"Mới 17h thôi, số đơn đã gấp đôi ngày thường rồi. Giờ không ai ra đường nên shipper như mình lại đắt hàng dịch vụ đi chợ hộ", anh Chánh Tâm (quận 12, TP.HCM), một người làm nghề xe ôm công nghệ, chia sẻ.
"Đơn giao đồ ăn cũng nhiều, mà đơn đi chợ hộ cũng nhiều đột biến. Hai ngày nay chạy loanh quanh quận 3, quận 4 là 'nổ' đơn liên tục", anh Tâm hào hứng.
Lượng đơn hàng gấp đôi, gấp ba
Trước thông tin TP.HCM giãn cách xã hội từ 0h ngày 31/5, nhiều người tiêu dùng cũng cẩn trọng hơn khi tới những địa điểm mua sắm đông người như siêu thị, chợ hay các cửa hàng thực phẩm. Không ít người trong số này chuyển sang mua thực phẩm trực tuyến hoặc qua các dịch vụ đi chợ hộ.
Các ứng dụng giao đồ ăn, đi chợ hộ ghi nhận lượng đơn hàng tăng mạnh sau thông tin TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trao đổi với Zing, đại diện Grab cho biết doanh nghiệp ghi nhận số lượng đơn hàng GrabFood, dịch vụ gọi đồ ăn giao tận nơi, tăng mạnh so với thời điểm trước ngày 30/5. Tuy nhiên theo vị này, dịch vụ đi chợ hộ GrabMart thậm chí còn ghi nhận tăng trưởng đơn hàng đột biến trong những ngày qua.
"Lượng khách mua trực tuyến tăng mạnh đã khiến nhiều cửa hàng đối tác bán thực phẩm của Grab phải 'ngắt mạng' vì hết hàng, không thể phục vụ kịp nhu cầu của khách hàng", theo đại diện Grab.
Không chỉ riêng Grab, hàng loạt các ứng dụng cung cấp dịch vụ giao đồ ăn, thực phẩm, đi chợ hộ như Now, Baemin, Be, Vinmart hay Bách Hóa Xanh cũng ghi nhận tình trạng tương tự.
Đại diện Bách Hóa Xanh cho hay trước thời điểm có thông tin TP.HCM thực hiện giãn cách, mỗi ngày doanh nghiệp thực hiện khoảng 5.000 tới 7.000 đơn hàng trực tuyến cho khách hàng. Tuy nhiên, những ngày gần đây con số này đã lên tới 11.000 - 12.000 đơn hàng mỗi ngày, chủ yếu là các đơn giao hàng thực phẩm.
"Hiện tại lượng đơn hàng vẫn có xu hướng tiếp tục tăng, do đó Bách Hóa Xanh đang tăng cường chuẩn bị hàng hóa để đáp ứng khả năng phục vụ lên đến 20.000 đơn hàng mỗi ngày", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Còn theo chia sẻ của đại diện Vinmart, số lượng đơn đặt hàng online những ngày vừa qua tại khu vực TP.HCM của chuỗi siêu thị này đã tăng gấp đôi so với bình thường.
"Chúng tôi đưa ra nhiều kênh mua sắm từ ứng dụng trên điện thoại, gọi điện trực tiếp tới siêu thị gần nhất và trên nền tảng website, sàn thương mại điện tử. Việc tạo ra đa kênh mua sắm này giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, công sức lựa chọn sản phẩm, có thêm thời gian nghỉ ngơi và nhận hàng giao tận cửa sau 4 tiếng, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, hạn chế sử dụng tiền mặt khi thanh toán như khi mua trực tiếp tại điểm bán", đại diện Vinmart nói.
Khó khăn khi trực tiếp mua thực phẩm
Với nhu cầu mua sắm thực phẩm trực tuyến tăng vọt tại khu vực TP.HCM, nhiều mặt hàng đã rơi vào cảnh hết hàng tại hàng loạt chợ truyền thống, siêu thị. "Tìm trên các ứng dụng cả chiều 30/5 mà không thấy chỗ nào còn ba rọi heo, họ chỉ còn nạc vai, sườn, cốt lết hay mông", chị Thiên Thư (quận 3, TP.HCM) ngao ngán.
Trước đó chị Thư cũng đã tìm mua ba rọi heo ở chợ truyền thống cũng như các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thịt heo gần nhà nhưng nơi thì hết sạch thịt heo, nơi thì không còn thịt ba rọi.
Nhiều người tiêu dùng gặp khó khi mua thực phẩm ở các kênh truyền thống do hết hàng và buộc phải chuyển sang mua hàng trực tuyến. Ảnh: Phương Lâm. |
Thất bại trong việc tìm mua ba rọi heo ở cả kênh truyền thống, cả kênh trực tuyến, chị Thư đành đặt mua rau củ cùng nạc vai heo và thăn bò trên ứng dụng đi chợ hộ. "Có nơi vẫn báo trên ứng dụng có ba rọi heo nhưng khi tôi đặt hàng xong họ gọi lại báo không còn ba rọi, đề nghị tôi chuyển sang loại thịt heo khác", bà nội chợ này chia sẻ.
Trao đổi với Zing trước đó, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi, chợ, điểm bán hàng thiết yếu... vẫn mở cửa hoạt động bình thường trong thời gian thành phố giãn cách. Đồng thời, lượng hàng hóa có thể đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trong nhiều tháng với giá cả ổn định.
"Ba chợ đầu mối mỗi đêm nhập gần 8.000 tấn rau củ quả, 700 tấn thịt heo, 250.000 con gia cầm, gạo và tất cả nhu yếu phẩm đều đảm bảo. TP.HCM đã chuẩn bị và kích hoạt chương trình bình ổn thị trường từ tháng 4, chuỗi cung ứng cũng liên kết tốt với 22 tỉnh, thành phố. Do đó, người dân không nên lo lắng mà đổ xô tập trung đông người tại các siêu thị, không đảm bảo an toàn chống dịch", ông Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ.