Các em nhỏ đọc sách tại NXB Kim Đồng. Ảnh: Đức Huy. |
Đối với nhiều độc giả thế hệ 9x, đi “coi cọp” tại các hiệu sách là một điều thú vị. Vừa hồi hộp lật giở từng trang, họ vừa mong cuốn sách đó không bị bán đi mất. Chính những xúc cảm đan xen này tạo nên một bầu trời ký ức. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc “coi cọp” đã thay đổi.
Một thời đã qua
Nguyễn Ngọc Mai (sinh năm 1991, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một người mê sách và từng thường xuyên ghé các tiệm sách cũ trên đường Láng để “coi cọp”. Mai chia sẻ vì ngày xưa các cuốn sách tham khảo cho chuyên ngành không có nhiều, lên thư viện thì đông, muốn mượn cuốn nào cũng rất khó. Trong khi đó, các hiệu sách lại có chỗ ngồi đọc khá thoải mái.
“Mình và bạn có thể ngồi ở các tiệm sách cũ hàng giờ đọc sách trước giờ vào làm thêm. Kỷ niệm nhớ nhất là mình đã đọc hết cuốn Tiếng chim hót trong bụi mận gai, rồi nhiều bộ truyện tranh khác tại đây. Cùng với đó, hiệu sách có những cuốn sách tham khảo nước ngoài mà trong trường hay có bạn khác mượn trước”, Ngọc Mai chia sẻ.
Một tiệm sách cũ trên phố Trần Quốc Hoàn. |
Thu Quỳnh (27 tuổi, trú tại Long Biên Hà Nội) tâm sự rằng những hiệu sách là nơi lưu giữ rất nhiều kỷ niệm của bản thân, đặc biệt là những lần "coi cọp". Nhiều năm trước, tại khu phố Quỳnh sống, các cửa hàng trà chanh, trà sữa hay quán xá chưa mọc lên. Dù vậy có một hiệu sách rất nổi tiếng, cứ đầu năm nhân viên nhà sách sẽ đi phát tờ rơi ở cổng trường.
“Nhóm mình có ba đứa con gái, trưa nào đi học về nhà ăn cơm xong là ra luôn hiệu sách ngồi tới chiều lại đi học. Series Ô long viện, Conan có tập nào mới ra là bọn mình cũng biết đầu tiên. Lúc đấy cũng khá ngại bởi thi thoảng có nhân viên ra nhắc giữ trật tự nhưng họ cũng chẳng bảo bọn mình rời đi”, Thu Quỳnh tâm sự.
Bạn trẻ này cũng nói thêm việc “coi cọp” không phải lúc nào cũng tốt bởi có những cuốn sách bản thân rất thích, nhưng khi đọc đến một nửa hôm sau ra không còn nữa vì có người mua mất. Điều này khiến Quỳnh khá tiếc nuối nên bây giờ mỗi khi thích cuốn nào Quỳnh nhất quyết mua bằng được.
Đa phần những người đi “coi cọp” là học sinh, sinh viên. Lí do họ làm thế không phải đơn giản vì không đủ tiền mua sách hay các cuốn sách quá đắt. Những nhà sách đôi khi còn là nơi nghỉ trưa, tránh nóng, gặp gỡ bạn bè.
Với nhu cầu đa dạng như vậy, có nhiều nhà sách tư nhân với quy mô nhỏ mọc lên và tồn tại cho tới ngày hôm nay như hiệu sách Nhân Dân, nhà sách Trí Tuệ, nhà sách Trí Đức và các cửa hàng trên phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền. Đặc biệt trong những dịp hè và các dịp cuối tuần, nơi đây có thể đón lượng khách lớn.
“Coi cọp” ngày nay
Thay vì "đi mua sách", một số người thường nói rằng "đi chơi tại các nhà sách". Điều này phản ánh sự thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng khi tìm đến hiệu sách. Bên cạnh những trải nghiệm mua hàng đem tới sự phấn khích, người tiêu dùng còn có thể tham gia các hoạt động bên lề. Cũng theo nhẽ đó, việc “coi cọp” dần trở nên công khai hơn vì nhà sách không chỉ được định nghĩa đơn thuần như một nơi mua sắm, đây còn là một không gian văn hóa đem tới cho độc giả các trải nghiệm khác nhau.
Hàng dài trẻ em xếp hàng tham gia workshop tại nhà sách. Ảnh: Nhà sách Phương Nam. |
Chị Trịnh Thu Thủy (35 tuổi, trú tại quận 8, TP.HCM) chia sẻ rằng hầu như tháng nào cũng đưa con tới nhà sách ở Vạn Hạnh Mall. Bé lớn 10 tuổi hầu như chỉ đến và ngồi một chỗ đọc truyện tranh, còn bé nhỏ thì cùng mẹ tô màu ở các bàn do nhà sách kê sẵn.
Là một người cũng từng đi "coi cọp" tại các hiệu sách, Thủy nhớ lại: “Xưa không có tiền mà thích sách, lúc nào chẳng mong hết giờ học để ra hiệu sách coi cọp. Ai ra chậm còn phải đứng vì không còn chỗ ngồi. Nhưng giờ các nhà sách đã kê bàn ghế cho cả phụ huynh lẫn trẻ nhỏ ngồi thoải mái”.
Phụ huynh này cũng chia sẻ thêm rằng trẻ em thời nào cũng sẽ giống nhau, luôn háo hức trước một món đồ mới chẳng hạn cuốn sách, cuốn truyện. Vì vậy, việc "coi cọp" sẽ chẳng bao giờ mất đi mà chỉ có “công khai” hơn và được tạo điều kiện bởi các nhà sách.
Từ 20 năm trước đó, một số bài báo khi nói về việc “coi cọp” đã đưa ra quan điểm rằng các cửa hàng nên có một khu vực dành riêng cho bạn đọc. Cho tới nay, điều này đã trở thành sự thật. Những chỗ ngồi thường được đặt ở nhiều nơi trong không gian nhà sách. Ở khu vực sách dành cho độ tuổi thiếu niên, chỗ ngồi đơn giản hơn. Còn ở khu vực thiếu nhi, bàn ghế đều có màu sắc bắt mắt hài hòa với tổng thể thiết kế.
Theo thời gian, “coi cọp” dần thoát ra khỏi cái tên gọi mang hàm ý chỉ sự lén lút của các cô cậu học trò. Nó đã trở thành một hành động cần được khích lệ để phát triển văn hóa đọc cộng đồng. Hơn cả, đôi khi độc giả mua một cuốn sách không chỉ vì nội dung nó mang lại mà còn là trải nghiệm họ có tại cửa hàng với tác phẩm đó. Đặc biệt đối với thế hệ Z, lớp người tiêu dùng đề cao tính cá nhân hóa, “coi cọp” có thể được coi như một trải nghiệm dẫn tới quyết định mua hàng tốt hơn.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.