Genre: Kinh dị
Director: Trần Hữu Tấn
Cast: Quốc Cường, Thúy Diễm, Rima Thanh Vy, Lâm Thanh Mỹ, Hải Nam...
Rating: 6/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Alfred Hitchcock, bậc thầy dòng phim kinh dị, từng nói rằng nếu để ông làm phim về Cinderella, thứ khán giả muốn thấy sẽ là thây xác cô bé Lọ Lem trên cỗ xe ngựa.
Câu bông đùa như một lời khẳng định chắc nịch về phong cách làm phim rùng rợn đặc trưng của Hitchcock. Song ở khía cạnh nào đó, lại phản ánh suy nghĩ, ý tưởng táo bạo của một đạo diễn tài ba khi đã có trong tay thứ chất liệu độc đáo.
Những mẩu chuyện mơ mộng, đặt dưới lăng kính kinh dị, lại hoàn toàn có thể đưa người xem vào một chiều không gian khác, nơi những nét vẽ cổ tích trở nên biến dị, méo mó gây sửng sốt. Thứ làm người ta không ngờ được, là câu chuyện tưởng như quen thuộc lại có thể được bày biện độc đáo, thú vị đến vậy.
Thiết kế sản xuất có đầu tư
Trở lại Việt Nam, Cám của Trần Hữu Tấn chưa ra rạp đã gây được chú ý vì sở hữu chất liệu hấp dẫn như thế. Tác phẩm là dị bản kinh dị của truyện cổ tích dân gian nổi tiếng, gắn liền với tuổi thơ nhiều thế hệ khán giả Việt. Dĩ nhiên, đội ngũ biên kịch đã sáng tạo nhiều tình tiết mới, khiến câu chuyện mà người xem tưởng chừng nằm lòng nay đã không còn quá dễ đoán.
Trước Cám, Trần Hữu Tấn từng gây tiếng vang với Tết ở làng địa ngục và Kẻ ăn hồn. |
Phim theo chân Tấm (Rima Thanh Vy) và Cám (Lâm Thanh Mỹ), hai chị em cùng cha khác mẹ, con ông lý trưởng Hai Hoàng (Quốc Cường). Tấm sinh ra đã được cưng chiều, yêu thương, còn Cám với gương mặt biến dạng bị coi là nỗi ô nhục của gia tộc, bị chính cha mẹ ruột hắt hủi. Dẫu vậy, hai chị em vẫn sống chan hòa và đùm bọc lẫn nhau.
Lớn lên, Cám đem lòng yêu chàng người ở tên Bờm. Những tưởng mọi chuyện diễn ra êm đẹp thì ngày kia, bí mật đen tối của gia tộc bị đưa ra ánh sáng. Để có được cuộc sống bình yên, tổ tiên ông Hai Hoàng từng lập giao kèo với quỷ dữ mang tên Bạch Lão. Đổi lại cứ mỗi 10 năm, gia tộc phải hiến tế cho nó một cô gái đồng trinh.
Lần này, Cám chính là người bị ông Hai Hoàng lựa chọn.
Đặt cạnh câu chuyện gốc, Cám của Trần Hữu Tấn vẫn tái hiện nhiều tình tiết quen thuộc, như cảnh mò tép, nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo, hội thử hài, cá bống nuôi trong giếng cho đến việc Tấm trèo cây lấy buồng cau cúng cha, linh hồn sau khi chết hóa thành cây thị...
Bằng việc khôn khéo tận dụng chất liệu dân gian, từ các bài vè, dân ca cho đến cả những nhân vật truyền thuyết như thằng Bờm, Cám hiện lên đậm đà bản sắc văn hóa, tái hiện thành công bức tranh cuộc sống mang đậm hơi thở thời phong kiến xưa.
Ngoài chất liệu, Cám còn tạo thiện cảm nhờ thiết kế sản xuất, khi bối cảnh, trang phục và khâu hóa trang cho thấy sự đầu tư công phu, qua những tạo hình kinh dị của con quỷ Bạch Lão, dân làng bị lột da và đặc biệt là gương mặt biến dạng đáng sợ của nữ chính...
Đây là nỗ lực đáng khen của Trần Hữu Tấn cùng êkip, khi tiếp tục phát huy thế mạnh đã thể hiện trong những tác phẩm trước đây, điển hình là Kẻ ăn hồn hay Tết ở làng Địa Ngục.
Lối mòn kịch bản
Không phủ nhận Cám làm khá tốt phần nhìn.
Nhưng nếu xét về nội dung, kịch bản phim lại bộc lộ không ít hạn chế.
Biên kịch “vặn ngược” câu chuyện cổ tích bằng cách thêm thắt tuyến nhân vật mới, đồng thời thay đổi góc nhìn về những nhân vật mà khán giả đã quá quen thuộc. Đó là khi Tấm không còn bị em gái ganh tị mà cướp công, hai chị em chung sống hòa thuận, trong khi Cám mới chính là nạn nhân của những đối xử bất công, tệ bạc. Ngay cả “ông Bụt” cũng xuất hiện trong vỏ bọc mới, là hiện thân của quỷ dữ...
Cám là phim kinh dị Việt có ngân sách lớn nhất lịch sử. |
Thay đổi nguyên mẫu nhân vật cùng việc cài cắm plot-twist là chìa khóa giúp Cám đánh thức sự tò mò.
Chỉ có điều, đứa con tinh thần của Trần Hữu Tấn lại rơi vào cái bẫy “bình mới, rượu cũ” khi nội dung thiếu sự đầu tư, lại nhiều lỗ hổng - vấn đề cố hữu với kịch bản phim kinh dị Việt. Việc ôm đồm tình tiết cũng khiến Cám ngày càng lê thê, lãng phí chất liệu tiềm năng.
Chính sự dàn trải này khiến hồi cuối đuối sức và trở nên gấp gáp đột ngột, với cái kết lưng chừng nặng tính minh họa, thể hiện sự bất lực của đạo diễn trong việc khép lại mớ sự kiện ngồn ngộn đã bày ra ở đầu và giữa phim. Tác phẩm cố gắng truyền tải nhiều thông điệp về xã hội, con người nhưng cách bày biện chưa khéo, dẫn tới mọi thứ đều nửa vời, chưa xác định rõ nội dung trọng tâm.
Cám giàu ý tưởng, song nghèo nàn về cách diễn đạt. Lối kể thiếu điểm nhấn, lợi dụng những lát cắt thời gian không cho thấy hiệu quả. Ngoài nhịp điệu thiếu kiểm soát, cách phát triển nội dung hay xây dựng nhân vật cũng bộc lộ hạn chế.
Cám, ở trung tâm của phim, luôn bị coi là nỗi ô nhục của gia đình. Cô bị cha đánh mắng, đối xử tệ bạc. Ngay cả mẹ ruột cũng thường xuyên trút giận lên Cám vì nghĩ rằng do con mà mình bị chồng lạnh nhạt. Ánh sáng hiếm hoi trong đời cô là tình cảm với anh chàng gia nô tên Bờm.
Để rồi khi ngay cả hạnh phúc nhỏ nhoi bị tước đoạt, Cám “hắc hóa” và bắt tay vào hành trình trả thù. Nhân vật có đủ động cơ. Diễn xuất của Lâm Thanh Mỹ cũng phần nào thể hiện được những trạng thái cảm xúc của Cám từ “nạn nhân” cho tới thời điểm trở thành “phản diện”. Những đớn đau về thể xác lẫn tinh thần góp phần giúp nhân vật tạo được đồng cảm.
Ngoại trừ Cám, những vai diễn còn lại đều có hành trình chưa đủ thuyết phục. Tấm dưới màn hóa thân của Rima Thanh Vy quá bị động. Ở những giờ phút cuối khi quyết tâm vùng lên chống lại cái ác, diễn xuất của Thanh Vy thiếu sức nặng. Chưa kể, quyết định của nhân vật cũng không hề hợp lý, điển hình như việc từ bỏ chiếc vòng hộ mạng - thứ duy nhất giúp cô chống lại thế lực tà ác.
Điều tương tự xảy ra với các tuyến nhân vật phụ. Người xem khó lòng tin vào câu chuyện đang diễn ra trước mắt khi những hạt sạn logic xuất hiện thường xuyên. Chẳng ai biết lý do Hai Hoàng có thể giữ kín bí mật tày trời suốt nhiều năm, gia tộc lý trưởng không vùng lên chống lại con quỷ hay vì sao ông Hai Hoàng phải dụ dỗ Bờm lừa Cám làm vật hiến tế, trong khi những nạn nhân trước không hề tự nguyện...
Lạm dụng cắt cảnh khiến tổng thể phim trở nên vụn. |
Xét về yếu tố kinh dị, đứa con tinh thần của Trần Hữu Tấn hoàn toàn thất bại.
Loạt tình tiết hù dọa trong phim nặng tính sắp đặt, cũ kỹ và dễ đoán. Các cảnh jump-scare chủ yếu dựa vào âm thanh lớn cùng những tiếng la hét đinh tai nhức óc. Đạo diễn để nhân vật làm vậy trong hầu hết hoàn cảnh, như thể tiếng hét là hình thức biểu hiện của mọi trạng thái cảm xúc, từ ngạc nhiên, sợ hãi, hoảng loạn cho tới tuyệt vọng... Chưa kể, phần hiệu ứng âm thanh ma quái bị lạm dụng cũng gây ức chế, tạo cảm giác mồi chài cảm xúc.
Chính sự “tham lam” này khiến tác phẩm không thành công khơi dậy nỗi sợ và sự ám ảnh - hiệu ứng mà bất kỳ bộ phim kinh dị nào cũng cần tạo được với người xem. Mọi mánh khóe hù dọa đều có xu hướng bị làm lố và trở nên ồn ào, trong khi thứ thực sự khiến khán giả lạnh tóc gáy lại là những cảnh “tĩnh” hơn, như Cám đứng sau khung cửa đóng kín, cười quái dị khi trước đó không lâu vừa sát hại một nạn nhân xấu số.
Cám lột da mặt người khác để khiến bản thân mình “lột xác” là tình tiết kinh dị cực kỳ đắt giá, bởi ngoại hình càng xinh đẹp như trước đó hằng mong muốn, nội tâm cô đồng thời càng xấu xí, méo mó hơn. Tuy nhiên, sự nghịch biến này chưa được thể hiện trọn vẹn ý nghĩa trên màn ảnh, chủ yếu chỉ phục vụ mục đích hù dọa.
Tủ sách Nghệ thuật - Giải trí giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp giải trí và các bộ môn nghệ thuật đại chúng tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách cũng đề xuất loạt tác phẩm đáng đọc về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, giúp độc giả hiểu hơn và biết thêm về những câu chuyện hậu trường, chưa từng được tiết lộ.