- TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 cùng một số biện pháp mạnh hơn từ 0h ngày 31/5.
- Quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) phong tỏa theo Chỉ thị 16. Nguyên tắc là gia đình cách ly gia đình, khu phố cách ly khu phố, phường cách ly phường.
- Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại quận Gò Vấp là ổ dịch lớn nhất và phức tạp nhất. Tính đến tối 30/5, 142/157 bệnh nhân mắc Covid-19 tại TP.HCM liên quan đến ổ dịch này.
- Công an quận Gò Vấp đã khởi tố vụ án lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.
-
-
Người dân đổ ra siêu thị tại quận Gò Vấp
Chiều 30/5, nhiều siêu thị lớn tại quận Gò Vấp (TP.HCM) chật kín khách đến mua thực phẩm sau khi lãnh đạo TP cho biết sẽ phong tỏa quận này từ 0h ngày 31/5.
Trước xu hướng nhiều người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ, Sở Công Thương TP.HCM cho biết các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi... vẫn mở cửa hoạt động bình thường trong thời gian TP giãn cách với nguồn hàng dồi dào, đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người dân. Vì vậy, người dân không cần mua hàng hóa, tích trữ dẫn đến hiện tượng chen chúc, không tuân thủ các quy định chống dịch.
-
Cách ly tập trung người từng đến tòa nhà số 1 Hoàng Việt, quận Tân Bình
Chiều 30/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) vừa bổ sung hướng dẫn giám sát phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM (cập nhật 15h ngày 30/5).
Theo đó, những người từng đến tòa nhà số 1 Hoàng Việt, quận Tân Bình, từ ngày 17/5 đều phải cách ly tập trung thay vì cách ly tại nhà. Ở thông báo trước đó, HCDC chỉ yêu cầu người từng đến tầng 4 của tòa nhà này phải cách ly tập trung, người từng qua các tầng khác chỉ cần cách ly tại nhà.
Ngoài điểm trên, HCDC còn yêu cầu người từng đến 3 điểm khác phải cách ly tập trung, đó là: Công ty TNHH phát triển giải pháp tầm nhìn IDS ở 67 đường T4A, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, từ ngày 19/5; Tầng 6, tòa nhà Concentrix, Công viên phần mềm Quang Trung, quận 12; Nhà thờ Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, Nguyễn Văn Công, quận Gò Vấp.
-
TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15+
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM sáng 30/5, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhận định trước tình hình diễn biến phức tạp như hiện nay, TP.HCM phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.
"Chỉ thị 15 nói không tụ tập hơn 10 người ngoài công sở, trường học, bệnh viện. Nhưng đề nghị Sở Y tế nghiên cứu không phải 10 người, mà chỉ 5 người, và cần tăng cường một số biện pháp", ông Phong giao nhiệm vụ.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch Phong, TP.HCM phải thực hiện theo Chỉ thị 15+, tức là tăng cường một số biện pháp mạnh hơn, áp dụng từ 0h ngày 31/5.
Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12, thì phải phong tỏa trong 15 ngày từ 0h ngày 31/5. Nguyên tắc là gia đình cách ly gia đình, khu phố cách ly khu phố, phường cách ly phường.
-
Nhiều địa phương dừng vận chuyển hành khách đến TP.HCM
Trước diễn biến dịch Covid-19 phức tạp tại TP.HCM, nhiều tỉnh thành phía Nam đã ra thông báo hỏa tốc, dừng các hoạt động vận chuyển hành khách đến địa phương này.
Đến chiều 30/5, các tỉnh Long An, Bến Tre, An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bình Phước, Bình Thuận, Lâm Đồng , Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Định, Đắk Lắk và TP Cần Thơ đã ra chỉ đạo yêu cầu tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách đến TP.HCM.
Ngoài ra, Bình Dương, Tây Ninh đã cho tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh đi và đến các khu vực có dịch trên cả nước.
-
Người dân đổ đi mua đồ ăn tại quận 1
Tại siêu thị trên đường Cống Quỳnh (quận 1), tất cả các quầy thu ngân đều kín người thanh toán. Quầy thịt và rau củ trống trơn từ 15h. Khách hàng tới đây đều phải điền tờ khai y tế, rửa tay, đo thân nhiệt.
-
Khoảng 16h30 ngày 30/5, tại ngã tư Hàng Xanh, nút giao Lăng Cha Cả xe cộ lưu thông thưa thớt so với những ngày trước đó.
-
Chợ Gò Vấp đông khách gấp đôi ngày thường
17h ngày 30/5, khá đông người dân đổ về chợ Gò Vấp mua nhu yếu phẩm. Mặt hàng bán chạy nhất là gạo, mì gói, thực phẩm hộp... Theo nhiều tiểu thương, lượng hàng hoá bán được trong hôm nay nhiều gần gấp đôi so với ngày thường. Người dân mua nhu yếu phẩm dự trữ khi biết thông tin quận Gò Vấp thực hiện lệnh cách ly xã hội vào 0h ngày 31/5.
-
Bến xe Miền đông ghi nhận lúc 16h40, lượng khách tăng dần. Chủ yếu là sinh viên về quê sau khi các trường đại học tổ chức cho học online.
Nhiều tuyến phố như Nguyễn Hữu Cảnh, Lý Thái Tổ và Nguyễn Tri Phương vắng hơn so với thường ngày sau khi quyết định giãn cách xã hội được đưa ra.
-
TP.HCM kêu gọi người dân không đổ xô đi mua thực phẩm
Sau khi có thông tin giãn cách xã hội từ 0h ngày 31/5, rất nhiều người ở TP.HCM đã đổ xô đi chợ, đi siêu thị. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho rằng việc này nguy hiểm vì rất khó giữ khoảng cách an toàn khi tập trung đông người, có thể làm lây lan dịch bệnh.
HCDC kêu gọi người dân cần bình tĩnh vì khi thực hiện giãn cách xã hội vẫn được đi ra khỏi nhà khi có việc cần thiết như mua thức ăn, cấp cứu... HCDC cũng khẳng định lượng hàng hóa sẽ được cung cấp đầy đủ trong thời gian giãn cách.
-
TP.HCM sẽ xét nghiệm cho toàn bộ công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM sáng 30/5, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chỉ đạo ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm tất cả đơn vị bầu cử có hội viên Hội thánh truyền giáo Phục Hưng cư ngụ; tất cả công nhân, người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Mục tiêu phải lấy khoảng 50.000 mẫu xét nghiệm đơn/ngày.
Cũng tại cuộc họp, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng yêu cầu thành phố xét nghiệm cho 100% cán bộ, công nhân, người dân tại khu công nghiệp, khu chế xuất và các địa điểm có dịch để đảm bảo ngăn ngừa hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết hiện nay, năng lực xét nghiệm của TP.HCM đã có thể lên tới 100.000 mẫu/ngày và sẵn sàng nâng lên 200.000 mẫu/ngày. Ngành y tế đã huy động 400 đội lấy mẫu của Trung ương, địa phương cùng hơn 400 sinh viên của các trường đại học.
-
Cần Thơ tạm dừng xe khách đến TP.HCM
Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ có văn bản thông báo từ 0h ngày 31/5, tạm dừng hoạt động vận tải hành khách bằng ôtô tuyến cố định, xe hợp đồng, taxi, ôtô du lịch từ TP Cần Thơ đến 31 tỉnh, thành gồm: TP.HCM, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Điện Biên, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Hải Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Nam, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hòa Bình, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Đồng Nai, Long An, Bạc Liêu, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Từ 0h ngày 30/5, TP Cần Thơ triển khai 7 điểm kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, tại các tuyến và đầu mối giao thông trọng điểm ra vào thành phố.
Các điểm kiểm soát có sự tham gia của cảnh sát, nhân viên y tế, thanh tra giao thông, tình nguyện viên, hoạt động 24/24, để dừng xe và kiểm tra tất cả người trên phương tiện đi vào TP Cần Thơ.
-
Quận Gò Vấp xét nghiệm toàn bộ dân phường 5
Chiều 30/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết vừa ghi nhận trường hợp F2 chuyển thành F0 tại phường 5, quận Gò Vấp.
Cụ thể, tối 29/5, nơi này ghi nhận 4 ca nghi nhiễm nCoV, trong đó có trường hợp từ F2 chuyển thành F0. Đây là các trường hợp F1 và F2 của bệnh nhân tại hẻm 80/59 đường Dương Quảng Hàm (khu vực đã phong tỏa trong sáng 29/5), có liên quan đến thành viên Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Phường 5, quận Gò Vấp, đang khẩn trương truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với 4 ca nghi nhiễm này.
Trong chiều ngày 30/5, ngành y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho tất cả người dân trong phường.
-
Cả nước ghi nhận 250 ca mắc Covid-19 trong ngày 30/5
Trong bản tin 18h ngày 30/5, Bộ Y tế công bố thêm 142 ca mắc Covid-19 tại 5 tỉnh, thành gồm: TP.HCM (49), Bắc Giang (44), Bắc Ninh (28), Hà Nội (18), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh (2), Đà Nẵng (1).
18 bệnh nhân tại Hà Nội gồm 17 F1 và một trường hợp sàng lọc trong cộng đồng. 44 trường hợp ở Bắc Giang được phát hiện trong khu cách ly, nơi đã phong tỏa, liên quan công nhân tại các khu công nghiệp. 28 ca bệnh tại Bắc Ninh liên quan ổ dịch Thuận Thành, Khắc Niệm và Quế Võ.
Như vậy, trong ngày 30/5, 250 ca mắc đã được công bố ở các tỉnh, thành: Bắc Giang (124), TP.HCM (59), Bắc Ninh (43), Hà Nội (18), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh (2), Hải Phòng (1), Long An (1), Hải Dương (1), Đà Nẵng (1).
-
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn chuẩn bị hoạt động trở lại
Chiều 30/5, bác sĩ Nguyễn Hữu Trâm Em, Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận), cho biết đơn vị này đã hoàn tất công tác khử khuẩn, ra soát quy trình sàng lọc, phân luồng bệnh nhân. Bệnh viện sẽ hoạt động trở lại vào 31/5.
Trước đó, tối 27/5, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tiếp nhận chị T.T.N.H. (30 tuổi, mang thai 10 tuần, ngụ tại quận Tân Phú) cùng chồng đến khám do triệu chứng đau, rát họng 2 ngày. Thai phụ không có yếu tố dịch tễ hay đi về từ vùng dịch.
Kết quả xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR lúc 16h ngày 28/5 cho thấy người này dương tính với nCoV.
Cặp vợ chồng được sàng lọc, phân luồng đến khu cách ly nằm ngoài khuôn viên bệnh viện, đồng thời xét nghiệm rRT-PCR. Khi có kết quả dương tính, tối cùng ngày, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã lập rào chắn, phong tỏa tạm thời.
-
TP.HCM dừng hoạt động trung tâm thương mại
Chiều 30/5, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký văn bản khẩn về việc tăng cường triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, TP.HCM sẽ thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 trong vòng 15 ngày, kể từ 0h ngày 31/5.
Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12, áp dụng Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 31/5. Thành phố yêu cầu người dân tại 2 địa điểm trên chỉ ra ngoài khi cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại cơ quan, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị tạm dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.
TP.HCM cũng tạm dừng thêm các hoạt động: Trung tâm thương mại; siêu thị điện máy; trò chơi điện tử có thưởng casino (trong khách sạn); các hoạt động thẩm mỹ tại cơ sở bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa. Tạm dừng làm thủ tục căn cước công dân toàn thành phố. Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động lễ hội tại cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự. Thời gian áp dụng từ 0h ngày 31/5 đến khi có thông báo mới.
-
Đường phố TP.HCM vắng vẻ trước giờ giãn cách xã hội
Chiều 30/5, các tuyến đường ở TP.HCM vắng vẻ trước giờ giãn cách xã hội. Trong khi đó, bến xe đông đúc sinh viên trở về quê sau khi được nghỉ học.
Khu vực trung tâm TP.HCM thưa thớt người qua lại lúc 17h. Những nút giao thường xuyên ùn tắc như vòng xoay Lăng Cha Cả, ngã tư Hàng Xanh ít xe cộ đi lại. Người dân lưu thông qua hồ Con Rùa, chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, quốc lộ 13 trong tình trạng vắng bóng người. Khu vui chơi, công viên được rào chắn kĩ càng, tránh người dân đến tụ tập đông người. Nhiều hàng quán đóng cửa sớm hoặc duy trì bán mang về.
Lượng khách tại bến xe miền Đông và bến xe miền Tây tăng dần vào chiều tối. Chủ yếu là sinh viên về quê sau khi các trường đại học tổ chức cho học online và các gia đình đưa trẻ nhỏ về quê tránh dịch. Theo ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây, tính đến thời điểm tối 30/5 đã có 13 tỉnh và 01 TP tạm ngưng hoạt động hoạt các tuyến xe đi và đến từ TP.HCM, đó là: Long An, Bến Tre, An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bình Phước, Bình Thuận, Lâm Đồng , Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Định, Đăk Lăk và TP Cần Thơ.
-
20h30 ngày 30/5, nhiều tuyến đường trung tâm quận Gò Vấp vắng hơn ngày thường. Tại nút giao ngã 5 Gò Vấp, nơi thường có nhiều xe cộ qua lại hiện khá vắng. “Chắc mọi người hạn chế ra đường vì lệnh cách ly xã hội sắp có hiệu lực nên đường mới vắng vẻ. Hôm qua vào giờ này, giao thông ở đây vẫn đông hơn. Việc hạn chế đi lại lúc này cũng cần thiết để đảm bảo an toàn”, ông Nguyễn Văn Minh, sống gần khu vực ngã 5 Gò Vấp, nói.
Tối 30/5, trên địa bàn quận Gò Vấp tiếp tục có trường hợp nghi mắc Covid-19 tại hẻm 54, đường Phạm Ngũ Lão, phường 4. Lực lượng chức năng đã đến hiện trường thực hiện công tác phun xịt khử khuẩn và đưa một số trường hợp nghi nhiễm, F1 đi cách ly theo quy định.
-
Rào chắn được thiết lập quanh các chốt của quận Gò Vấp
23h30, lực lượng chức năng bố trí nhiều xe chở rào chắn đến các điểm chốt. Trong ảnh là chốt trên đường Lê Quang Định, địa bàn giáp ranh giữa 2 quận Gò Vấp và Bình Thạnh.
Đúng 0h ngày 31/5, lực lượng chức năng sẽ tiến hành thiết lập rào chắn tại đây. Đây là 1 trong 9 chốt cửa ngõ nối Gò Vấp với các địa bàn lân cận.
-
10 chốt chặn quanh quận Gò Vấp
10 điểm chốt quanh quận Gò Vấp (TP.HCM) gồm: Cầu thép An Phú Đông, cầu An Lộc, cầu Bến Phân, cầu Trường Đai, cầu Chợ Cầu, số 399 Tân Sơn (phường 12), Phan Huy Ích, ngã tư Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng, Lê Quang Định (phường 1) và ngã 3 Chú Ía (phường 3).
Tại chốt chặn ngã tư Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị, lực lượng chức năng đã bố trí sẵn rào chắn và sẵn sàng thiết lập tại đây lúc 0h ngày 31/5. Đây là địa bàn nối Gò Vấp và Bình Thạnh.
Các lực lượng đã đến các điểm chốt sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Ảnh chụp tại điểm chốt ngã tư Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị, nối Gò Vấp và Bình Thạnh.
-
Những khoảnh khắc cách ly xã hội đầu tiên ở Gò Vấp
0h ngày 31/5, lực lượng chức năng tiến hành lập rào chắn tại chốt gần ngã tư Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị. Ngay sau đó, cảnh sát giao thông yêu cầu người điều khiển xe không được lưu thông qua lại giữa địa bàn giáp ranh Gò Vấp - Bình Thạnh.
Lực lượng chức năng cũng lập chốt chặn tại 668 Lê Quang Định. Nhiều người di chuyển từ quận Bình Thạnh sang Gò Vấp được dừng xe, kiểm tra giấy tờ.
Gò Vấp là quận đông dân cư, được bao quanh bởi quận 12, quận Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh với hệ thống đường giao thông khá chằng chịt. Cảnh sát đã lập 10 chốt chặn quanh các trục đường chính của Gò Vấp.