“Đây là những hành động nguy hiểm và không mong muốn, có thể làm đảo lộn chiến lược cân bằng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và kích hoạt các hoạt động chạy đua vũ trang hạt nhân”, hãng truyền thông nhà nước KCNA dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Triều Tiên.
"Điều này cho thấy Mỹ là yếu tố chính trong việc làm lung lay hệ thống quốc tế không phổ biến vũ khí hạt nhân", một người đứng đầu bộ phận tin tức nước ngoài tại Cục Thông tin và Báo chí Triều Tiên cho biết.
Quan chức này nói thêm Triều Tiên "chắc chắn sẽ có hành động đáp trả trong trường hợp động thái này tác động tiêu cực đến an ninh đất nước, cho dù là ảnh hưởng nhỏ nhất".
Tuần trước, Mỹ, Anh và Australia đã công bố quan hệ đối tác ba bên nhằm tăng cường hợp tác an ninh, quân sự và ngoại giao, viết tắt là AUKUS. Theo thỏa thuận, Mỹ và Anh sẽ cung cấp cho Australia công nghệ và khả năng triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, Reuters đưa tin.
Triều Tiên cảnh báo thỏa thuận tàu ngầm giữa Mỹ và Australia có thể dẫn đến "cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân". Ảnh: New York Times. |
Trong khi đó, hôm 15/9, cả Triều Tiên và Hàn Quốc đã bắn tên lửa đạn đạo trong đợt thử nghiệm mới nhất, khiến căng thẳng trong khu vực vốn đã bất ổn nay lại càng leo thang, ngay lúc sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng.
Một số nước đã gọi hành động này là sai trái. Đáp lại, quan chức Triều Tiên nói: "Việc các nước láng giềng bao gồm cả Trung Quốc lên án những hành động này là động thái vô trách nhiệm, phá hủy hòa bình và ổn định của khu vực".
Mối quan hệ giữa chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và Triều Tiên đã có những thay đổi so với người tiền nhiệm Donald Trump.
"Thái độ đối phó nước đôi của Mỹ ngày càng rõ ràng hơn sau khi chính quyền mới xuất hiện, làm xói mòn trật tự và chuẩn mực quốc tế được chấp thuận rộng rãi, đồng thời đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định thế giới", quan chức Triều Tiên cho biết.