Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn bà Amy Coney Barrett trong cuộc bỏ phiếu tối 26/10 với tỷ lệ 52 phiếu thuận - 48 phiếu chống. Kết quả thể hiện tính đảng phái và sự chia rẽ sâu sắc tại cơ quan lập pháp do phe Cộng hòa kiểm soát.
Lần đầu tiên trong 151 năm, một thẩm phán tòa tối cao được phê chuẩn mà không có bất cứ phiếu thuận nào từ phe thiểu số tại Thượng viện, theo New York Times. Trong khi đó, gần như toàn bộ thành viên đảng Cộng hòa đều bỏ phiếu thuận, trừ Thượng nghị sĩ Susan Collins của bang Maine.
Bà Amy Coney Barrett trong một phiên điều trần phê chuẩn tại Thượng viện Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Với kết quả này, Tổng thống Donald Trump đã đưa được người thứ ba do ông đề cử vào ghế thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, một vị trí trọn đời. Việc phê chuẩn bà Barrett cũng củng cố uy thế của phe bảo thủ tại tòa với 6 thẩm phán, so với 3 thẩm phán theo đường lối tự do.
Đây là chiến thắng, dù gây ra không ít tranh cãi cho ông Trump khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra chỉ sau 8 ngày nữa. Quan trọng hơn, kết quả này sẽ định hình nước Mỹ trong nhiều năm sắp đến.
Cuộc bỏ phiếu hôm 26/10 diễn ra sau khi thẩm phán Ruth Bader Ginsburg qua đời hôm 18/9, khiến ông Trump và đảng Cộng hòa vội vã lao vào cuộc đua lấp ghế trống tại tòa tối cao trước ngày bầu cử 3/11. Thành công trong việc này được xem là cú hích đáng kể đối với chiến dịch tái tranh cử của tổng thống đương nhiệm.
Đảng Dân chủ phản đối việc phê chuẩn bất cứ thẩm phán nào một cách nhanh chóng, cho rằng cần đợi cử tri thể hiện tiếng nói của mình trong ngày bầu cử. Đây cũng chính là lập trường mà đảng Cộng hòa từng nêu ra cách đây 4 năm khi họ thậm chí từ chối tổ chức điều trần phê chuẩn với người được Tổng thống Barack Obama đề cử cho ghế thẩm phán tòa tối cao, Merrick Garland.
Bà Barrett, 48 tuổi, là thẩm phán thứ 115 của Tòa án Tối cao Mỹ và là người phụ nữ thứ năm ngồi vào ghế này.
Với việc bà Barrett thay thế bà Ginsburg, vị thẩm phán được xem là biểu tượng của phe cánh tả, mọi mặt trong đời sống của người Mỹ có thể bị ảnh hưởng, từ quyền phá thai, quyền của người đồng tính cho đến luật kinh doanh và môi trường.
Dường như không muốn lãng phí thời gian, ông Trump dự định tổ chức lễ tuyên thệ ngay trong đêm 26/10 cho bà Barrett. Buổi lễ tại Nhà Trắng dự kiến có khoảng 200 người tham dự.
Lễ công bố đề cử với bà Barrett cách đây một tháng đã biến thành sự kiện siêu lây nhiễm virus corona, khi đám đông tham dự hầu hết không đeo khẩu trang và không tuân thủ quy định giãn cách.