Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quán ăn đỏ lửa suốt ba đời

Nhiều con hẻm không tên được định danh nhờ những quán ăn gia đình. Mẹ già, không đứng bán được thì con cái nối nghiệp. Cha con vị khách quen thường cùng nhau đến ăn món yêu thích.

Quan an gia truyen anh 1

Quán ăn của người Hoa ở Sài Gòn không cần biển hiệu cầu kỳ vẫn thu hút thực khách. Ảnh: T.Q.

Đó là những quán ăn trong hẻm của gia đình người Hoa xưa vốn chỉ phục vụ thực khách là người lao động vùng Sài Gòn - Chợ Lớn. Tiếng lành đồn xa, mặc cho thời đại công nghệ quảng cáo, những quán ăn gia đình này vẫn tồn tại gần cả trăm năm.

Tuy nằm lặng lẽ trong hẻm nhỏ nhưng quán vẫn nườm nượp khách quen lẫn lạ. Quán rất “chảnh” với những người khách lạ, nếu không biết rõ giờ giấc của quán hay đặt bàn trước mà đột ngột đến thì sẽ không có chỗ ngồi. Quán chỉ mở chừng vài tiếng mỗi ngày. Đúng giờ mở cửa, hết giờ đóng cửa, xin mời thực khách ngày hôm sau ghé lại.

“Quán bán trong hẻm gần 80 năm rồi, từ đời ông nội tôi để lại. Mình sống ở hẻm, bán buôn cũng phải giữ gìn cho bà con trong hẻm. Mở cửa, đóng cửa đúng giờ từ 5 giờ chiều đến đúng 8 giờ tối là nghỉ”, Huỳnh Hoa Lượng, 38 tuổi, đời chủ quán thứ ba của quán Truyền ký - Cơm người Hẹ, hẻm 39 Lý Thường Kiệt, quận 11, tâm sự.

Anh kể tiếp về lịch sử con hẻm: “Hẻm này trước kia toàn người Hẹ. Dân hẻm sống chủ yếu bằng nghề làm giày da. Sau giải phóng người Hẹ di cư đi nước ngoài nhiều, cả hẻm bây giờ chỉ còn vài gia đình là người Hẹ, như nhà tôi”.

Ông chủ đầu tiên của quán Truyền ký này là Diệp Hữu Truyền - ông nội anh Hoa Lượng đã sang đây lập nghiệp từ thời Pháp thuộc. “Người Hẹ thời đó rất giỏi nghề làm giày da. Vì vậy, hẻm 39 này và nhiều con hẻm khác ở đường Lý Thường Kiệt thời xưa còn gọi là khu phố giày da”, anh Huỳnh Hoa Lượng nhớ lại.

Thuở hàn vi, ông chủ quán Diệp Hữu Truyền thường nấu các món ăn mang đặc trưng của người Hẹ là món nào cũng ướp muối rất mặn. Món ăn gia truyền từ thời ông Diệp Truyền làm tới đời con cháu ở quán Truyền ký cơm người Hẹ này là gà hấp muối, thú linh chiên giòn, khấu nhục, khổ qua cà ớt, đậu hũ Đông Giang...

Quan an gia truyen anh 2

Cuốn tản văn Lê la cà phê ngõ hẻm Sài Gòn của tác giả Lê Vân. Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM.

Những món ăn gợi nhớ quê hương của nhiều người Hẹ nên thời ấy, dù chỉ bán dạo bằng chiếc xe làm từ củi cây tự đóng, ông Diệp Hữu Truyền cũng nổi tiếng trong cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn bởi các món ăn quen thuộc của người Hẹ.

Sau này khi có chút vốn liếng, ông Diệp Hữu Truyền về hẻm 39 Lý Thường Kiệt, ngay ở ngôi nhà lá của gia đình, mở quán ăn mang tên mình là “Truyền ký - Cơm người Hẹ”. Quán cơm người Hẹ bây giờ đã mở rộng thêm một chi nhánh cũng nằm trong hẻm 39 Lý Thường Kiệt để san bớt thực khách vào giờ cao điểm. Hơn 80 năm qua, quán Truyền ký - Cơm người Hẹ vẫn lưu giữ những nét đặc trưng không thể lẫn giữa Sài Gòn này, dù con hẻm bây giờ chỉ còn chừng vài hộ là người Hẹ.

[...]

Lê Vân/ NXB Tổng hợp Tp.HCM

SÁCH HAY