Trao đổi với Zing ngay giữa cuộc họp khẩn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết đang điều chuyển hàng hóa về các điểm bán tại TP.HCM gấp trong chiều và đêm nay, đặc biệt là hàng tươi sống.
Sau khi TP.HCM chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 15, 16, hệ thống này ghi nhận lượng khách mua sắm tăng cao. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Đức khẳng định hàng hóa vẫn dồi dào và đảm bảo ổn định trong thời gian dài. Chưa kể, Saigon Co.op đang có nhiều chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản các vùng nên nguồn hàng và giá cả đều tốt.
Theo ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc vận hành VinMart miền Nam, một số siêu thị cũng xuất hiện tình trạng người dân đổ xô đi mua sắm thực phẩm, hàng hóa, khiến một số mặt hàng, đặc biệt là các thực phẩm thiết yếu, bị trống kệ trong chốc lát.
"Chúng tôi ghi nhận tình hình và nhanh chóng tăng cường đẩy hàng hóa lên quầy kệ liên tục, cũng như tăng cường số lượng nhân viên hỗ trợ lên gấp đôi đảm bảo hàng hóa luôn đầy ắp, giúp khách hàng mua sắm đầy đủ nhu cầu", ông Nguyễn Tô Kiều Trinh chia sẻ.
Vị này cho biết đã tăng cường kết nối với nhiều nhà cung cấp để đảm bảo hàng hóa cung ứng liên tục, đồng thời sản lượng dự phòng trong lúc dịch bệnh bùng phát luôn đủ cho 3-6 tháng. Bên cạnh đó, các xe trung chuyển hàng hóa thiết yếu cũng được đảm bảo di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, hoặc từ kho của VinMart đến các địa điểm bị phong tỏa, cách ly.
"Không xảy ra tình trạng khan hàng, đứt hàng cục bộ tại bất kỳ cơ sở nào", ông nhấn mạnh.
Đại diện Central Retail cũng khẳng định với mạng lưới đại siêu thị, siêu thị rộng khắp các địa bàn, hệ thống này có thể điều chuyển hàng hóa liên tục, đáp ứng nhu cầu của người dân trong giai đoạn cao điểm.
Mặc dù vậy, đơn vị bán lẻ này vẫn khuyến khích người dân mua sắm qua điện thoại hoặc các kênh trực tuyến để hạn chế tiếp xúc nơi đông người trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Trao đổi với Zing, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi, chợ, điểm bán hàng thiết yếu... vẫn mở cửa hoạt động bình thường trong thời gian TP giãn cách. Đồng thời, lượng hàng hóa có thể đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trong nhiều tháng với giá cả ổn định.
"Ba chợ đầu mối mỗi đêm nhập gần 8.000 tấn rau củ quả, 700 tấn thịt heo, 250.000 con gia cầm, gạo và tất cả nhu yếu phẩm đều đảm bảo. TP.HCM đã chuẩn bị và kích hoạt chương trình bình ổn thị trường từ tháng 4, chuỗi cung ứng cũng liên kết tốt với 22 tỉnh, TP. Do đó, người dân không nên lo lắng mà đổ xô tập trung đông người tại các siêu thị, không đảm bảo an toàn chống dịch", ông Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ.
Theo ghi nhận của Zing chiều 30/5, nhiều siêu thị lớn tại quận Gò Vấp, TP.HCM chật kín khách đến mua thực phẩm. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết đã yêu cầu các siêu thị tắt máy lạnh hoặc giữ ở nhiệt độ trên 27 độ C, bên cạnh nỗ lực đảm bảo khoảng cách khách hàng và các quy định trong phòng chống dịch.
TP.HCM giãn cách xã hội từ 0h ngày 31/5
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết địa phương này sẽ thực hiện theo Chỉ thị 15+, tức là tăng cường một số biện pháp mạnh hơn.
Quận Gò Vấp bắt đầu cách ly xã hội
Gần 0h ngày 31/5, lực lượng công an và dân phòng bố trí hàng rào, thiết lập các chốt chặn, chuẩn bị cho 15 ngày cách ly xã hội toàn quận Gò Vấp (TP.HCM).
Siêu thị ở quận Gò Vấp đông nghẹt người
Chiều 30/5, nhiều siêu thị lớn tại quận Gò Vấp chật kín khách đến mua thực phẩm. Sở Công Thương TP.HCM khẳng định nguồn hàng dồi dào, đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người dân.