Theo Reuters, Facebook ngày 31/7 cho biết đã xóa 32 trang và tài khoản trên 2 mạng xã hội là Facebook và Instagram trong nỗ lực ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài vào bầu cử Mỹ.
Công ty này không công bố nguồn gốc phát tán thông tin sai lệch. Một số nghị sĩ Mỹ được Facebook báo cáo về vấn đề trên nói phương thức của chiến dịch cho thấy có bàn tay của Nga.
Có sự tương đồng với năm 2016
"Tôi khá tự tin khi cho rằng vụ việc này có liên quan đến Nga", nghị sĩ Mark Warner, thành viên Ủy ban Tình báo Thượng viện, nói.
Người biểu tình ở Anh phản đối việc Facebook lan truyền tin giả. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, trả lời Reuters, 2 quan chức tình báo Mỹ nói chứng cứ hiện chưa đủ để kết luận Moscow đứng sau chiến dịch gây ảnh hưởng chính trị mà Facebook vừa phát hiện.
Tuy nhiên, các quan chức này cũng chỉ ra những nét thương đồng, các mục tiêu và cách thức tác động lần này "cực kỳ giống chiến dịch năm 2016 của Nga".
Danh sách các trang bị đóng bởi Facebook đã được gửi đến Phòng Nghiên cứu Kỹ thuật số, thuộc Hội đồng Đại Tây Dương. Trung tâm nghiên cứu cho biết các trang này sử dụng ngôn ngữ và cách tiếp cận tương tự với các tài khoản giả mạo được tạo bởi Cơ quan Nghiên cứu Internet của Nga.
Một trong số các trang bị Facebook gỡ bỏ có đến 290.000 tài khoản theo dõi. Trang này cũng chi đến 11.000 USD cho 150 quảng cáo chính trị trên trang mạng xã hội, kêu gọi người xem tham gia khoảng 30 sự kiện tính từ tháng 5/2017.
Chạy đua vũ trang
Giám đốc vận hành (COO) của Facebook Sheryl Sandberg cảnh báo các chiến dịch tác động đến dư luận Mỹ đang ngày một tinh vi hơn để tránh sự giám sát của công ty. Bà gọi đây là cuộc "chạy đua vũ trang" trên Facebook.
Theo ước tính của trang mạng xã hội này, trong hơn 2 năm qua, khoảng 126 triệu người Mỹ từng đọc qua các nội dung chính trị do chiến dịch can thiệp của Nga thực hiện. Ngoài ra, khoảng 16 triệu người Mỹ chịu tác động từ chiến dịch này thông qua Instagram.
Giám đốc vận hành (COO) của Facebook Sheryl Sandberg . Ảnh: TIME. |
Hồi đầu tháng 7, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats cũng nhận định rằng "cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của đất nước đang bị tấn công".
Nhà Trắng ngày 31/7 đã lập tức bày tỏ sự ủng hộ đối với động thái kịp thời của Facebook.
"Chúng tôi hoan nghênh nỗ lực của các đối tác ở khu vực tư nhân trong cuộc chiến trên không gian mạng", Garrett Marquis, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia, nói.
Mỹ cáo buộc các cơ quan và cá nhân Nga đã tìm cách tác động vào cuộc bầu cử năm 2016 của nước này bằng cách mua quảng cáo chính trị và đăng tải thông tin gây chia rẽ trên trang mạng xã hội.
Tháng 2, bộ Tư pháp Mỹ cho truy tố 13 công dân Nga và Cơ quan Nghiên cứu Internet tại thành phố St. Petersburg vì đã can thiệp bầu cử 2016.
Trong khi đó, chính phủ Nga luôn khăng khăng phủ nhận có liên quan đến các hoạt động chi phối bầu cử Mỹ.
Các vấn đề gây chia rẽ
Những trang bị Facebook gỡ bỏ đều thường xuyên diễn đạt sai lệch và tập trung đặc biệt nhiều vào các vấn đề gây chia rẽ lớn trong dòng thời sự Mỹ.
Resisters, trang Facebook hoạt động gần 1 năm trước khi bị gỡ bỏ, "có lập trường cực tả về các vấn đề giới tính, sắc tộc, nhập cư và nhân quyền", phòng nghiên cứu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương cho biết. Trang này còn ủng hộ đối đầu tại các cuộc biểu tình, có khả năng kích động bạo lực.
Bạo loạn giữa nhóm phát xít mới và những người chống phát xít ở Charlottesville. Ảnh: Reuters. |
Một số trang khác xoáy sâu vào lòng tự hào sắc tộc của các cộng đồng thiểu số. Các bài viết sai lệch và kích động còn nhắm vào một cuộc biểu tình dự kiến diễn ra trong tuần sau tại Washington.
Facebook quyết định công khai thông tin vì không muốn biểu tình leo thang thành bạo lực tương tự sự kiện ở Charlottsville, Virginia vào năm 2017. Trong vụ việc này, một người ủng hộ quyền của người da trắng đã lao xe vào đám đông những người biểu tình đối lập.
"Kiểu hành động này không được chấp nhận trên Facebook. Chúng tôi không muốn cá nhân hay tổ chức nào xây dựng mạng lưới nhiều tài khoản nhằm đánh lừa người khác về danh tính và mục đích của mình", thông báo của Facebook cho biết.