Ngày 2/5, Cambridge Analytica, hãng phân tích marketing của Anh, tuyên bố đóng cửa và sẽ nộp đơn xin phá sản ở Anh và Mỹ sau khi không thể khôi phục được từ vụ bê bối dữ liệu Facebook.
Quyết định này được đưa ra sau nhiều tuần hứng chịu áp lực mạnh mẽ trước những cáo buộc nổi lên rằng họ có thể đã chiếm trái phép dữ liệu của tới 87 triệu người dùng Facebook.
Công ty từng được đội ngũ thực hiện chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump thuê khẳng định mình bị "phỉ báng" bởi "nhiều cáo buộc vô căn cứ" nhằm vào hoạt động kinh doanh và "không còn lựa chọn nào khác" ngoài đóng cửa.
Alexander Nix, CEO của Cambridge Analytica, bị đình chỉ chức vụ sau khi một số đoạn băng quay lén công bố hôm 20/3 cho thấy ông nói về việc hối lộ, đặt bẫy các chính trị gia và bí mật điều khiển các cuộc bầu cử trên toàn thế giới. Ảnh: Getty. |
"Bất chấp niềm tin vững chắc của Cambridge Analytica rằng các nhân viên đã hành động một cách hợp pháp và có đạo đức, sự bủa vây của truyền thông đã khiến cho hầu như tất cả khách hàng và nhà cung cấp của công ty rời đi", AFP trích tuyên bố của công ty. "Kết quả, công ty xác định rằng không còn khả năng tiếp tục hoạt động kinh doanh".
Là một công ty con của SCL Elections, Cambridge Analytica có văn phòng tại London, New York, Washington, cũng như ở Brazil và Malaysia.
Lần đầu tiên Cambridge Analytica dính vào bê bối là hồi tháng 3 khi Christopher Wylie, cựu nhân viên 28 tuổi của công ty, cho biết họ đã tạo ra hồ sơ tâm lý cho hàng chục triệu người dùng Facebook thông qua một ứng dụng dự đoán tính cách.
Những tiết lộ mới ngay lập tức lan khắp thế giới, xóa sạch hàng tỷ USD từ giá trị thị trường khổng lồ của mạng xã hội, khiến các chính trị gia và các nhà quản lý từ cả hai phía Đại Tây Dương phải xem xét kỹ lưỡng.
Giám đốc điều hành Alexander Nix của Cambridge Analytica đã bị đình chỉ hoạt động trong vòng vài ngày sau khi ông bị các phóng viên bí mật quay phim khoe khoang về cách giành được các chiến dịch chính trị, thậm chí thông qua tống tiền và những cách thức "nhạy cảm".
Mark Zuckerberg điều trần trước quốc hội Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Khi quy mô cuộc khủng hoảng lớn dần, nhà sáng lập của Facebook là Mark Zuckerberg đã buộc phải xin lỗi hàng tỷ người dùng. Zuckerberg còn phải ra điều trần hai ngày trước quốc hội Mỹ và tuyên bố sẽ đại tu cách Facebook chia sẻ dữ liệu của người dùng.
Tại Anh, các nhà quản lý đã tổ chức một cuộc điều tra nhằm vào Cambridge Analytica, đột kích các văn phòng của công ty này ở London, sau đó mở rộng cuộc điều tra cho 30 tổ chức, bao gồm cả Facebook.
Một người tố giác khác từ công ty cũng xuất hiện tại phiên điều trần trước quốc hội Mỹ hồi tháng 4 cho rằng dữ liệu cá nhân của người Anh có thể đã bị lạm dụng bởi một chiến dịch ủng hộ Brexit trước cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.
Đầu tháng này, Facebook thừa nhận rằng có tới 87 triệu người dùng có thể đã bị thu thập dữ liệu trái phép.