Sau nhiều năm né tránh, ngày 10/4 (giờ địa phương), Mark Zuckerberg cuối cùng đã phải "ra mắt" Điện Capitol bằng buổi điều trần trước hai ủy ban Tư pháp và Thương mại của Thượng viện Mỹ. Ông đến để trả lời về bê bối làm lộ thông tin của 87 triệu người dùng cho công ty Cambridge Analytica để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ.
Phiên điều trần rất được kỳ vọng đã không thể dồn Zuckerberg "vào chân tường" sau hàng loạt bê bối của Facebook. Ảnh: Reuters. |
Washington Post miêu tả sự quan tâm trước buổi điều trần là vô cùng lớn. Người xem xếp hàng nhiều giờ để giành lấy 1 trong 138 chỗ của phòng điều trần. Một nửa nghị sĩ của Thượng viện đã có mặt và các nhân viên phải kê thêm bàn.
Trong suốt 5 giờ điều trần, Zuckerberg, mặc suit và thắt cà vạt thay vì áo thun, quần jean như thường ngày, đối mặt với câu hỏi từ 44 thượng nghị sĩ, một con số cao bất ngờ. Họ chất vấn về hoạt động thu thập thông tin, sự độc quyền và cả quan điểm của người sáng lập Facebook đối với việc kiểm soát các công ty Internet.
Dù vậy, CNN và nhiều tờ báo nhận định rằng không có câu hỏi nào gây được "thương tổn" đáng kể cho Zuckerberg.
Nghị sĩ Mỹ "dốt công nghệ"
CNN bình luận chính sự "dốt công nghệ" của các thượng nghị sĩ Mỹ đã cứu Facebook.
Trước phiên điều trần, báo chí đã miêu tả như thể Zuckerberg sắp bị "nướng sống" ở Điện Capitol. Mọi thứ đã nhẹ nhàng hơn dự đoán với Zuckerberg, phần lớn là nhờ các nghị sĩ Mỹ tỏ ra không hiểu biết về Facebook ngoài một số thứ bề mặt.
"Nói thẳng, nó giống như trông ông nội của bạn đang cố gắng hiểu làm thế nào để vào được Internet trên cái máy Macbook Pro", Chris Cilizza của CNN quan sát.
Đây là đoạn hội thoại kỳ cục của Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Orrin Hatch dành cho Zuckerberg:
"Làm sao duy trì một mô hình kinh doanh mà người dùng không trả tiền cho họ?"
"Chúng tôi bán quảng cáo".
Các nghị sĩ Mỹ bị coi là hiểu sơ sài về cách Facebook vận hành. Ảnh: Reuters. |
The Quint đã mỉa mai rằng sau buổi điều trần, nếu dư luận vẫn chỉ trích cách Facebook sử dụng dữ liệu người dùng, ít ra có một điểm họ phải thông cảm. Zuckerberg đã phải giảng giải về công nghệ cho những nghị sĩ già ở Thượng viện Mỹ. Trong 5 giờ đó, tất cả sự "mù công nghệ" của các nghị sĩ đã bị phô bày trong khi cơ hội để hỏi Zuckerberg những câu hỏi thật sự phải hỏi lại bị bỏ phí.
Vox nhận định rằng các nhà lập pháp muốn ra quy định để điều chỉnh cách Facebook hoạt động, nhưng họ lại không rõ nền tảng này hoạt động thế nào.
Một số câu hỏi mà Vox cho là "không liên quan" nhưng vẫn được hỏi là:
"Facebook độc quyền phải không?"
"Mark Zuckerberg có nghĩ Facebook thiên tả không?"
"Sao tự nhiên tôi thấy quảng cáo chocolate ngập Facebook?"
"Facebook có theo dõi email tôi gửi qua WhatsApp không?". (WhatsApp không phải ứng dụng gửi mail).
Cuộc điều trần thu hút được sự chú ý của đông đảo dư luận. Ảnh: AP. |
Đây là một buổi điều trần nhằm vào chính sách riêng tư đối với người dùng và cáo buộc Facebook đã để lộ thông tin người dùng cho chiến dịch gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử Mỹ. Trong khi đó, 44 câu hỏi từ các nghị sĩ đã rải đều ở mọi lĩnh vực. Vox nhận định rằng một số câu hỏi có thể đã có tác dụng nếu các nghị sĩ được quyền hỏi sâu và tranh luận với Zuckerberg, nhưng mỗi người chỉ có 5 phút để nói.
Buổi điều trần là một minh chứng cho thấy việc kiểm soát Facebook sẽ khó khăn như thế nào, khi người ta thậm chí chưa hiểu đâu là vấn đề mà Facebook đang gây nên, họ làm sao có thể giải quyết vấn đề đó.
Tất nhiên, không phải mọi câu hỏi đều vậy. Các câu hỏi của Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham thông minh và được chuẩn bị đầy đủ thông tin. Brian Schatz đã chất vấn Zuckerberg việc nói rằng người dùng "sở hữu" thông tin của họ trên nền tảng Facebook có ý nghĩa chính xác là gì.
Chris Coons hỏi về vấn đề cố hữu của Facebook trong việc chọn đối tượng quảng cáo ("Nếu một công ty sản xuất thuốc giảm cân có thể định vị được những trẻ vị thành niên bị cuồng ăn hoặc chán ăn thì chuyện gì sẽ xảy ra?").
Quang cảnh phòng điều trần tại Thượng viện Mỹ. Ảnh: Reuters. |
"Tôi xin lỗi"
Bài xã luận của USA Today đã tóm tắt 5 giờ điều trần của Zuckerberg thành 2 câu: "Tôi xin lỗi" và "Chúng tôi đang xử lý việc này".
Tờ báo này gọi lịch sử 14 năm của Facebook là tập dài chỉ toàn chuyện chia sẻ thông tin của người dùng một cách bất hợp lý rồi xin lỗi. Năm 2007, Facebook triển khai một chương trình gọi là Beacon nằm theo dõi các thói quen của người dùng trên web bên ngoài Facebook rồi cung cấp nó cho các nhà quảng cáo. Năm 2010, công ty này bị phát hiện bán dữ liệu có khả năng lật tẩy danh tính của người dùng Facebook trong thế giới thật.
"Thật khó nói buổi điều trần của Zuckerberg đã thu lại được gì. Anh ta trụ vững trước những áp lực. Cách anh ta đối mặt với những câu hỏi đã cho anh ta cơ hội để trông đáng kính và không nguy hiểm dù chính anh ta cũng mơ hồ về những việc mà công ty mình sẽ làm tiếp tới", USA Today viết và cho rằng buổi điều trần có lẽ đã trấn an người dùng Facebook nhiều hơn là buộc mạng xã hội này phải hành động.
Mark Zuckerberg trong phiên điều trần trước Thượng viện ngày 10/4. Ảnh: Reuters. |
Washington Post miêu tả buổi điều trần là "liên tiếp những lời hứa xin lỗi và hứa sẽ cải cách chính sách riêng tư nhưng bảo vệ công ty trước mối đe dọa về luật lệ mới".
Không có nhiều kịch tính trong suốt buổi điều trần, không có thời điểm nào Zuckerberg mất điềm tĩnh dù đây là lần đầu tiên ông phải điều trần trước quốc hội Mỹ, một việc nhà sáng lập Facebook đã né tránh trong nhiều năm. Sự vững vàng của Zuckerberg đã cứu nguy cho không chỉ Facebook mà cả Thung lũng Silicon vì nói cho cùng, Facebook không phải công ty duy nhất thu thập dữ liệu người dùng, và các dữ liệu này quan trọng đối với rất nhiều doanh nghiệp.
Zuckerberg nói rằng ông "rộng mở" trước các luật lệ nói chung, kể cả luật lệ yêu cầu các công ty phải thông báo cho người dùng về việc lộ dữ liệu trong vòng 72 giờ. Dù vậy, ông lập luận rằng những luật lệ như vậy, nếu được ban hành, sẽ gây tổn hại cho các công ty nhỏ nhiều hơn là Facebook và bên phải trả giá có thể là "Facebook tiếp theo".
Một trong những câu hỏi gây chú ý nhất là khi Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Richard J. Durbin hỏi Zuckerberg đã ở khách sạn nào tại Washington D.C. vào đêm 9/4 và tên của những người ông đã nhắn tin vào tuần này. Zuckerberg, tỏ ra bất ngờ vì câu hỏi, đã từ chối trả lời. Durbin bắt lấy ngay thời cơ. "Tôi nghĩ tất cả việc này là về quyền riêng tư của anh, giới hạn của quyền riêng tư của anh và những gì anh phải đánh đổi trong nước Mỹ ngày nay nhân danh câu nói 'kết nối mọi người trên toàn thế giới''.
Người biểu tình với mặt nạ Zuckerberg bên ngoài Điện Capitol ngày 10/4. Ảnh: Reuters. |
"Điều khoản sử dụng của các anh như rác", CNN đã chọn câu nói của Thượng nghị sĩ John Kennedy là phát biểu đáng nhớ nhất buổi điều trần, khi Kennedy chỉ trích điều khoản sử dụng của mạng xã hội này là quá phức tạp. "Nó không thông báo với người sử dụng về quyền, tôi đề nghị anh về nhà và viết lại nó".
Cổ phiếu của Facebook, sụt giảm thảm hại thời gian qua, đã tăng 4,5 điểm % trong thời gian Zuckerberg điều trần, cho thấy sự hài lòng của các nhà đầu tư đối với màn thể hiện của nhà sáng lập Facebook tại Điện Capitol.