Muôn kiếp nhân sinh là cuốn sách bị làm giả rất nhiều trên thị trường. Bản thật (bên trái) so với bản giả (bên phải) có sự khác nhau ngay từ phần bìa. Ảnh: First News. |
Trong thời đại kỹ thuật số, thương mại điện tử đã mang lại nhiều tiện ích và cơ hội cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, cùng sự phát triển vượt bậc này, sàn thương mại điện tử cũng trở thành không gian để đối tượng làm sách giả, sách lậu lợi dụng. Cuộc chiến chống sách lậu trên các nền tảng thương mại điện tử đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt từ nhiều phía.
Sách lậu tràn lan trên các kênh bán hàng online
Không thể phủ nhận rằng nhờ có sự xuất hiện của kênh bán hàng thương mại điện tử, các đơn vị làm sách có thể phát hiện sách in lậu nhanh hơn. Trên TikTok shop, Facebook, các hội nhóm tiêu thụ hàng lậu, sách giả kém chất lượng đều bị phát hiện.
Chẳng hạn vụ việc những bản in kém chất lượng Không diệt không sinh đừng sợ hãi hay cuốn Văn minh trà Việt của Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam bị làm giả đều được tìm thấy thông qua các kênh bán hàng online.
Cuốn Không diệt không sinh đừng sợ hãi của Thích Nhất Hạnh vẫn tiếp tục bị làm giả sau nhiều lần đơn vị Saigon Books lên tiếng. |
Đồng thời, với sự phát triển của sàn thương mại điện tử, độc giả cũng có cơ hội tham gia phản ánh các ấn phẩm giả trên thị trường và cảnh báo tới người tiêu dùng. Vào hồi tháng 6, trên kênh TikTok cá nhân, tài khoản Hải An đã chia sẻ về cuốn Siêu giải toán anh lớp 7 và Sổ đề cương 3 trong 1 toán văn anh lớp 7 của nhà xuất bản Thanh Niên đã bị làm giả nghiêm trọng.
Theo chia sẻ của người làm nội dung cuốn sách giả “sai kiến thức, thiếu rất nhiều thông tin, không có mã QR để truy cập vào đường link bài tập bổ trợ, gáy sách cong vênh”.
Vào hồi tháng 5, khi nhận thông tin cuốn sách 72 bí kíp cho thị trường chứng khoán Việt Nam bị làm giả, ông Vũ Trọng Đại (Giám đốc CTCP TIMES) cũng cảnh báo tới người tiêu dùng: “Độc giả cẩn trọng trong việc tìm mua ấn phẩm này, nhất là cảnh giác trước những quảng cáo trên mạng xã hội với giá rẻ cùng các ưu đãi giảm giá bất thường”.
Đại diện đơn vị 1980 Books cũng cho biết hiện nay trên nền tảng TikTok shop hay trong các phiên livestream cũng phát hiện thấy những cuốn sách bị làm lậu.
Đơn vị này đánh giá rằng tình trạng sách lậu ngày càng phức tạp và cần sự phát hiện, cảnh giác từ cả phía người mua hàng. Không ham rẻ, tìm kênh mua hàng chính gốc, có uy tín là những thông điệp đơn vị này từng đưa ra trong cuộc chiến chống hàng lậu trên không gian thương mại số.
Theo chia sẻ từ một số đơn vị làm sách khác, thực trạng trên còn cho thấy, kinh doanh xuất bản đang có rất ít quyền lợi trên các sàn thương mại điện tử, trong khi sách là một loại hàng hóa đặc biệt dễ bị làm giả. Đi cùng mức phí cao, các sàn thương mại cũng cần cho thấy cách bảo vệ quyền lợi của đối tác tham gia kinh doanh.
“Cơ chế, chế tài xử phạt với các đơn vị bán sách lậu chưa đủ răn đe, nên vẫn có nhiều gian hàng bán sách lậu. Nên kiểm duyệt gian hàng kĩ hơn để tránh việc có sách lậu, sách giả đến với thị trường độc giả làm giảm uy tín của sách chính hãng”, đại diện Bách Việt Books cho biết.
Thắt chặt đầu vào để giảm thiểu rủi ro
Việc đăng ký thương mại trên các kênh bán hàng hiện nay vẫn còn khá dễ dàng, do đó sách lậu mới có cơ hội trà trộn và đến tay người tiêu dùng.
Một trong những biện pháp quan trọng là áp dụng quy trình xác thực danh tính nghiêm ngặt đối với người bán. Các sàn thương mại điện tử cần yêu cầu người bán cung cấp thông tin cá nhân và doanh nghiệp chi tiết, kèm theo các giấy tờ pháp lý chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Việc này giúp giảm thiểu rủi ro người bán sách lậu có thể lợi dụng sự ẩn danh để kinh doanh sản phẩm vi phạm bản quyền.
Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử cần trao quyền nhiều hơn cho đơn vị phân phối. Mỗi sản phẩm sách cần phải được kiểm tra kỹ lưỡng về nội dung và bản quyền trước khi được phép xuất hiện trên nền tảng.
Các nhà xuất bản và tác giả cần được tham gia vào việc báo cáo những sản phẩm có dấu hiệu in lậu để sàn thương mại xác minh và loại bỏ. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các sàn thương mại điện tử và các bên liên quan trong ngành xuất bản.
Cuốn Văn minh Trà Việt bản giả và bản thật. Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam. |
“Tìm mọi cách ngăn chặn vấn nạn sách lậu. Sách lậu chỉ có thể ngăn chặn khi các đối tác sàn thường xuyên lắng nghe và làm việc trực tiếp, liên tục với các đơn vị phát hành lớn, chủ động trong việc diệt sách lậu như Alpha Books, First News. Chẳng hạn, hàng quý cần có những buổi họp về việc này để cùng nhau giải quyết các vấn đề phát sinh”, đại diện Alphabooks chia sẻ về vấn nạn sách lậu trên các sàn thương mại.
Thúc đẩy sách thật là một trong nhiều cách để giảm thiểu tình trạng sách lậu. Vì vậy các nhà phân phối và phát hành cũng mong những sàn thương mại điện tử có thể đưa ra chính sách hỗ trợ người bán. Từ đó, người bán có thể đem lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng. Nhà phân phối cũng cần có thêm hỗ trợ miễn phí và nhanh chóng. Quy trình duyệt sách cần nhanh chóng hơn để người bán có thể sớm giới thiệu sách đến khách hàng.
Một yếu tố quan trọng khác là công khai thông tin xử phạt các gian hàng có sách lậu. Các nền tảng thương mại cần chia sẻ thông tin về những người bán vi phạm bản quyền và các sản phẩm sách lậu.
Từ đó, các bên có liên quan sẽ tham gia ngăn chặn việc chúng xuất hiện trên nhiều sàn cùng lúc. Việc này giúp tạo ra một hệ thống cảnh báo chung giúp tăng cường hiệu quả trong việc kiểm soát đầu vào và bảo vệ quyền lợi của các tác giả, người tiêu dùng.
Với nỗ lực từ nhiều phía, việc thắt chặt đầu vào trên các sàn thương mại điện tử sẽ góp phần quan trọng trong cuộc chiến chống sách lậu, bảo vệ quyền lợi của các tác giả và thúc đẩy một môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.