi tiếng không kém đó là Như Ý truyện. Sau khi tác phẩm này được đạo diễn Uông Tuấn chuyển thể thành phim, nhiều khán giả cũng tò mò muốn tìm đọc tiểu thuyết gốc. Hiện nay, tiểu thuyết Như Ý truyện vẫn chưa được phát hành tại Việt Nam.
Thế nhưng, có rất nhiều bản audiobook của bộ tiểu thuyết này đã xuất hiện trên YouTube. Trên các website đọc truyện trực tuyến cũng dễ dàng tìm được ebook của tác phẩm này.
Sau thành công của bộ phim Hậu cung Như Ý truyện, thấy được sức hấp dẫn của tiểu thuyết gốc, nhiều đơn vị làm audiobook không bản quyền và ebook lậu đã tiến hành dịch bộ tiểu thuyết này và phát hành ở nhiều dạng như sách nói và sách điện tử trên các nền tảng khác nhau.
Hình ảnh trong Hậu cung Như Ý truyện, phim chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên. Ảnh: Đ.A. |
Đây là một tác phẩm có bản quyền. Việc một lúc có tới hàng chục nơi đăng tải audiobook hay ebook sẽ không tránh khỏi có đơn vị vi phạm bản quyền.
Như Ý truyện là bộ tiểu thuyết được nhiều bạn đọc Việt Nam quan tâm. Nếu tác phẩm được phát hành chính thức tiếng Việt sẽ phải cạnh tranh lớn với audio và ebook không bản quyền đang lan tràn.
Tiểu thuyết Đông cung, một tác phẩm nổi tiếng của tác giả Phỉ Ngã Tư Tồn, cũng đã được xuất bản ở Việt Nam. Sau thành công của phim chuyển thể, nhiều khán giả cũng quan tâm tới bộ tiểu thuyết này và có ý định tìm đọc tác phẩm gốc.
Khi gõ từ khóa “tiểu thuyết Đông cung” lên thanh công cụ của YouTube, sẽ tìm được khá nhiều bản audiobook của tác phẩm này. Đáng tiếc, các bản audiobook này đều là sách nói lậu.
Bà Ngọc Mai, Quản lý thương hiệu Blue Books, đơn vị giữ bản quyền tiếng Việt của bộ tiểu thuyết Đông cung cho biết Blue Books không phát hành audiobook của bộ tiểu thuyết Đông cung, cũng không phối hợp sản xuất sách nói với bất kỳ đối tác nào.
Để cho ra đời được một bản dịch hoàn chỉnh, các đơn vị phát hành sách phải tốn rất nhiều thời gian và tâm huyết. Ngoài việc liên hệ mua bản quyền, tìm dịch giả phù hợp, còn phải trải qua các khâu hiệu đính, biên tập tỉ mỉ mới có thể đem bản dịch hoàn chỉnh tới với độc giả trong nước. Những công đoạn này có thể mất tới vài năm trời.
Để có được một sản phẩm audiobook, các đơn vị làm sách nói lậu chỉ mất vài tuần cho việc thu âm và dựng video. Họ ngang nhiên cướp đi công sức dịch thuật, hiệu đính và biên tập của các đơn vị làm sách giấy có bản quyền. Chuyện này đã tồn tại từ nhiều năm nay, nhưng các nhà xuất bản và nhiều công ty phát hành sách đành làm ngơ.
Nếu gửi báo cáo vi phạm tới YouTube, chủ kênh audiobook lậu sẽ gỡ video xuống, nhưng vài ngày sau, họ có thể lập một kênh khác để tải bản audiobook đó lên. Hơn nữa, nếu đó là tác phẩm bán chạy, cùng lúc sẽ có nhiều đơn vị tiến hành làm audiobook lậu. Việc gửi báo cáo vi phạm và yêu cầu gỡ video chỉ là biện pháp tình thế.