Ông chủ Facebook nói về việc luôn phải đấu tranh với nhiều thế lực từ Nga tìm cách lợi dụng nền tảng Facebook nhằm thao túng thông tin trong bầu cử Mỹ và nhiều nơi khác.
"Có nhiều thế lực từ Nga tìm cách lợi dụng hệ thống của chúng tôi và các hệ thống mạng khác của Mỹ. Đây là một cuộc chạy đua vũ trang về công nghệ. Họ ngày càng cải thiện khả năng và chúng tôi phải đầu tư để hoàn thiện hơn", Mark Zuckerberg nói.
Đồng thời, CEO 33 tuổi của Facebook cũng thừa nhận không thể bảo vệ hệ thống khỏi sự tràn lan tin tức giả, can thiệp nước ngoài vào cuộc bầu cử tổng thống, các phát ngôn thù hận và quyền riêng tư dữ liệu.
CEO Facebook Mark Zuckerberg trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Theo AFP, Zuckerberg đang tìm cách chấm dứt cơn thịnh nộ của người sử dụng cũng như các nghị sĩ Mỹ. Ông cho biết mục tiêu hàng đầu của Facebook sau cuộc cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 là bảo vệ sự minh bạch của những cuộc bầu cử khác trên thế giới.
"Facebook đang phối hợp với các công tố viên đặc biệt của Mỹ nhằm điều tra sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống 2016. Chúng tôi đang nỗ lực nghiên cứu cách thức Cambridge Analytica đã khai thác dữ liệu của người dùng để đảm bảo sai lầm này sẽ không bị lặp lại", ông Zuckerberg khẳng định.
Ngoài ra, Zuckerberg nói rằng Facebook sẵn sàng thay đổi các quy định của mình, miễn là chúng không gây ảnh hưởng đến những tập đoàn mới nổi trong lĩnh vực mạng xã hội. Ông đề nghị quốc hội thảo luận chi tiết hơn về việc ban hành những quy định hợp lý.
Zuckerberg cho biết không loại trừ khả năng Facebook sẽ ra mắt phiên bản trả phí, không có quảng cáo trong tương lai. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng có thể trả tiền để sử dụng Facebook và không còn bị biến thành "món hàng" để tạo ra lợi nhuận cho nền tảng này.
Người biểu tình dựng hình nộm Mark Zuckerberg bên ngoài tòa nhà quốc hội Mỹ. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, những lời nhận lỗi và hứa hẹn ông chủ Facebook không làm các nghị sĩ Mỹ hài lòng.
"Chúng tôi đã nghe ông xin lỗi quá nhiều", ông Richard Blumenthal nói với Zuckerberg. Vị thượng nghị sĩ của bang Connecticut đồng thời tỏ ý nghi ngờ việc Facebook sẵn sàng thay đổi hệ thống vận hành của mình nếu không có những điều luật quy định cụ thể.
Bên ngoài tòa nhà quốc hội, hàng chục người biểu tình đeo mặt nạ Zuckerberg, mặc áo in thông điệp kêu gọi xóa Facebook và dựng 100 hình nộm ông chủ Facebook nhằm phản đối việc ứng dụng này sơ hở để lộ thông tin của người dùng.
Facebook đang gánh chịu nhiều áp lực vì liên quan tới hoạt động khai thác dữ liệu của Cambridge Analytica. Dữ liệu của 87 triệu người dùng Facebook đã bị Cambridge Analytica khai thác trái phép trong suốt cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Chúng cũng được sử dụng để hiển thị quảng cáo chính trị trên Facebook.