Người dân mua sách tại Phố sách Hà Nội. Ảnh: Đức Huy. |
Tiệm của Quýt là một hiệu sách được thành lập từ tháng 7/2023. Vì thiếu không gian vật lý, hiệu sách này chỉ hoạt động online. Trong quá trình kinh doanh, hiệu sách có thử đăng tải sản phẩm lên một sàn thương mại. Không lâu sau, Tiệm của Quýt phải đóng gian hàng vì chi phí cao, không nhiều hỗ trợ cho mặt hàng sách.
Đau đầu với chi phí
Tiệm của Quýt không phải là hiệu sách duy nhất cảm thấy khó khăn khi phải đối mặt với bài toán cân bằng chi phí. Quest Bookstore, một tiệm sách với đa dạng mặt hàng, cũng nhận định thương mại điện tử là xu hướng nhưng cũng là thách thức đối với người bán. “Chi phí sàn cao, bán một quyển sách tại đây gần như không có lãi”, đại diện truyền thông của Quest Bookstore chia sẻ.
Cùng đó, đại diện hiệu sách Tiệm của Quýt cũng cho rằng chính sách 15 ngày trả hàng khiến việc kinh doanh trở nên rủi ro hơn. Do đó, hiệu sách quyết định dừng việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Dù rằng, nhờ sàn thương mại có khả năng tiếp cận lượng lớn khách hàng, tuy nhiên các khoản phí dịch vụ đi kèm để hấp dẫn người mua khiến hiệu sách có thể nhận lại các đơn hàng không lãi.
Bảng chi phí đăng ký một số sàn thương mại điện tử hiện nay. Ảnh: Webility. |
Trong môi trường bán hàng online ngày nay, việc khởi nghiệp trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, dẫn đến một thực tế là ai cũng có thể tham gia vào thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn, đòi hỏi mỗi người bán phải tìm ra hướng đi riêng và độc đáo để thu hút khách hàng. Cạnh tranh không chỉ giới hạn ở những đối thủ trực tiếp mà còn mở rộng ra các đối thủ gián tiếp.
“Ví dụ, thay vì chỉ cân nhắc giữa hai hoặc ba cửa hàng sách với nhau, người tiêu dùng trên không gian mạng còn có thể suy nghĩ về việc chi tiền vào các sản phẩm khác như quần áo hay phụ kiện. Điều này làm cho việc thuyết phục người mua chọn sản phẩm của mình trở nên khó khăn hơn, vì phải vượt qua nhiều lựa chọn hấp dẫn khác ngoài thị trường truyền thống của mình”, đại diện hiệu sách Tiệm của Quýt cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các sàn thương mại điện tử hiện nay có mức thu phí dao động khoảng 4%. Bên cạnh đó, quản lý sàn sẽ tính thêm các loại phí khác để quảng cáo mặt hàng, chẳng hạn ebay dao động từ 4,95 đến 2,299 USD/tháng, tùy theo đối tượng khách hàng, đi kèm với đó là các quyền lợi. Còn Amazon sẽ đơn giản hóa đối tượng và tập trung vào người bán cá nhân, cửa tiệm độc lập hơn, chi phí khoảng 39,99 USD/tháng cho người dùng chuyên nghiệp.
Tại Việt Nam, Shopee, Lazada, Tiktok Shop đều có những mức chi phí sàn cạnh tranh với nhau từ 0,001%. Chẳng hạn, tính đến hết năm 2023, mức phí của Shopee là 4%, Lazada là 3,993%. Tuy nhiên công thức tính mức phí này của hai bên khác nhau nên độ chênh lệch cũng không đáng kể. Dù vậy, mức phí 4% với các tiệm sách nhỏ lẻ vẫn là cao. Bên cạnh đó, nếu người bán không trả tiền thêm cho các phí dịch vụ để tạo mã freeship, freeship extra, voucher, sản phẩm sẽ rất khó để đến tay khách hàng.
Thúc đẩy thương mại điện tử cho ngành sách
Mới đây, trong một số ngày hội giảm giá, có thể thấy sự tham gia của các đơn vị làm sách và phát hành lớn như Fahasa, Nhã Nam, Sbooks, MCBooks… Trong những ngày hội này, các sàn thương mại điện tử hoàn toàn có thể đem lại một mức chiết khấu đặc biệt cho mặt hàng sách. Từ đó, giảm thiểu gánh nặng cho đơn vị phân phối cũng như mang đến một mức giá phù hợp hơn đối với khách hàng. Đồng thời, điều này cũng có thể thúc đẩy nhiều bên hơn tham gia vào sàn thương mại điện tử.
Sàn thương mại điện tử có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp làm sách và phân phối sách. Chẳng hạn, có thể áp dụng mức phí ưu đãi, hỗ trợ chi phí vận chuyển hoặc cung cấp các gói quảng cáo miễn phí trong giai đoạn đầu tham gia. Những chính sách này không chỉ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí mà còn tạo điều kiện để họ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng một cách hiệu quả.
Một yếu tố quan trọng khác là việc xây dựng một hệ sinh thái thương mại điện tử thân thiện với ngành sách. Các sàn thương mại điện tử phát triển thêm những ngày hội theo chủ đề có gắn với sách. Tiêu biểu là Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, để hưởng ứng sự kiện này, sự tham gia của các doanh nghiệp thương mại là cần thiết. Từ việc thúc đẩy doanh số ngành sách, những đơn vị làm sách mới có nguồn lực tốt hơn để phát triển các hoạt động văn hóa đọc và đầu tư thêm vào việc tìm kiếm những sáng tác chất lượng. Điều này cũng tác động ngược lại, nếu doanh nghiệp phát triển, các sàn thương mại điện tử cũng có cơ hội mở rộng tệp khách hàng.
Người dân xếp hàng mua sách tại nhà xuất bản Kim Đồng. |
Xuất bản là một thị trường có tiềm năng. Theo nhận định của ông Nguyễn Nguyên (Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành) ngành xuất bản làm ra 500-600 triệu bản sách mỗi năm. Trước đó năm 2023, ngành xuất bản của Việt Nam cũng đã đạt mức bình quân 6 cuốn sách/người.
Vào tháng 4/2024, tại Ngày Sách và Văn hóa đọc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận định rằng người Việt Nam không đọc ít đi mà đang đọc nhiều hơn. Điều này dẫn đến không gian của các nhà xuất bản cũng được mở rộng và cần phải đào sâu hơn và những sáng tạo mới.
Có thể thấy ngành xuất bản của Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh sự hỗ trợ từ phía các nhà quản lý, sự tham gia của khối doanh nghiệp sở hữu nền tảng công nghệ tốt trong việc phân phối và bán hàng cũng rất cần thiết.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.