Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Tiếng vang’ của thỏa thuận AUKUS sẽ lâu dài

Những diễn biến mới nhất báo hiệu nhiều tác động sâu sắc của thỏa thuận AUKUS lên cục diện quan hệ quốc tế.

Thỏa thuận ba bên giữa Australia, Mỹ và Anh (AUKUS) dự kiến bao gồm nhiều lĩnh vực hợp tác, trải dài từ ngoại giao, quân sự đến công nghệ. Song nội dung cốt lõi của nó là giúp Australia sở hữu một hạm đội tàu ngầm hạt nhân tân tiến, theo Financial Times.

Trong thông báo chung hôm 15/9 với Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison về thỏa thuận AUKUS, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh đây là hoạt động “đầu tư vào nguồn lực lớn nhất của chúng tôi - các đồng minh”.

Tuy nhiên, Pháp - đồng minh lâu năm nhất của Mỹ - cảm thấy tức giận về thỏa thuận này. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian gọi AUKUS là “một cú đâm lén”. Đến ngày 17/9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã rút các đại sứ của nước này khỏi Washington và Canberra.

Những diễn biến trên báo hiệu tác động sâu sắc của thỏa thuận AUKUS lên cục diện quan hệ quốc tế, tờ Financial Times bình luận.

Mỹ, Australia và Anh

Với Mỹ, thỏa thuận AUKUS là động thái mạnh mẽ nhất, thể hiện quyết tâm chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, đặc biệt là tham vọng của nước này tại vùng biển Thái Bình Dương.

Qua thỏa thuận ba bên, Mỹ không chỉ chia sẻ công nghệ quân sự cho Australia, mà còn tái khẳng định cam kết lâu dài đối với một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

AUKUS còn khiến công chúng tạm quên đi thất bại của Mỹ ở Afghanistan, đồng thời tạo tiền đề cho cuộc gặp thượng đỉnh của nhóm Bộ Tứ, bao gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ, dự kiến diễn ra hôm 24/9 tại thủ đô Washington.

Tac dong cua thoa thuan AUKUS anh 1

Thủ tướng Australia Scott Morrison và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters.

Ông Michael Fullilove thuộc tổ chức tư vấn Viện Lowy tại thành phố Sydney, nhận xét: “Ý nghĩa của việc này là Mỹ củng cố sự cam kết vào các đồng minh và nhận lại điều tương tự. Trong khi đó, Pháp là thiệt hại bên lề”.

Với Australia, AUKUS khiến nước này phải hủy một hợp đồng trị giá hàng chục tỷ USD với Pháp về tàu ngầm chạy diesel-điện. Giới quan sát đánh giá đây là một bước đi táo bạo do hợp đồng có quy mô cực lớn và được ký kết từ năm 2016.

Song nó cũng cho thấy Australia bất chấp các hình phạt để đặt cược vào Mỹ với tư cách là một đồng minh. Quyết định hủy hợp đồng với Pháp cũng thể hiện tham vọng của Canberra với công nghệ tàu ngầm hạt nhân từ Mỹ.

Trong bộ ba AUKUS, Anh có thể là nước đóng vai trò ít quan trọng nhất. Song Thủ tướng Boris Johnson tin rằng thỏa thuận này sẽ phục vụ cho lợi ích của Anh trên trường quốc tế.

Trên thực tế, AUKUS phù hợp với nỗ lực hậu Brexit nhằm thúc đẩy một “nước Anh toàn cầu”, “nghiêng về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Đây chính là đánh giá toàn diện về chính sách đối ngoại và quốc phòng của Anh, mới được công bố hồi tháng 3.

AUKUS và Pháp

Với người Pháp, AUKUS phản ánh tình hình thực tế, là châu Âu cần “tự chủ chiến lược” hơn để không quá phụ thuộc vào Mỹ. Pháp tức giận cũng vì cảm giác bị Australia phản bội, và điều này vượt xa một hợp đồng tàu ngầm.

Pháp đã và đang nỗ lực xây dựng một mối quan hệ ngày càng bền chặt với Australia. Mới đây vào ngày 30/8, thông cáo từ cuộc tham vấn cấp bộ trưởng giữa Australia và Pháp đã nói về “sức mạnh quan hệ đối tác chiến lược trên nhiều lĩnh vực”, trong đó có nhắc đến chương trình tàu ngầm.

Tuy nhiên, ở cuộc tham vấn và nhiều cuộc họp khác, Pháp không nhận được bất kỳ thông tin nào về AUKUS. Chuyên gia về chính sách đối ngoại François Heisbourg, người đã tham gia vun đắp cho mối quan hệ giữa Pháp và Australia, nói “sáu tháng giữ bí mật” là điều không nên làm.

Phản ứng của Pháp là một trong những dấu hiệu cảnh báo về AUKUS. Việc xảy ra chia rẽ với một đồng minh chủ chốt sẽ không có lợi cho bất kỳ bên nào. Giờ đây, ba nước tham gia AUKUS phải nghĩ cách để giảm thiểu rủi ro.

Tac dong cua thoa thuan AUKUS anh 2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm nhà máy chế tạo tàu ngầm. Ảnh: France24.

Sự việc với Pháp cũng làm giảm uy tín của chính sách đối ngoại Mỹ. Đây được coi là thất bại nối tiếp cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan. Từ đó, giới quan sát nhận thấy ‘điềm xấu’ trong việc Mỹ quản lý mối quan hệ với Trung Quốc, vốn liên quan đến nhiều yếu tố cạnh tranh quân sự và kinh tế.

Cuối cùng, chính sách đối ngoại Mỹ lại một lần nữa bị chỉ trích, do chú trọng đến khía cạnh quân sự mà bỏ quên các công cụ ngoại giao.

Đáp trả AUKUS, Trung Quốc đã chỉ trích “tâm lý Chiến tranh Lạnh” của ba bên tham gia. Chỉ sau một ngày, Bắc Kinh nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Hiệp định này gồm 11 quốc gia, từng được Mỹ vận động là giải pháp để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc, song chính nước này lại từ bỏ giữa chừng.

Sẽ không có cách nào để Mỹ sửa sai trong chính sách kinh tế. Trên thực tế, sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, cùng các đồng minh của hai nước này, sẽ tiếp tục trải dài trên nhiều lĩnh vực và trong nhiều năm tới, Financial Times nhận định.

Đây được coi là thách thức địa chính trị của thế kỷ XXI. Và với thỏa thuận AUKUS, tình hình đã đi đến một bước ngoặt mới, tờ báo Anh viết.

Liên minh AUKUS vượt xa vấn đề những chiếc tàu ngầm

Các nhà phân tích nhận định hiệp ước ba bên AUKUS là nền tảng thiết yếu trong nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc giành ưu thế quân sự ở khu vực.

Triều Tiên lên tiếng về liên minh AUKUS

Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 20/9 cho biết liên minh mới AUKUS và hợp đồng tàu ngầm gần đây giữa Mỹ với Australia có thể dẫn đến "cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân" trong khu vực.

Uyên Uyên

Bạn có thể quan tâm