Làm sách bao năm tôi nhận thấy nhiều tác phẩm tốt, giá trị, người trong giới ai cũng thấy nhưng ra mắt không kèn không trống, rốt cuộc không được bạn đọc đón nhận. Ngược lại, có những cuốn sách đến ngay cả tác giả cũng không hiểu sao nó lại “hot” tới vậy, nhất là khi nó được một KOL hay TikToker nào đó đề xuất. Nói vậy để thấy vai trò của truyền thông trong việc lan tỏa sách tới bạn đọc.
Sự thành công của một cuốn sách không chỉ đến từ tác giả, dịch giả, người làm sách, nhà phát hành mà còn có vai trò rất lớn của những người lan tỏa nó tới bạn đọc. Truyền thông cho sách không bao giờ là dễ dàng, nó đòi hỏi người viết biết nhìn nhận, lựa chọn tác phẩm, và bỏ thời gian công sức đọc, tìm hiểu trước khi đưa ra nhận định về tác phẩm đó.
Chắc chắn không có nhiều phóng viên mặn mà với công việc đó. Giữa biển thông tin của thời đại, áp lực về lượt like và view, một bài giới thiệu sách thật khó có thể chiếm spotlight hay trang nhất báo.
Thế nên, người làm báo chịu viết sách, điểm sách, lan tỏa văn hóa đọc tới bạn đọc ắt hẳn chất chứa tình yêu sách trong lòng mình.
Trên tay tôi hôm nay là Đọc sách cũng như yêu của Trung Nghĩa. Tác phẩm như là nhật ký hành trình ghi lại quá trình đưa tin về ngành xuất bản, giới thiệu tác phẩm của anh suốt thời gian qua.
Là cây bút giới thiệu, bình luận sách trên tờ Đồng Nai cuối tuần, đều đặn hàng tuần, anh lan tỏa những tác phẩm mới ra mắt có giá trị tới bạn đọc: Đại Việt sử ký toàn thư (Đông A), Nghệ thuật minh hoạ áo mũ thời Nguyễn (Omega Plus), Lịch sử chữ Quốc ngữ (1620 - 1659) (Thái Hà), Nguyễn Hiến Lê - tác phẩm đăng báo (NXB Tổng hợp TPHCM)… Mỗi trang báo với đồ hoa bắt mắt, đầy màu sắc đưa ta gặp gỡ với tác giả, tác phẩm và nhất là những nhận định cá nhân từ Trung Nghĩa về tác phẩm đó.
Tác giả cho biết mỗi năm anh mua và được tặng khoảng 100 cuốn sách, anh chọn đọc ít nhất 50 cuốn của tác giả cả trong và ngoài nước, đủ thể loại từ tiểu thuyết, bút ký, lịch sử, địa lý cho đến thể loại self-help và sách thiếu nhi. Niềm vui của anh là viết bình luận, cảm nhận cụ thể về sách trên báo chí, đồng thời sẻ chia ở các cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội, lan tỏa sách có giá trị tới mọi người.
Cuốn sách này đối với tác giả: “Không gì hơn là để chia sẻ với mọi người tình yêu sách báo, giữ gìn thói quen đọc sách trong thời đại mạng xã hội ngày nay. Chúng ta sẽ không cô đơn và không bao giờ cô đơn với thói quen đọc sách, từ sách in truyền thống tới sách nói, sách điện tử… Sách chính là người tình tuyệt vời không chỉ khiến bạn say lòng từ ánh mắt đầu tiên và sẽ theo bạn đến hết tháng năm cuộc đời".
Còn tôi thì nghĩ đơn giản thôi, trên cương vị Đại sứ văn hóa đọc tại TP.HCM, việc anh cặm cụi với với điểm sách, lan tỏa tác phẩm giá trị tới bạn đọc như Đọc sách cũng như yêu đã là việc làm thiết thực nhất rồi.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
Nhà báo kể chuyện viết sách: 'Không thể đọc sách theo phong trào'
Trong chương trình "Nghe nhà báo kể chuyện viết sách", diễn giả Trung Nghĩa đã chia sẻ về cách tạo dựng tình yêu sách và chuyển thể những chất liệu từ trải nghiệm vào trang sách.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là đại sứ văn hóa đọc 2024-2025
Sở Thông tin và Truyền thông tiết lộ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ là 1 trong 10 đại sứ cho Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 tại TP.HCM.
'Văn hóa lì xì sách Tết đang dần hình thành'
Theo Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM Trung Nghĩa, sách từng là thú vui thanh tao, trang nhã dịp Tết của người xưa, nay được hồi sinh thành món ăn tinh thần quý báu.