Thưởng trà đã trở thành thú vui của nhiều người. Ảnh: ĐMX. |
Người đàn ông bán trà ở tiệm Ô Tồng Ký khu chợ Bến Thành thẫn thờ khi nhìn những ô kệ gỗ trống hoác, bám bụi. Tròm trèm một thế kỷ trước, những kệ gỗ nhám nơi đây vốn ăm ắp các loại trà mà khách thập phương tập nập ghé mua.
Ô Tồng Ký - tiệm trà cổ đã hằn sâu trong ký ức biết bao người Sài Gòn ở khu chợ Cũ, hay “Tiệm trà con két”, quận 11, nay cũng đã hơn 70 tuổi, giờ ra sao? Ở Sài Gòn, người ta thường nói nhiều về cà phê. Nhưng với nhiều người Sài Gòn xưa, những tiệm trà như vậy lại gắn bó với họ suốt nhiều thế hệ.
Ông Nguyễn Hùng, sống ở khu Đầm Sen, quận 11 vốn là khách quen đời thứ hai của tiệm trà Tiều Di Phát mà xưa lúc còn bé, ba ông thường kêu “thằng nhỏ” là ông khi đó mới mười mấy tuổi, chạy qua “tiệm trà con két” mua vài trăm gram trà nhài thơm nức mũi về pha uống mỗi sáng.
Mùi trà nhài, trà Ô Đông Sơn năm xưa vẫn lưu luyến trong cậu nhóc năm nào, cho tới hôm nay, dù đã hơn 60 tuổi, ông vẫn giữ thói quen ghé tiệm trà Tiều mua vài trăm gram trà Mật Lan Hương, Dịch Mỵ Hương, Ô Đông Đơn Tùng hay trà nhài... về uống vào buổi sớm. Chỉ những tên trà thôi, nghe đã ma mị, hấp dẫn và thơm nức từ ấy đến giờ.
Năm nay bà Trần Dung 87 tuổi, mái tóc bạc trắng, bà Dung tuy nhỏ nhắn vẫn thoăn thoắt gói trà bằng mảnh giấy có hiệu “Trà Di Phát” cho khách. Ở tiệm trà Di Phát trên đường Phú Thọ, quận 11, bà Dung tựa như linh hồn của tiệm trà hơn 70 tuổi giữa lòng khu Chợ Lớn xưa nay.
Nghề trà này gia đình bà được truyền lại từ dòng họ vốn sống ở làng trà trên núi Phượng Hoàng thuộc xã Ô Đông Sơn, Tiều Châu, Quảng Châu, Trung Quốc cả trăm năm trước. Điều khiến họ hạnh phúc là cho tới nay, cả dòng họ Quách dù tứ tán muôn nơi vẫn giữ nghề trà ông tổ để lại.
“Khi đến Sài Gòn năm xưa, độ những năm 20 của thế kỷ trước, ba chồng tôi từng đi bán hủ tíu, bán cơm nuôi đàn con nheo nhóc. Mãi sau này ổng vì nhớ nghề trà nên đi theo người Hoa bên Chợ Lớn làm trà để phụ việc. Tính ra tới năm 1960 cha tôi mới có đủ tiền mở tiệm trà con két này. Sau 1975 thì vợ chồng tôi bị gián đoạn kinh doanh một thời gian ngắn, khi mở lại mới lấy tên Trà Di Phát, cho tới giờ”, bà Dung nhớ lại.
Cuốn tản văn Lê la cà phê ngõ hẻm Sài Gòn của tác giả Lê Vân. Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM. |
Nhắc đến tên tuổi của tiệm trà Di Phát, nhiều khách quen của bà Dung vẫn nói về các loại trà mỗi năm chỉ có một mùa ở núi Ô Đông Sơn, trồng hoàn toàn tự nhiên, thuận theo thời tiết. Đó là giống trà Bát Tiên được trồng ở ngọn Phụng Hoàng, đỉnh của núi Ô Đông Sơn.
“Trên là núi cao, dưới là Phụng Hoàng Thiên Hồ, một hồ nước tự nhiên trên núi, giống trà này có khi 5 năm mới hái được nếu thời tiết không thuận lợi. Năm 2009, giống trà Bát Tiên được trồng để làm trà Mật Lan Hương, Dịch Mỵ Hương có giá tới 7 triệu đồng/kg thất thu vì trời có tuyết suốt năm”, ông Quách Huê, hậu duệ đời thứ ba của tiệm trà Di Phát kể. Hàng năm, ông Quách Huê về thăm quê ở vùng núi Ô Đông Sơn, Trung Quốc ít nhất một lần.
Ông chia sẻ hình ảnh những vùng trà xanh ngát trên núi Ô Đông Sơn mà ông quay, chụp lại được đầy hãnh diện: “Nhờ nghề trà truyền thống mà dòng họ chúng tôi vượt qua bao thăng trầm...”.
Bà Trần Dung có 10 người con nhưng chỉ có ông Quách Huê còn giữ nghề tổ tiên. Hiện tại, tiệm Di Phát vẫn giữ lối sấy, ướp trà thủ công gia truyền. họ sấy trà bằng bếp than củi và sàng trà, ướp trà nhài thủ công theo bí quyết riêng truyền lại từ nhiều đời.
“Tiệm trà Di Phát lặng lẽ giữa phố xá đông đúc nhưng luôn niềm nở, mến khách, lại có trà thơm, ngon nên chúng tôi không chỉ bán trà mà bán cả niềm vui, sự thanh thản qua từng ấm trà. Cái thú thưởng trà dù ngày nay mai một nhiều nhưng với chúng tôi và nhiều vị khách ở tiệm trà con két vẫn là một thói quen không bỏ được”, bà Trần Dung thổ lộ.
Khi tôi đến tiệm trà thì được biết bà Kha Quyên, thế hệ thứ tư của tiệm trà Ô Tồng Ký vừa mất khi bước qua tuổi 87. Bà là người cuối cùng còn giữ được nếp bán buôn ở tiệm trà này suốt trăm năm qua.
Ông Kha Minh, 56 tuổi, người cháu còn ở lại tiệm trà bùi ngùi nhìn những kệ trà trống hoác: “Chắc nghỉ luôn rồi, bà mất nên con cháu cũng chẳng ai buồn về thăm lại tiệm trà gia đình nữa”. Hỏi mua ít trà, ông Kha Minh lặng lẽ lấy một bọc trà nhài gói tay sẵn trong ô giấy màu hồng vuông vức có cả chữ hoa và chữ Việt “Ô Tồng Ký”.
Đó là món trà duy nhất còn lại trong tiệm trà cổ giữa lòng chợ Bến Thành vốn đã từng bán buôn đến hàng trăm loại trà hảo hạng từ những năm 1920, khi chợ Bến Thành mới thành hình.
Nối nghiệp từ cha, bà Kha Quyên khi còn sống đã giữ nghề trà cho tới những năm 2000 mới tạm nghỉ vì sức khỏe. Trước đó, gia đình bà sống ở Trung Hoa, di cư đến Sài Gòn cách đây hơn một thế kỷ. Lúc mới đến Sài Gòn, cha bà cũng làm đủ nghề để sinh sống.
Đến năm 1913, ông mới mở tiệm trà này buôn bán. Ông Kha kể về thời ông cố: “Thời vàng son của tiệm trà là vào những năm 50 của thế kỷ trước. Thời thịnh đạt nhất, tiệm Ô Tồng Ký, vào những lúc cao điểm như lễ Tết, hàng hóa phải nhập về liên tục, chất kín cả khu vực bên trong nhà cả trăm mét vuông mới đủ cung cấp cho nhu cầu của khách mua. Nhưng rồi cùng với sự biến đổi của thời cuộc, tiệm trà Ô Tồng Ký dần trở nên sa sút...”.
Cân trà Thiên Bình ở Ô Tồng Ký nay cũng hơn 100 tuổi, có từ thời mới mở tiệm trà này. Cả trăm năm nay cái cân chưa bao giờ biết sai lệch hay gian dối. Để mở tiệm trà, gia đình bà Kha Quyên lúc đó đã thuê lại căn nhà số 13 Rue Schroeder đối diện cửa Tây chợ Bến Thành. Sau thời Pháp thuộc, con đường được đổi tên thành Phan Châu Trinh và giữ cái tên đó cho đến hôm nay.
Những ngày Sài Gòn lất phất mưa, trong tiệm trà cổ kính không thay đổi kiến trúc suốt hơn trăm năm qua, ông Kha Minh và vợ mỗi người ngồi một góc nhà trầm ngâm. Phía trước tiệm giờ là bãi giữ xe tư nhân. Những căn nhà sát bên đều đã khoác lên lớp áo mới của kiến trúc hiện đại.
Chỉ có Ô Tồng Ký vẫn cũ kỹ, những ô kệ gỗ từng chứa các loại trà sống vắt qua hai thế kỷ giờ bám bụi thời gian khi tiệm trà đã ngưng thở. Tiệm trà giờ chỉ còn lại những tiếc nuối của con cháu về một thời sung túc mà cha ông họ đã từng bán buôn ở khu chợ đô hội bậc nhất Sài Gòn xưa.