Theo Lazada, riêng tháng 6, số lượng người mua và sức mua mỗi ngày (bao gồm số lượng đơn hàng và số lượng sản phẩm bán ra) ở ngành hàng tươi sống đều tăng gần 70%. Xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trải dài khắp các mặt hàng từ rau củ, thịt cá và trái cây tươi, đặc biệt là nho, táo, vải thiều.
Trong suốt tháng 6 và vài ngày cuối tháng 5, nền tảng này bán được hơn 12 tấn thịt gà, 7 tấn thịt heo và 6 tấn trái cây. Trong một chương trình khuyến mại, có 2 tấn thịt gà đã được bán ra trong vòng 24 giờ và 800 kg nho đỏ bán ra trong vòng 12 giờ. Để gia tăng nguồn cung, Lazada hợp tác với gần 40 nhà bán hàng/nhãn hàng tươi sống trên toàn quốc.
Các dịch vụ đi chợ hộ, đi chợ online tại TP.HCM đắt hàng sau quy định giãn cách chợ truyền thống. Ảnh: Văn Nguyện. |
Thống kê từ ngày 30/5 của Grab cũng cho thấy, người dùng dịch vụ đi chợ hộ của nền tảng này mua nhiều nhất là các sản phẩm mỳ ăn liền, sữa, thịt heo, nho không hạt và sầu riêng. Với dịch vụ giao đồ ăn, ứng dụng ghi nhận những món được đặt nhiều nhất gồm trà sữa, cơm gà, cơm sườn, cơm chiên, bánh tráng trộn, bánh mỳ, sữa tươi ...
Trong 3 tuần của tháng 6, Tiki cũng ghi nhận hàng bách hoá bán ra tăng mạnh. Số lượng đơn hàng của ngành hàng thực phẩm tươi sống đạt mức tăng trưởng gấp 2 lần so với thời gian trước giãn cách.
Còn theo Co.op Food, từ sáng 22/6, lượng đơn mua thực phẩm qua điện thoại và ứng dụng của chuỗi này đã tăng 3-5 lần. Doanh thu online của ngành hàng tươi sống tại chuỗi đã tăng mạnh trong 3 tuần đầu của tháng 6.
Chuỗi Bách hoá Xanh cũng cho biết ghi nhận doanh thu tăng mạnh trong tháng 5, đặc biệt sau đợt dịch Covid-19 bùng phát. Trong đó, doanh thu online tiếp tục tăng trưởng.
Số lượng và giá trị giao dịch trên kênh online của chuỗi này trong 5 tháng đầu năm nay gấp lần lượt là 4,8 lần và 3,9 lần số lượng và giá trị giao dịch trên kênh này cùng kỳ năm 2020. Riêng trong tháng 5, doanh thu Bách hoá Xanh lần đầu tiên vượt mốc 2.500 tỷ đồng, tăng 19% so tháng 4 và tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng trong tháng này đạt hơn 1,35 tỷ đồng, một phần do nhu cầu tích trữ hàng hóa thiết yếu của người dân tăng mạnh trước các đợt giãn cách xã hội.
Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 25/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhìn nhận đáng lo ngại nhất là các chuỗi lây nhiễm liên quan chợ đầu mối, chợ truyền thống.
Ông cho rằng các đơn vị cần tính toán, nghiên cứu mô hình quận 8 đang áp dụng là bố trí tiểu thương trong chợ buôn bán luân phiên theo ngày. Riêng các chợ đầu mối phải có phương án hoạt động cụ thể.
Ông yêu cầu các hộ kinh doanh thuộc những khu chợ này cần phải ký cam kết, tính điểm cụ thể. Trong trường hợp vi phạm nhiều lần, các hộ này sẽ bị buộc tạm ngừng kinh doanh.