Kể từ khi chào sân màn bạc với Bắc Kim Thang (2019), Trần Hữu Tấn đã định hình sự nghiệp gắn liền với dòng phim kinh dị. Không dưới một lần, anh khẳng định với báo giới rằng đây sẽ là con đường duy nhất mình theo đuổi.
Đến hiện tại, nam đạo diễn đã có 5 tác phẩm điện ảnh và một series truyền hình. Trong đó, duy chỉ có Rừng Thế Mạng (2021) lỗ. Những bộ phim còn lại ít nhiều đều sinh lãi, giúp Trần Hữu Tấn có thể đều đặn ra phim mới hàng năm.
Dẫu vậy, luôn có những điều đáng tiếc tồn tại trong các tác phẩm của nam đạo diễn. Bắc Kim Thang, Rừng Thế Mạng, Chuyện Ma Gần Nhà (2022), Tết Ở Làng Địa Ngục (2023), Kẻ ăn hồn (2023), hay mới nhất là Cám (2024) đều gây tranh luận về chất lượng.
Lỗ hổng câu chuyện luôn đem đến sự đáng tiếc
Rừng thế mạng chỉ thu về hơn 14 tỷ đồng, trở thành bộ phim lỗ duy nhất trong sự nghiệp của Trần Hữu Tấn đến lúc này. Song, đây lại là một trường hợp tương đối đáng tiếc.
Chặng đường để Rừng thế mạng ra rạp thật sự rất gian truân. Tác phẩm đã có hai lần đổi tựa phim, ba lần dời lịch chiếu và hai năm chờ đợi. Vì thế, sự mong chờ của khán giả phần nhiều đã nguội lạnh.
Về chất lượng, Rừng thế mạng được quảng bá là tác phẩm sinh tồn đầu tiên của Việt Nam. Bộ phim cũng gây ấn tượng bởi những cảnh quay đẹp, những ý tưởng táo bạo khi khai phá một thể loại mới. Tuy nhiên, những lỗ hổng trong kịch bản khiến chất lượng tác phẩm giảm đi trông thấy, thậm chí còn gây tranh luận trên các diễn đàn.
Thực tế, những vướng mắc trong cách kể chuyện đã luôn xuất hiện trong các tác phẩm của Trần Hữu Tấn, là thứ khiến những sáng tạo độc đáo của anh chưa thể chinh phục hoàn toàn khán giả.
Khởi đầu là Bắc kim thang - bộ phim điện ảnh đầu tay và cũng là tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá hay nhất nhì sự nghiệp của nam đạo diễn đến lúc này.
Bắc kim thang không phải là một tác phẩm kinh dị đơn thuần, mà tạo nên nỗi sợ dựa trên những căng thẳng về tâm lý. Phim gây ấn tượng khi có cách triển khai táo bạo, ngôn ngữ kinh dị được xây đắp tốt, phần hình ảnh tạo ra sự mơ hồ giữa thực và ảo. Những điểm mạnh đó đã giúp Trần Hữu Tấn, ngay từ khi ra mắt, đã ghi dấu như một trong những cái tên sáng giá của điện ảnh Việt.
Song, chính những trúc trắc trong cách kể chuyện lẫn một cái kết có phần vội vàng đã khiến màn chào sân của nam đạo diễn chưa thật sự trọn vẹn.
Trong số những dự án của Trần Hữu Tấn, Chuyện ma gần nhà là bộ phim bộc lộ điểm yếu này rõ ràng nhất. Tác phẩm vẫn giữ được những điểm mạnh vốn có của nam đạo diễn, đó là việc khắc họa tốt không khí u ám, tận dụng những chất liệu kinh dị có sẵn, mà ở đây là các truyền thuyết đô thị, hay những tạo hình ma quỷ gây rùng mình.
Song, cách đạo diễn lựa chọn lối kể Anthology film (phim tuyển tập) và cũng khai thác chưa tốt đã khiến bộ phim trở nên rời rạc, thiếu thuyết phục. Tác phẩm thu về gần 59 tỷ đồng nhưng lại nhận nhiều ý kiến trái chiều, trở thành bước lùi của nam đạo diễn.
Trong năm 2023, Trần Hữu Tấn đã có sự trở lại mạnh mẽ. Trong khi Tết ở làng Địa Ngục từng tạo nên cơn sốt lúc bấy giờ, chiếm lĩnh top 1 Netflix từ tay những drama xứ Hàn thì tiền truyện Kẻ ăn hồn cũng thu về 63 tỷ đồng.
Cả hai phim đều tạo ấn tượng về mặt chất liệu và thiết kế sản xuất, nhưng lại tiếp tục gây tiếc nuối bởi yếu tố câu chuyện chưa tương xứng với sự đầu tư lẫn tham vọng của đạo diễn.
“Cám” cũng không phải ngoại lệ
Cám - tác phẩm mới nhất của nam đạo diễn vẫn đầy năng lượng, đầy sự dụng công, và đầy sáng tạo, như cách người ta vẫn thấy ở những bộ phim của Trần Hữu Tấn. Song, nó cũng đầy vụng về, khó hiểu, và đầy sự đáng tiếc như những tác phẩm trước đây của anh.
Khởi đầu, Cám được triển khai một cách dồn dập bằng những cú cắt cảnh. Mỗi cú cắt truyền đạt một thông tin hoặc giới thiệu một nhân vật. Với cách làm trên, phim vừa giới thiệu thế lực tà ác, vừa xây dựng thế giới, nhân vật cùng một lúc. Song, chính điều này gây ra cảm giác kể lể ngay từ ban đầu.
Thêm vào đó, vì thời lượng hồi một có hạn, những cú cắt cảnh ngày càng trở nên gấp gáp hơn, thông tin vì thế cũng được truyền đạt một cách sơ sài hơn. Ngay từ hồi đầu, cách kể mà nam đạo diễn chọn đã gây ra sự đứt gãy về thông tin lẫn cảm xúc cho khán giả.
Dễ thấy, Trần Hữu Tấn rất tham vọng khi vừa muốn giữ lại những chi tiết của tác phẩm gốc, vừa muốn đưa vào những sáng tạo của bản thân. Thêm vào đó, các nhân vật được anh xây dựng cũng có tính cách tương đối phức tạp. Ông Lý trưởng và người vợ đều có những giằng co nội tâm. Họ thương Cám, nhưng bất lực trước cái trớ trêu của số phận, buộc phải nhẫn tâm hành hạ con mình.
Rõ ràng ý tưởng của Cám tốt và rất có chiều sâu. Song, để truyền đạt tất cả một cách cặn kẽ trong 2 tiếng phim gần như bất khả thi. Việc ôm đồm quá nhiều đã khiến nhịp độ tác phẩm trở nên gấp gáp xuyên suốt thời lượng, từ đó làm cho khán giả khó có đủ thời gian để hòa nhập vào câu chuyện và thấu hiểu chiều sâu tâm lý của nhân vật.
Nhịp phim quá nhanh cũng ảnh hưởng đến chất lượng những màn hù dọa. Cám không đem đến thứ cảm xúc sợ hãi âm ỷ hay cảm giác lo âu, thay vào đó phim khiến người xem giật mình bằng những cú jumpscare vốn đã không còn đặc sắc. Dẫu vậy, nhờ vào phần hóa trang xuất sắc, khi tạo ra những hình ảnh quái dị, máu me đầy chân thật đã giúp tác phẩm có ít nhiều khoảnh khắc khiến khán giả rùng mình.
Thêm vào đó, Cám tuy cũng có một vài cú máy tương đối thú vị, đơn cử như khi đặt vào những góc khuất nhằm gia tăng sự bất an, song thời lượng chúng xuất hiện khá ngắn. Có lẽ, Trần Hữu Tấn đã không dám mạo hiểm kéo chậm nhịp phim, bởi Cám vốn đã có thời lượng khá dài.
Cái kết của tác phẩm cũng có phần gây hụt hẫng. Cám chưa giải quyết triệt để những gì mình mở ra. Phim bắt đầu bằng một đoạn hoạt hình, cách làm không mấy sáng tạo, song kết vẫn theo cách tương tự khi chưa giải quyết xong điều gì.
Rõ ràng, nỗ lực của Trần Hữu Tấn và những người đứng sau Cám là điều không phải bàn cãi. Họ làm phim nghiêm túc, chỉn chu từ hình ảnh đến chất liệu. Phim cũng có nhiều sáng tạo độc đáo, đặc biệt là việc dũng cảm “vặn ngược” câu chuyện cổ tích vốn đã nổi tiếng.
Thế nên, việc đứa con tinh thần của Trần Hữu Tấn được đưa lên màn bạc với đầy sự vụng về và gấp gáp là điều đáng tiếc.
Nam đạo diễn thật sự cần trau chuốt hơn nữa trong cách kể chuyện ở các dự án tương lai, để có thể chinh phục hoàn toàn khán giả, thay vì chỉ dừng lại ở việc tạo ấn tượng ban đầu.
Tủ sách Nghệ thuật - Giải trí giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp giải trí và các bộ môn nghệ thuật đại chúng tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách cũng đề xuất loạt tác phẩm đáng đọc về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, giúp độc giả hiểu hơn và biết thêm về những câu chuyện hậu trường, chưa từng được tiết lộ.