Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Hiệu sách từ Âu sang Á qua trải nghiệm của bạn trẻ Việt

Các nhà sách tại những nước phát triển đang dần thích nghi với việc thay đổi hành vi tiêu dùng của công chúng. Từ những thay đổi này, có thể thấy gì về nhà sách tại Việt Nam.

kinh doanh anh 1

Một tiệm sách ở Rome. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khi thương mại điện tử phát triển, các tiệm sách gặp phải một thách thức lớn trong việc duy trì lượng khách hàng. Tuy nhiên, khi nhìn từ góc độ thị trường, đây có thể là một cơ hội để phân hóa các tệp khách hàng tốt hơn, giúp người quản lý tập trung phát triển và tìm kiếm thế mạnh cho cơ sở kinh doanh của mình. Đầu tiên, hãy nhìn vào ví dụ ở châu Âu và Trung Quốc qua góc nhìn từ hai bạn trẻ.

Nhà sách trong cơn bão số

Nếu châu Âu được biết đến với nền tảng bán lẻ trực tuyến như Amazon, Trung Quốc lại được nhắc đến với Taobao, Temu. Đây là những khu vực lớn có những hệ thống mua hàng trực tuyến phát triển. Chúng tạo nên ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng ở cả các vùng lãnh thổ khác.

Không chỉ thay đổi phương thức chi tiêu tiêu dùng của độc giả, những sàn thương mại điện tử này còn thúc đẩy các hiệu sách định vị lại tệp khách hàng của mình cũng như khai thác các thế mạnh địa phương.

Bùi Tuyết Minh (24 tuổi) với 5 năm học tập và làm việc chủ yếu tại hai đất nước Italy và Đức cho biết các hiệu sách vẫn rất đông người qua lại nhưng chủ yếu là lớp trung niên và người già. Người trẻ tại đây dần chuyển sang đọc sách điện tử vì tính gọn nhẹ cũng như khả năng tiếp cận dễ dàng hơn bằng các thiết bị cá nhân.

Do đó, những tiệm sách ở Italy xây dựng thành các mô hình kinh doanh sách kết hợp với chỗ làm việc. Nó là một cách để thu hút những người trẻ như Tuyết Minh tới đông hơn. “Tại Italy, văn hóa làm việc tại thư viện được hưởng ứng rất mạnh. Vì vậy, lúc nào thư viện trường hay thư viện công cũng đều hết phòng, mình đành phải tìm ra các tiệm sách có chỗ ngồi như này. Một lưu ý nhỏ tại đây là nếu mua nước bên ngoài mang vào là không được”, Tuyết Minh cho biết.

Khác với Italy, tại Đức, tiệm sách có thể được chia thành nhiều tầng khác nhau. Chúng thường bán thêm những loại văn hóa phẩm như băng đĩa, bìa, poster, quà lưu niệm… Điều đặc biệt là tại châu Âu có những tiệm sách cổ, sách cũ rất đẹp mặc dù cách bài trí đơn giản nhưng số lượng sách dày đặc trong các giá ngăn cao đến trần nhà khiến ai đi qua cũng phải trầm trồ.

Còn tại Trung Quốc, Nguyễn Thùy Dương (25 tuổi, từng có 5 năm sống tại làm việc tại đây cho biết các tiệm sách Trung Quốc ở trong trung tâm thương mại không quá khác so với Việt Nam. Nhưng khi đến các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, nhà sách đẹp, hoành tráng và có rất đông người qua lại.

“Dù là người trẻ hay người già, mình thấy nhà sách tại Trung Quốc khá đông, họ vẫn có tệp khách hàng riêng của mình. Nơi đây thậm chí còn thu hút cả khách du lịch nước ngoài, khách nội địa”, Thùy Dương chia sẻ.

Ở các nước phát triển thương mại điện tử, nhà sách vẫn có thể khẳng định vị trí riêng của mình. Do đó, các cơ sở kinh doanh này đã mở ra thêm các hoạt động mới dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng, điều mà môi trường số không thể làm được.

Khi nhà sách trở thành điểm đến văn hóa

Theo gợi mở của Nguyễn Thùy Dương, khi tìm hiểu sâu hơn về các nhà sách tại Trung Quốc, có thể nhận thấy rằng chúng đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển.

Chuỗi hiệu sách Librairie Avant-garde tại miền Đông Trung Quốc là một ví dụ. Định hướng kinh doanh của hiệu sách này không chỉ hướng đến việc mở rộng đối tượng mà tập trung vào thu hút độc giả địa phương.

“Mỗi chi nhánh của chuỗi nhà sách đều mang một màu sắc vùng miền riêng, không chỉ ở cách lựa chọn sách, sản phẩm sáng tạo văn hóa, phong cách kiến ​​trúc mà còn ở phương thức quản lý khác nhau phù hợp với từng địa điểm. Điều này đã giúp chuỗi nhà sách trở thành người tiên phong và đương đầu với những thách thức sinh tồn”, bà Liu Yating, giám đốc chi nhánh ở Shaxi (Vân Nam, Trung Quốc) chia sẻ với Global Times.

kinh doanh anh 6

Sự kiện dành cho trẻ em địa phương tại hiệu sách Hisen Reading. Ảnh: Hisen.

Vị giám đốc cũng nhấn mạnh vào định hướng nhà sách tập trung vào trưng bày lịch sử, văn hóa và truyền thống dân gian địa phương, góp phần thu hút nhiều lao động trẻ trở về quê hương của họ.

Tại các địa phương khác, chuỗi hiệu sách Hisen Reading cũng nổi lên nhờ phương hướng tập trung vào phát triển văn hóa địa phương. Ngoài kinh doanh, Hisen Reading còn tận dụng không gian để tổ chức nhiều sự kiện khác nhau, bao gồm các cuộc gặp gỡ doanh nhân, các buổi hội thảo văn hóa, hội thảo giáo dục và các bữa tiệc của công ty. “Hồng Hà là nơi sinh sống của 4,4 triệu người và phần lớn khách hàng của Hisen đến từ các thành phố lân cận hoặc là cư dân ngoại tỉnh, những người đánh giá cao môi trường học tập mà Hisen cung cấp và thúc đẩy”, bà Huyan Siyue (Giám đốc Hisen Reading) cho biết.

Đặc biệt, vào giữa tháng 11/2022, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã đưa ra ý kiến ​​nhằm thúc đẩy việc xây dựng thủ đô văn học và giúp các hiệu sách thu hút độc giả từ nhiều tỉnh thành lân cận từ đó thúc đẩy du lịch nội địa và khu vực châu Á. Có thể thấy, việc gắn hoạt động của nhà sách vào văn hóa đọc là xu thế phát triển của xuất bản.

Nhà sách Việt Nam dần thay đổi

Xây dựng nhà sách trở thành một điểm đến văn hóa không chỉ là một xu hướng của các nước phát triển tại Đức, Italy hay Trung Quốc như những ví dụ trên.

Để thích nghi với nhu cầu mới, các nhà sách ở Việt Nam cũng dần thay đổi. Không chỉ là nơi kinh doanh sách, người quản lý đã kết hợp thêm các hoạt động khác như làm đồ thủ công, vui chơi cùng trẻ em, tổ chức sự kiện gặp gỡ của các câu lạc bộ, hội nhóm…

Chẳng hạn, các sự kiện của nhà xuất bản Kim Đồng, nhà sách Phương Nam, Đinh Tị thường gắn với các cuốn sách và ngày lễ đặc biệt. Chẳng hạn nhân vật dế mèn, các nhân vật truyện tranh Pháp-Bỉ hoặc truyện tranh trong nước.

kinh doanh anh 7

Không gian sách của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật được dùng để tổ chức các sự kiện. Ảnh: Đức Huy.

Đa phần các nhà sách hiện nay đều thiết kế những khu vực ngồi tùy theo diện tích khả thi của nhà sách. Chúng giúp độc giả sẽ có không gian thưởng thức các tác phẩm do đơn vị phát hành. Không gian này có thể được sử dụng để các câu lạc bộ sách hoạt động.

Cùng những thay đổi trên, để thúc đẩy các nhà sách phát triển, những chính sách mang tầm vĩ mô là điều cần thiết. Trong đó, khái niệm “thành phố văn học” đã được biết đến tại những thành phố như Kuala Lumpur (Malaysia) hay Victoria (Australia). Điều này cho thấy việc định vị thương hiệu du lịch địa phương với tri thức nhân loại và tạo cảm giác gần gũi, thân thiện hơn cho các du khách quốc tế.

Để xây dựng được thành phố đọc, bước đầu tiên là phát triển văn hóa đọc. Theo đánh giá của TS Nguyễn Mạnh Hùng (CEO Công ty sách Thái Hà), sau khi Việt Nam có ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam thì sự quan tâm của các cấp chính quyền, các cơ quan báo chí truyền thông, đặc biệt là của người dân tăng lên đáng kể.

Có thể kể đến các hoạt động khuyến đọc diễn ra liên tục và dày khắp, các chương trình như Đại sứ văn hoá đọc, Sách cho tôi cho bạn. “Mỗi người dân là một Đại sứ văn hóa đọc, được tổ chức khắp nơi, các tủ sách cho doanh nghiệp, cơ quan, nhà trường và gia đình được xây dựng rất nhiều”, CEO Công ty sách Thái Hà nhận định.

Gắn việc phát triển nhà sách với văn hóa đọc, kêu gọi các đơn vị tham gia tích cực và hoạt động văn hóa chung là một trong những nỗ lực các tổ chức xã hội và cấp quản lý đã đưa ra. Điều này thúc đẩy hệ sinh thái xuất bản ngày càng phát triển hơn, thích ứng tốt hơn với những chuyển biến trong kinh tế tiêu dùng.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

'Coi cọp' ngày nay đã khác xưa ra sao?

Sau nhiều năm, việc "coi cọp" dần thoát khỏi định nghĩa ban đầu và được ủng hộ bởi nhiều nhà sách.

Giảm giá quá sâu, loạt nhà xuất bản Trung Quốc tẩy chay lễ hội 'sale'

Lễ hội mua sắm 618 của nền tảng thương mại điện tử JD.com đang đẩy giá sách thấp đến mức nhiều nhà xuất bản Trung Quốc phản ứng gay gắt, theo What on Weibo.

Đức Huy

Bạn có thể quan tâm