Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quảng trường Chợ Bến Thành 100 năm trước

Khu đất giữa quảng trường Chợ Bến Thành trong các năm 1920 là nơi có lễ hội vui chơi buôn bán. Các gánh xiếc giải trí với đánh võ quyền anh đã được tổ chức tại đây.

Quảng trường Eugène Cuniac (Place d’Eugène Cuniac) còn gọi là quảng trường chợ Bến Thành (Place Les Halles CentraleshayPlace Marché) trước khi được thành lập là khu vực các đường rue Nemesis (từ Phó Đức Chính chạy đến Thủ Khoa Huân ngày nay), rue Amiral Courbet (rue Batavia) trước đó, nay không còn, vị trí đầu đường Trần Hưng Đạo ngày nay) bao chung quanh nhà kho thành phố (magasins municipaux) ở cuối đại lộ Bonard, góc Filippini (gọi là rue Cap de St Jacques trước đó) và rue Mac-Mahon.

Khu vực này được thị trưởng Saigon, ông Cuniac giải tỏa cùng với phá bỏ nhà kho xe lửa cũ để xây trạm xe lửa mới về hướng tây ở khu pha gần đường Boresse (đường Yersin ngày nay) trên khu trước kia là đầm lầy (ngày nay là công viên 23/9) và xây dựng chợ mới thay thế chợ cũ ở giữa đại lộ Charnervàrue d’Adran.

Khu đất giữa quảng trường Cuniac trong các năm 1920 là nơi có lễ hội vui chơi buôn bán. Các gánh xiếc giải trí với đánh võ quyền anh đã được tổ chức tại đây. Ông André Thận đã tổ chức xiếc, cải lương và nhạc tài tử trong lều ở quảng trường Cuniac ít nhất từ năm 1922.

Nơi đây, từ khi Chợ Bến Thành được thành lập, trở thành nơi đến và đi tấp nập của người dân từ các tỉnh miền Tây và Sài Gòn. Đối với người dân Lục tỉnh lần đầu lên Sài Gòn thì đây là nơi họ tiếp cận trải nghiệm với phố đi bộ Sài Gòn.

Sau này có nhiều đoàn khác theo chân ông André Thận đã tổ chức giải trí thu hút dân chúng đến xem. Trên báo Écho Annamite (9/6/1927) có đăng quảng cáo gánh xiếc Long Tiên là đoàn thứ ba sau đoàn Việt Nam và Đại Nam của người Việt từ Bắc kỳ vào trình diễn. Đoàn nay đã có trình diễn ở Thái Lan, Trung Hoa... Đây là những đoàn đã lập ra sau đoàn xiếc tiên phong Jeune Annam của ông Andre Thận ở Nam Kỳ.

Đặc biệt có trận đánh quyền anh đặc sắc (bataille royal) 10 hiệp mỗi hiệp 3 phút giữa võ sĩ người Hồng Kông gốc Ấn Iron Bux, vô địch quyền anh Đông Nam Á hạng trung (poids moyen) thời bấy giờ với võ sĩ quyền anh tên là Litors. Và trận đánh hạng gà (poids coq) giữa võ sĩ Nam kỳ người Việt tên là Kid Thomas và cựu vô địch tài tử quyền anh ở Maine tên là Berger. Và các trận quyền anh hạng bán trung (poids welter).

Iron Bux sinh ở Hồng Kông, gốc người Ấn họ thật là Bux và từ nhỏ đã giỏi quyền anh nên được gọi là Iron (kim loại sắt, theo nghĩa đen). Iron Bux đã đi Manilla dự các trận đánh, thời bấy giờ là trung tâm quyền anh ở Viễn Đông và sống về nghề quyền anh. Iron Bux đã đoạt các chức vô địch hạng lông (featherweight), hạng nhẹ (lightweight).

Quang truong Cho Ben Thanh anh 1

Place Eugène Cuniac (ảnh khoảng năm 1920s). Nguồn: belleindochine.free.fr, Collection Neykov.

Ông André Thận khi nghỉ gánh xiếc và cải lương, vì danh tiếng của ông khắp Nam kỳ lục tỉnh nên sau này được các công ty dùng ông làm quảng cáo các sản phẩm của họ ở nhiều nơi. Ông thường xuất hiện ở bùng binh (quảng trường) chợ Bến thành như báo Écho Annamite 30/1/1929 có đăng như sau

“Hôm nay có dịp cho phép chúng tôi chào đón đến thành phố chúng ta một người bạn khác của chúng tôi, đó là ông André Thận, được ái mộ biết tiếng là cựu giám đốc của đoàn xiệc “Cirque Jeune Annam”, đoàn xiếc đầu tiên của người Việt, và cũng là người có công to lớn trong sân khấu cải lương (le grand rénovateur du theatre) nói cách khác là người đã đỡ đầu cải lương (“patron du Cai luong”).

Ông André Thân hiện đang thực hiện một tour quảng cáo cho nhiều công ty thương mại ở Saigon. Ông bán đủ loại hàng hóa và trình diễn, với sự trợ giúp của ông Fahry, thử nghiệm cách dùng các máy dập tắc lửa, chữa lửa (les appareils extincteurs) hiệu Impérator.

Những máy chữa lửa đã được trình diển vào ngày 27 tháng này, ở công trường chợ Bến thành (place du marché) với số lượng đám đông tụ tập như những ngày đại lễ. Sự hữu hiệu và tiện ích của các máy dập tắc lửa đã được trình diễn trước mắt các nhà doanh nhân và công chức trong chính quyền, họ đã không tiếc lời chúc mừng khen các nhà điều hành, ông Fabry và ông Thân André.

Ông André Thận có chương trình mở rộng tour đi quảng cáo của ông khắp Nam kỳ. Ông đã rời thành phố chúng ta sáng 28 tháng 11 để đi Trãng Bàng và Thủ dầu Một.

Chúng tôi chúc ông André Thận Thành công tốt đẹp”.

Tên chính thức là quảng trường Cuniac nhưng người Sài Gòn thường gọi là bùng binh chợ Bến thành (place Marché). Sau này vào năm 1955 được đổi là quảng trường hay bùng binh công viên Diên Hồng.

Tại đây vào ngày 25 tháng 8 1963, trong cuộc biểu tình của sinh viên học sinh chống thiết quân luật của chế độ Ngô Đình Diệm, Quách Thị Trang, một học sinh trong gia đình Phật tử đã bị cảnh sát bắn chết. Quách Thị Trang lúc ấy chỉ có 15 tuổi. Cái chết của Quách Thị Trang đã gây xúc động lớn với người dân Sài Gòn.

Đám tang của Quách Thị Trang với sự tham gia đông đảo của người Sài Gòn thúc đẩy sự cáo chung của chính quyền Ngô Đình Diệm. Sau năm 1963, tượng của Quách Thị Trang được đặt kế tượng Trần Nguyên Hãn đã có trước ở bùng binh chợ Bến Thành và được người dân gọi là bùng binh Quách Thị Trang. Ngày nay tên chính thức của quảng trường trước chợ Bến Thành là quảng trường Quách Thị Trang.

Nguyễn Đức Hiệp / NXB Tổng hợp TP.HCM

SÁCH HAY