Buổi điều trần "Sự riêng tư trên Facebook, Truyền thông xã hội và Việc sử dụng và dụng dữ liệu", với sự có mặt của Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Chuck Grassley từ Đảng Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban Thương mại, Khoa học và Giao thông Thượng viện John Thune từ Đảng Cộng hòa.
Đây là thử thách lớn nhất và căng thẳng nhất trong đời của Mark Zuckerberg, nhận định từ hàng loạt các báo lớn trước khi CEO Facebook đến điều trần.
CEO Mark Zuckerberg đối diện với nhiều câu hỏi hóc búa từ Thượng viện Mỹ. Ảnh: AFP. |
Tại đây, CEO của Facebook sẽ phải trả lời thành thật bất kỳ câu hỏi nào về sự cố để lộ 87 triệu dữ liệu người dùng, liên quan đến Cambridge Analytica. Người điều hành mạng xã hội lớn nhất hành tinh sẽ còn phải trải qua thêm một cuộc điều trần vào 22h đêm nay tại Hạ viện Mỹ.
"Trong một giờ, tôi sẽ đối mặt trước Thượng viện về việc Facebook nên có cái nhìn rộng hơn về trách nhiệm - không chỉ để xây dựng các công cụ, mà còn để đảm bảo chúng được sử dụng tốt. Tôi sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để Facebook trở thành một nơi mà mọi người có thể ở gần hơn với những ai họ quan tâm, và đảm bảo đó là một thế lực tích cực trên thế giới", CEO Facebook viết trên trang cá nhân trước khi "lâm trận".
Thực tế, phiên điều trần đã kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ, bao gồm hàng loạt câu hỏi từ lớn đến nhỏ của các Thượng nghị sĩ, dưới đây là những phần hỏi-đáp quan trọng nhất:
Mark Zuckerberg: Facebook lưu trữ mọi thứ
Trước câu hỏi từ Thượng viện, Mark Zuckerberg cho rằng Facebook chia nội dung làm hai loại: nội dung người dùng tự ý đăng tải, chia sẻ, và một loại còn lại là họ hoàn toàn có thể kiểm soát. Loại "kiểm soát" nghĩa là dữ liệu liên quan tới các ứng dụng và quảng cáo.
"Các anh (Facebook) lưu trữ bao nhiêu dữ liệu? Lưu tất cả những gì chúng tôi nhấp vào sao? Nó có bị lưu trữ ở đâu khác không? , Thượng nghị sĩ Fischer hỏi xoáy.
Mark Zuckerberg thừa nhận: "Đúng, chúng tôi lưu trữ dữ liệu".
Thượng nghị sĩ Hassan cho rằng mình đã nghe Mark và Facebook xin lỗi quá nhiều lần, nhưng mọi chuyện vẫn cứ lặp lại. Ông này quan tâm việc Facebook không có một khoản đầu tư nghiêm túc nào cho việc bảo vệ những dữ liệu mong manh này.
Đáp lại câu hỏi trên, Mark cho rằng vụ việc lần này đã làm công ty cảm thấy tổn thương nặng nề. Việc cần làm bây giờ là xây dựng lại lòng tin của mọi người với Facebook.
Không đọc rõ nhưng vẫn bán thông tin
Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal đưa ra tấm bảng chứa hàng loạt điều khoản dịch vụ mà Aleksandr Kogan, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cambridge đã sử dụng để châm ngòi cho scandal của Facebook. Trong đó, có chi tiết "Facebook đã được thông báo về việc Kogan có thể bán thông tin có được từ Facebook".
"Các ông có đọc thỏa thuận này chưa?", ông Richard Blumenthal chất vấn.
CEO của Facebook thật thà: "tôi không đọc hết". Vậy việc ông Zuckerberg nói "không biết" như vậy có mâu thuẫn với "điều khoản dịch vụ" mà Facebook đưa ra hay không? - ông Richard Blumenthal truy thêm.
Thượng nghị sĩ này cho rằng Facebook đã "cố ý nhắm mắt cho qua" khi thấy Kogan đã vi phạm điều khoản của mình. "Ông Zuckerberg và Facebook đã tối ưu hóa lợi nhuận từ chính vấn đề bảo mật này", ông Richard Blumenthal khẳng định.
"Chúng tôi đã tạo ra hệ thống chưa tốt"
"Làm thế nào 87 triệu người dùng Facebook bị chia sẻ thông tin cá nhân trong khi chỉ có 300.000 tài khoản tự nguyện chia sẻ thông tin", Thượng nghị sĩ Jerry Moran hỏi.
Mark Zuckerberg đáp: "Quan điểm của Facebook là chúng tôi không vi phạm thỏa thuận ấy. Ứng dụng này chỉ hoạt động dựa trên những gì chúng tôi đã thiết kế, vấn đề là chúng tôi đã làm hệ thống này chưa tốt".
"Facebook không sản xuất nội dung nào cả" - CEO của Facebook trả lời câu hỏi của Thượng nghị sĩ Dan Sullivan về việc Facebook "là công ty công nghệ hay là một publisher khổng lồ".
Mark Zuckerberg khẳng định điều quan trọng nhất lúc này là đảm bảo không thế lực nào dùng Facebook để can thiệp cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.
Hình ảnh và thông tin của người dùng có bị sử dụng?
Thượng nghị sĩ Richard J. Durbin hỏi ông Zuckerberg "liệu ông có thoải mái chia sẻ tên của khách sạn ông ta ở lại đêm trước, hay liệu ông có thoải mái chia sẻ tên của những người mà ông đã nhắn tin trong tuần này".
"Không. Tôi có lẽ sẽ không chọn làm điều đó công khai ở đây, "ông Zuckerberg nói.
Ông Durbin nói: "Tôi nghĩ rằng đó là tất cả những gì có thể làm được. Quyền riêng tư của các ông. Các giới hạn về quyền riêng tư của các ông. Và bao nhiêu dữ liệu của nước Mỹ hiện đại như tên, câu trích dẫn, các kết nối mọi người trên thế giới đã bị các ông bán đứng".
Tập tài liệu dày trăm trang mà Mark Zuckerberg mang theo để "đỡ đòn". Ảnh: AP. |
"Apple cũng chẳng tử tế hơn so với Facebook"
Theo bức ảnh từ AP, ghi chú gần trăm trang của Mark Zuckerberg thừa nhận ông đã mắc sai lầm và Facebook đang phải đối mặt với một "thách thức lớn", nhưng cũng sẽ giải quyết vấn đề này.
Trong tập tài liệu này, Mark Zuckerberg cũng có sẵn các phần trả lời các câu hỏi về sự riêng tư, sự can thiệp bầu cử và các vấn đề về "sự đa dạng", "cạnh tranh", các quy tắc về bảo mật dữ liệu của châu Âu có hiệu lực vào tháng tới.
Tài liệu này thậm chí còn nhắc đến Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple gần đây đã chỉ trích Facebook. Trong đó nhấn mạnh "có rất nhiều câu chuyện về các ứng dụng lạm dụng dữ liệu của Apple, nhưng chẳng bao giờ Apple thông báo điều đó cho mọi người".
Các nhà quảng cáo chính trị bị buộc công khai danh tính
Zuckerberg đã trả lời câu hỏi của Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse, một nhà dân chủ ở đảo Rhode, rằng "làm thế nào công ty có thể xác minh người hưởng lợi thực sự của một trang web đưa ra các tài liệu chính trị".
Mark Zuckerberg nói rằng công ty "không nhất thiết phải biết nếu ai đó thành lập một doanh nghiệp chuyên chạy các đoạn quảng cáo phục vụ mục đích chính trị ở Mỹ".
Tuy nhiên, Facebook vẫn sẽ có cách để quản lý vấn đề này. Các nhà "làm chính trị trên Facebook' sẽ phải công khai họ là ai, kèm địa chỉ thực. Facebook sẽ xác minh điều này bằng cách yêu cầu chứng minh nhân dân do chính phủ cấp, và gửi một mã đặc biệt tới tận nhà để xác minh.
Điều này đồng nghĩa những công ty kiểu Cambridge Analytica sẽ phải kê khai chặt chẽ hơn với Facebook, và những quảng cáo chính trị về sau sẽ được Facebook cẩn trọng xét duyệt.
Mark Zuckerberg đã khổ luyện nhiều ngày qua để đối mặt với các nghị sĩ Mỹ. Ảnh: Getty. |
Zuckerberg bị cười khi nói về độc quyền
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham chất vấn: "Ai là đối thủ lớn nhất của bạn?", CEO Facebook đã phải vật lộn để trả lời câu hỏi, và gọi tên Google, Apple, Amazon hay Microsoft đều là đối thủ lớn nhất của Facebook theo những cách khác nhau.
"Nếu tôi mua Ford, và nó không hoạt động tốt, tôi không thích nó, tôi có thể mua Chevrolet. Nếu tôi buồn với Facebook, sản phẩm tương đương tôi có thể đăng ký là gì?", ông Graham hỏi.
"Tôi không nói về các loại. Tôi đang nói về sự cạnh tranh thực sự mà bạn phải đối mặt. Bởi vì các công ty ôtô phải đối mặt với rất nhiều cạnh tranh. Họ làm một chiếc xe bị lỗi, tin tức lan khắp thế giới, mọi người ngừng mua xe đó, họ mua một chiếc khác. Vậy có lựa chọn nào thay thế Facebook hay không?", Thượng nghị sĩ Lindsey Graham bồi thêm.
Zuckerberg đã trả lời "dài dòng" về cách "người Mỹ trung bình sử dụng tám ứng dụng khác nhau" để kết nối với bạn bè của họ, cố gắng làm cho Facebook trở thành một trong nhiều ứng dụng đó.
Không lâu sau, Graham đã cắt lời và hỏi Zuckerberg nghĩ sao nếu Facebook bị cho là một nhà độc quyền.
"Chắc chắn tôi không cảm thấy thế," Zuckerberg đáp. Hội trường rộ lên một vài tiếng cười sau câu trả lời của Mark Zuckerberg.
Facebook có thể ra phiên bản trả phí
Nhiều thượng nghị sĩ đã hỏi Zuckerberg liệu có thể xem xét một phiên bản trả tiền, không có quảng cáo của Facebook trong tương lai. Tức người dùng có thể trả tiền để sử dụng Facebook và không còn bị biến thành "món hàng" để tạo ra lợi nhuận cho nền tảng này.
CEO của Facebook khẳng định với nghị sĩ Orrin Hatch rằng sẽ luôn có một phiên bản miễn phí của Facebook, và lựa chọn trả phí đang được mạng xã hội này cân nhắc.