Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Luxembourg ngày 9/12. Ảnh: Đoàn Bắc. |
Theo lịch trình, 10h15 giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chinh sẽ dự lễ đón chính thức tại Quảng trường Clairefontaine do Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel chủ trì. Sau đó, người đứng đầu Chính phủ hai nước sẽ có cuộc gặp hẹp và tiến hành hội đàm giữa hai đoàn; hội kiến chủ tịch Nghị viện Luxembourg.
Sau khi thăm Sở Giao dịch chứng khoán Luxembourg, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Luxembourg; tiếp lãnh đạo một số công ty, doanh nghiệp của Luxembourg.
Cũng nhân dịp này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cùng các thành viên trong đoàn sẽ dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU tại Brussels (Bỉ) vào ngày 14/12.
Cũng nhân dịp này, Thủ tướng cùng các thành viên trong đoàn sẽ dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU tại Brussels (Bỉ) vào ngày 14/12. Ảnh: Đoàn Bắc. |
Đây là lần thứ hai Thủ tướng Phạm Minh Chính công du châu Âu kể từ khi nhậm chức, sau chuyến đi đầu tiên dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh vào tháng 11/2021.
Các chuyến thăm của Thủ tướng theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo.
Luxembourg là quốc gia đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính ghé thăm trong chuyến công du châu Âu lần này. Hành trình sau đó của người đứng đầu Chính phủ lần lượt là Hà Lan và Bỉ.
Là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong EU, Luxembourg ghi nhận tăng trưởng 3,3% vào năm 2019, giảm 1,8% năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song đã tăng vọt lên 6,5% trong năm 2021.
Thu nhập GDP đầu người của đất nước này đứng đầu thế giới. Các lĩnh vực thế mạnh là thương mại, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, hóa chất, cao su, nhựa, sản xuất thép, thực phẩm. Khu vực dịch vụ nói chung và dịch vụ tài chính ngân hàng nói riêng là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng (tài chính - ngân hàng hiện đóng góp hơn 30% GDP của Luxembourg).
Việt Nam và Luxembourg thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Tính đến tháng 1, Luxembourg có 51 dự án đầu tư với tổng vốn 2,1 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam - đứng vị trí thứ 5 các nước châu Âu (sau Hà Lan, Anh, Pháp và Đức) và đứng thứ 18/140 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Những dự án này tập trung vào một số lĩnh vực: Công nghiệp xây dựng (sản xuất đá granite, thiết bị vệ sinh…), công nghiệp chế biến thực phẩm (sản xuất kẹo, chocolate, cà chua cô đặc…), thông tin truyền thông và công nghệ cao (phát triển phần mềm).
Trao đổi thương mại giữa hai nước còn hạn chế, chỉ đạt khoảng 5-6 triệu USD/năm trong giai đoạn trước, nhưng tăng mạnh gần đây. Năm 2019, thương mại hai bên đạt 96 triệu USD (xuất khẩu 51 triệu USD, nhập khẩu 45 triệu USD).
Tháp tùng Thủ tướng trong chuyến đi này có Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Khánh Toàn, Phó chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Thành, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi.
Những cuốn sách nên đọc về ASEAN
Zing giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về ASEAN - một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại Việt Nam.