Hãng an ninh mạng Area 1 là đơn vị phát hiện lỗ hổng trong mạng lưới liên lạc ngoại giao của Liên minh Châu Âu (EU), theo Reuters ngày 18/12.
Nhóm tin tặc có thể đã khai thác lỗ hổng an ninh này trong vòng ba năm. Công ty Area 1 đã gửi cho New York Times gần 1.100 bức điện ngoại giao bị tin tặc thu thập thời gian qua.
Tin tặc có thể làm việc cho Trung Quốc
Theo báo cáo của Area 1, các tin tặc còn xâm nhập được vào mạng lưới liên lạc của Liên Hợp Quốc, nghiệp đoàn lao động Mỹ AFL-CIO, bộ ngoại giao và bộ tài chính của nhiều quốc gia trên thế giới.
Các điều tra viên của Area 1 cho rằng nhóm tin tặc tấn công mạng lưới liên lạc ngoại giao của EU làm việc cho Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) của Trung Quốc.
Một số bức điện rò rỉ, được Area 1 thu thập, cho thấy EU có nhiều lo ngại về tương lai của thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: Reuters. |
Theo New York Times, cách xâm nhập của nhóm tin tặc này tương tự với các kỹ thuật được đơn vị tin tặc tinh nhuệ của Trung Quốc sử dụng lâu nay.
Những bức điện được sao chép từ mạng lưới bảo mật, sau đó đăng lại trên một trang mạng mở, được nhóm tin tặc lập sẵn trong quá trình tấn công.
Đêm 18/12, ban thư ký EU xác nhận đã nhận được thông tin về vụ rò rỉ thông tin nhạy cảm và "đang chủ động điều tra vấn đề này". Tuy nhiên, các đại diện của EU từ chối bình luận thêm về những cáo buộc hoặc vấn đề bị rò rỉ vì lý do bảo mật.
Những lo ngại của giới ngoại giao EU
Nội dung bị rò rỉ bao gồm bản ghi nhớ những trao đổi giữa các nhà lãnh đạo tại Saudi Arabia, Israel và nhiều nước khác, được chia sẻ khắp EU.
Trong một bức điện, các nhà ngoại giao châu Âu đánh giá cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Phần Lan là "thành công (ít nhất là cho ông Putin)".
Một bức điện khác được viết sau cuộc họp ngày 16/7 tường thuật và phân tích một cách chi tiết những trao đổi giữa các quan chức châu Âu và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong cuộc gặp này, ông Tập đã so sánh Tổng thống Trump "bắt nạt" Bắc Kinh như trong một "cuộc đấu quyền anh tự do và không có luật lệ".
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Helsinki, Phần Lan, vào tháng 7. Ảnh: Reuters. |
Bức điện thứ ba được New York Times công bố được viết vào ngày 7/3. Văn bản này thuật lại lời khuyến cáo của Caroline Vicini, phó đại sứ của EU tại Washington, gửi các nhà ngoại giao của liên minh khi đề cập đến Mỹ.
Bà Vicini đề nghị các nhà ngoại giao EU nên mô tả nước Mỹ là "đối tác quan trọng nhất" dù thực tế giữa Mỹ và EU còn nhiều bất đồng (về biến đổi khí hậu, thương mại, hay thỏa thuận hạt nhân Iran).
Vụ rò rỉ điện tín ngoại giao của EU gần giống như bê bối WikiLeaks công khai gần 250.000 bức điện tín của Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 2010. Tuy nhiên, số thông tin bị rò rỉ lần này không có sức ảnh hưởng lớn và cấp độ bảo mật cũng thấp hơn vụ việc năm 2010.
Những liên lạc nhạy cảm hơn được lưu giữ trên một hệ thống tách riêng khỏi hệ thống bị tin tặc xâm nhập, đang được nâng cấp và thay thế, một số quan chức châu Âu cho biết.