Australia gây chú ý sau khi thiết lập quan hệ đối tác quốc phòng ba bên với Mỹ và Anh (AUKUS), nhằm bổ sung nhiều tàu ngầm hạt nhân cho hải quân của nước này. Song ý nghĩa đằng sau liên minh AUKUS vượt xa những chiếc tàu ngầm và lợi ích riêng của Australia, theo Financial Times.
Giới chức quân sự và các nhà phân tích nhận định hiệp ước ba bên AUKUS là nền tảng thiết yếu trong nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc giành ưu thế quân sự trong khu vực.
Tàu chiến Mỹ ở vùng biển gần Australia. Ảnh: AP. |
“Mỹ đang cố gắng nâng cao năng lực quân sự của các đồng minh, đồng thời khai thác triệt để các mối quan hệ để gia tăng phạm vi ảnh hưởng”, chuyên gia về các vấn đề an ninh châu Á, ông Alexander Neill, nhận định.
“Điều này có nghĩa là hợp nhất năng lực của Mỹ và các đồng minh, gia tăng lực lượng và tạo ra sự răn đe với những nước như Trung Quốc”, ông Neill nhận xét. “Đây là ý nghĩa của liên minh quân sự ba bên giữa Australia, Mỹ và Anh”.
Lấp đầy khoảng trống
Kho vũ khí tên lửa của Trung Quốc đang gây áp lực cho các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản và đảo Guam. Việc Bắc Kinh bước vào “cuộc chơi” công nghệ và không gian cũng gây ảnh hưởng tới sự hiện diện của Mỹ ở châu Á.
Hơn một thập kỷ qua, các nhà hoạch định chính sách và giới chức Mỹ đã đi tìm giải pháp cho việc Trung Quốc mở rộng năng lực quân sự. Một số giải pháp ban đầu là điều chỉnh hoạt động của Hải quân Mỹ, mở rộng năng lực không quân tại vùng biển Thái Bình Dương và liên tục đưa quân đến miền Bắc Australia.
Nhưng liên minh AUKUS có thể tiến xa hơn những nỗ lực này. Ông David Santoro, Chủ tịch tổ chức tư vấn Diễn đàn Thái Bình Dương, nhận xét: “Tôi nghĩ AUKUS sẽ lấp đầy những ‘khoảng trống’ quân sự của Mỹ trong khu vực”.
“Chúng ta đang nghiêm túc tăng cường quan hệ đồng minh với Australia. Điều này xảy ra trong bối cảnh Mỹ chú ý nhiều hơn đến nhóm Bộ Tứ”, ông Santoro đề cập đến mối quan hệ đối tác giữa Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản.
Từ châu Á, hai quan chức quân sự giấu tên cho biết họ kỳ vọng vào cuộc họp thượng đỉnh của nhóm Bộ Tứ được tổ chức vào tuần này. Sự kiện này có thể là dịp để Mỹ củng cố cam kết hợp tác quốc phòng sâu rộng hơn.
“Chúng tôi đang kỳ vọng vào viễn cảnh các nước đối tác cùng chịu trách nhiệm tuần tra trong khu vực. Điều này sẽ giúp tối ưu hóa lực lượng hạn chế mà chúng tôi đang có”, một quan chức chia sẻ.
Hôm 17/9, Mỹ và Australia thông báo việc triển khai luân phiên các máy bay quân sự và mở rộng hoạt động hợp tác, nhằm phục vụ các tàu hải quân của Mỹ tại nước này. Hai nước cũng khẳng định sẽ tiến hành thêm nhiều cuộc tập trận tổng hợp và các hoạt động chung với đồng minh, đối tác trong khu vực.
Răn đe tổng hợp
Hồi tháng 2, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khởi động một cuộc đánh giá lực lượng, nhằm xác định những thay đổi cần thiết đối với sự hiện diện, nguồn lực và chiến lược của quân đội Mỹ trên toàn cầu.
Thành quả đầu tiên của quá trình này có thể là những sáng kiến như AUKUS, theo chuyên gia cấp cao về an ninh châu Á - Thái Bình Dương Euan Graham tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Singapore.
Trong chiến lược mới của Mỹ, cách tiếp cận trọng tâm được gọi là Răn đe tổng hợp. Theo đó, Mỹ sẽ tự liên kết các lực lượng của mình, đồng thời tích cực phối hợp với đồng minh để tạo ra sự phụ thuộc, liên quan sâu sắc lẫn nhau.
“Với Mỹ, Australia không chỉ là một đồng minh chính trị, mà còn sở hữu vị trí địa lý thuận lợi khi phải cảnh giác với Trung Quốc”, ông Graham phân tích.
“Mỹ có thể đặt các khí tài quân sự ở Australia và sẵn sàng hành động như điều họ từng làm vào những năm 1940”, ông Graham nhắc đến giai đoạn Thế chiến II, khi Mỹ và Australia cùng đối đầu với Nhật Bản. “Công nghệ đã thay đổi rất nhiều, nhưng địa lý thì không thay đổi”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trò chuyện trực tuyến với Thủ tướng Australia Scott Morrison. Ảnh: Getty. |
Trong các cuộc triển khai luân phiên đến Australia, không quân Mỹ đưa đến các máy bay ném bom có khả năng mang theo tên lửa chống hạm. Loại chiến đấu cơ này có thể khiến các tàu hải quân của Trung Quốc gặp nhiều thách thức.
Theo giới phân tích, Hải quân Mỹ sẽ yêu cầu tiếp cận căn cứ HMAS Stirling ở Perth, nhằm triển khai thêm tàu ngầm hạt nhân. Đảo Cocos của Australia tại vùng biển Ấn Độ Dương cũng thích hợp cho việc giám sát các phương tiện tiếp cận vùng Biển Đông đang tranh chấp.
Các chuyên gia quốc phòng coi AUKUS là một phần trong kế hoạch tổng thể của Mỹ đối với châu Đại Dương. Họ cho rằng sự hợp nhất của Washington và các đồng minh sẽ gây trở ngại cho những tính toán của Bắc Kinh trong tương lai.
“Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan, nếu các vệ tinh giám sát quân sự của Australia chia sẻ thông tin với Mỹ và Anh khi xảy ra xung đột”, ông Drew Thompson, một nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Singapore kiêm cựu quan chức Lầu Năm Góc, dự đoán.