Ảnh minh họa: NS/Pexels. |
Trong thế giới của những lời tuyên bố chính thức về “giá trị” có vẻ như vẫn đang trong tình trạng ổn định. Công ty kiểm toán PwC (PricewaterhouseCoopers) đã khảo sát khoảng 1.400 CEO ở 80 quốc gia với khẩu hiệu “Cơ cấu lại doanh nghiệp trong một thế giới luôn thay đổi”.
Kết quả của cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng: “76% CEO trên toàn thế giới đều đồng tình rằng: trong tương lai, thành công không thể chỉ được đo lường bằng mức lợi nhuận thu về... mà còn phải bằng việc kiến tạo các giá trị xã hội”.
Những người ra quyết định dường như khá nhạy cảm với cụm từ “giá trị”, có lẽ là do ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng chính trị và một loạt những bê bối doanh nghiệp ở cả hai phía của Đại Tây Dương. Tại Đức, Hội đồng Lãnh đạo dựa trên Giá trị có chuyên môn trong vấn đề này đã khảo sát khoảng 700 lãnh đạo doanh nghiệp thuộc mọi cấp quản lý về giá trị mà họ cho là quan trọng nhất.
Mới đầu, hội đồng yêu cầu họ sắp xếp vị trí cho 6 giá trị cốt lõi: Niềm Tin, Trách Nhiệm, Liêm Chính, Tôn Trọng, Bền Vững và Dũng Cảm theo mức độ quan trọng tăng dần. Kể từ năm 2010, ba từ khóa đầu luôn đứng ở top trên trong khi Dũng Cảm lại luôn đứng cuối danh sách.
Năm 2018, chỉ 3% số quản lý đặt yếu tố này lên vị trí đầu danh sách, một điều khá ngạc nhiên. Suy cho cùng, khi đứng trước những tình huống xung đột, làm thế nào bạn có thể ủng hộ những giá trị mà bạn và công ty của bạn tin tưởng nếu thiếu đi lòng dũng cảm?
Nhiều nghi ngờ xuất hiện khi chúng ta xem xét lại cuộc khảo sát về ban quản lý và các nhân viên trong những doanh nghiệp do công ty tư vấn Rochus Mummert thực hiện.
Trong khi các giám đốc điều hành đều nhất trí tuyên bố rằng công ty của họ đã hình thành được giá trị và đó là những điều mà toàn bộ nhân viên trong công ty đều quen thuộc, chỉ 50% số nhân viên bình thường đồng tình với tuyên bố này.
Kết quả thu được ở ban quản lý cấp trung cũng không khá hơn; chỉ 53% đồng ý. Nhưng vẫn còn có những kết quả tệ hơn. Chỉ có 17% trong tổng số người được khảo sát nghĩ rằng sếp của họ thực sự “sống” đúng với những giá trị này.
Một trong số những vụ bê bối doanh nghiệp lớn nhất trong vài thập kỉ gần đây lý giải tại sao chúng tôi lại đặt tên phụ của chương này là “Hay chỉ là giả vờ”. Vụ hối lộ mà Siemens dính vào là ví dụ điển hình cho việc một doanh nghiệp lớn, khi bị thành công của chính mình che mờ mắt, có thể tự huyễn hoặc rằng họ sẽ tiếp tục lách được luật mà không bị xử phạt.
Tất cả những gì họ thấy cần phải làm là tạo ra một vỏ bọc quản trị tốt, trong đó bao gồm những giá trị đạo đức nghề nghiệp và các cán bộ phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, vụ bê bối của Siemens đã hủy hoại nghiêm trọng thanh danh của các quản lý cấp cao, dẫn đến số tiền phạt lên đến hơn 3 tỷ đô cùng hàng loạt các vụ tố tụng pháp lý, trong đó có một số vụ mà cho đến nay vẫn chưa được xử lý được.