Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị sáng 15/6. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng sáng 15/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá những năm gần đây, hoạt động sản xuất xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng suy giảm do tác động của nhiều yếu tố bất lợi cùng với việc thị trường bất động sản chưa phục hồi.
Trong đó, tổng sản lượng sản xuất xi măng và clanhke cả năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn, dây chuyền hoạt động trung bình toàn ngành chỉ đạt 75% tổng công suất thiết kế. Tổng sản lượng tiêu thụ năm 2023 đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022.
Tương tự, năm 2023, sản xuất thép xây dựng đạt 10,6 triệu tấn (giảm 12,2% so với năm 2022), tiêu thụ đạt 10,9 triệu tấn (giảm 11,2% so với năm 2022).
Trước những khó khăn kéo dài, chưa có giải pháp đột phá để khắc phục, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị để đánh giá, xem xét nguyên nhân, tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng trong thời gian tới.
"Đặc biệt là đẩy mạnh cung cấp cho các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các công trình quan trọng khác", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị tập trung đánh giá, phân tích kỹ lưỡng tình hình sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng thời gian qua; nhận diện các khó khăn, thách thức, như về sản xuất, tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, tài chính.
Đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá trong giải quyết các điểm nghẽn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, phát triển bền vững ngành này tại Việt Nam.
Trong 10 năm trở lại đây, ngành xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng đã có sự phát triển vượt bậc. Cụ thể, xi măng đã được đầu tư với tổng công suất đạt 122 triệu tấn/năm, đứng top đầu thế giới. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay lên đến 500.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD).
Gạch ốp lát đã được đầu tư với tổng công suất đạt 831 triệu m2/năm. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay khoảng 100.000 tỷ đồng (tương đương 4 tỷ USD). Sứ vệ sinh đã được đầu tư với tổng công suất đạt 26 triệu sản phẩm/năm. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay khoảng 25.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD).
Kính đã được đầu tư với tổng công suất đạt 5.900 tấn thủy tinh/ngày (tương đương 331 triệu m2 kính/năm), đứng trong nhóm 5 nước có sản lượng lớn nhất Đông Nam Á. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay khoảng 50.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD).
Ngành thép (giai đoạn 2011-2022) có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân đạt 14,3%). Sản lượng thép năm 2022 tăng gấp 5 lần so với năm 2011. Đặc biệt giai đoạn 2016-2022, ngành thép đạt tốc độ tăng trưởng rất cao với mức bình quân hơn 27%/năm.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.