Có những quán ăn nằm trong hẻm nhỏ, địa thế không thuận lợi nhưng khách vẫn tới ăn rất đông. Ảnh: S.N. |
Hơn 50 năm trước, có một quán nhậu ở trong hẻm đã trở thành nơi những thế hệ người lao động nghèo ở Sài thành lui tới. Quán tên “Quán nghèo” từ đó, ai lui tới hẻm 434 Nguyễn Tri Phương, quận 10 đều gọi luôn hẻm này là “hẻm quán nghèo”. “Quán nghèo” tận dụng khoảng trống giữa hẻm, đoạn phình ra một khúc chừng 3, 4 mét chiều ngang và dài.
Nơi đây, chừng hơn 50 năm trước, ông Tăng Quang Tuyên, một đầu bếp người Việt gốc Hoa đã đến hẻm này và mở quán nhậu có tên “Quán nghèo”. Ở “Quán nghèo”, từ đầu bếp đến chạy bàn đều là người trong nhà, không mướn người ngoài và cũng không mở rộng chi nhánh.
“Hồi Quán nghèo mới mở, nào xích lô, thợ hồ, tiểu thương, dân buôn bán hàng rong quanh khu chợ Nhật Tảo xưa truyền tai nhau ghé quán mỗi ngày, xe xếp dọc dài từ đầu hẻm vào trong quán một cách trật tự, chừa lại chỗ đi lại vừa một người cho bà con trong hẻm. hồi ấy nhà ở hẻm này toàn nhà gỗ, có sân nên hẻm còn rộng chừng 3, 4 mét, sau này nhà bê tông đổ cao lấn hẻm nên nó co lại nhỏ xíu như bây giờ”, chị Tăng Tiểu Lan nhớ lại.
7 giờ tối, khi chúng tôi ghé hẻm Quán nghèo, quán đã chật kín thực khách. Từ trong nhà ra ngoài là không gian hẻm 434 phình ra một đoạn chừng 3, 4 mét, tựa như cái sân nhỏ kê được chừng chưa tới chục bộ bàn ghế nhựa. Nhiều thực khách như chúng tôi do không đặt chỗ trước phải xếp hàng ở những chỗ trống bàn, nhiều người khác đến mua mang về thì cũng phải đợi tới lượt.
Điều đặc biệt là nếu như không biết đây vốn là một quán nhậu, người lạ vào hẻm hẳn sẽ nghĩ nhà ai đó có tiệc nên xin hàng xóm cho bày bàn ra hẻm ngồi đỡ. Bởi những vị khách ở cả 4 cái bàn ngoài sân và 3 bàn trong nhà đều “ăn nhẹ nói nhỏ” rất ý tứ.
Ở góc bàn ngoài sân hẻm, nhóm khoảng 5 người thợ hồ, vốn là khách ruột gần chục năm nay của quán. Anh Ba Đờ Tút, một người gốc Khmer ở An Giang thi thoảng gọi thêm đồ nhậu và bia lại trêu người chạy bàn là dì Lê Muối đã 67 tuổi là “chị đẹp” để nghe dì mắng cho vài câu khiến cả bàn cười rôm rả.
Nhóm bạn của anh Ba Đờ Tút còn có anh Bùi Văn Lam, Nguyễn Văn Trung, đều là thợ hồ ở các công trình quanh đường Nguyễn Tri Phương. Mỗi chiều đi làm về, họ thường ghé qua Quán nghèo lai rai vài chai với những món ruột như: Cá chẽm lăn bột sốt chua ngọt, bín bò hầm thuốc bắc... Các món hầm và tiềm đã trở thành thương hiệu của Quán nghèo từ xưa đến nay.
“Ở đây quán chật nhưng mọi người thích đồ ăn và sự thân tình của cả chủ quán lẫn khách. Có khi đông quá, ghế kê san sát nhau, ngồi dựa lưng nhau nhậu miết rồi thành... bạn”, anh Nguyễn Văn Trung vui vẻ kể với người khách lạ đang dựa lung vào ghế anh ngồi ở bàn kế bên.
“Cái tình của hẻm Quán nghèo nơi đây là bà con chòm xóm cũng thương ba nên để cho buôn bán ở trong lòng hẻm. Ba lúc nào cũng dặn dò tụi con cháu chạy bàn là ráng không làm phiền bà con.
Cuốn tản văn Lê la cà phê ngõ hẻm Sài Gòn của tác giả Lê Vân. Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM. |
Vì vậy quán chỉ mở từ 4 giờ 30 đến 8 giờ 30 là nghỉ. Không nhận quá 10 bàn. Ai đến không đặt chỗ thì cáo lỗi hẹn lần sau hoặc xếp hàng trật tự đợi bàn. Nhờ vậy mới buôn bán mấy chục năm nay trong hẻm nhỏ như vậy được”, chị Tăng Tiểu Lan chia sẻ.
Chị Tăng Tiểu Lan chỉ về tấm bảng ghi bằng tiếng Hoa hai chữ Quán Nghèo kể lại: “Hồi xưa có thời gian ba mình làm ăn được lắm, chỉ bán hủ tíu thôi nhưng rất khấm khá. Bạn bè vì thế nhiều vô kể, tiệc tùng gì cũng gọi ông Quang Tuyên.
Nhưng rồi có đận làm ăn thất bát, bạn bè bỏ đi cả. Ba mới mở quán này để bán chủ yếu cho mấy người lao động nghèo, coi như phận nghèo nương nhau mà sống”.
Lúc đầu, những dòng chữ tự răn mình này được ông Quang Tuyên viết bằng phấn trên bảng gỗ, trưng trong quán. Sau vì sợ phấn sẽ bay đi mất, các con ông đem ra tiệm sơn khắc để lưu lại ở quán cũng đã mấy chục năm nay.
Những lời răn dạy của ông chủ Quán nghèo vẫn còn nguyên trên các tấm gương sơn chữ vàng lấp lánh do con cháu lưu lại: “Hận mình thiếu may mắn nhưng phận nghèo chí không nghèo. Phú quý do trời ban. Đức độ lưu muôn phương”