Gọi Trung Quốc là “mối đe dọa phản gián nghiêm trọng nhất mà đất nước chúng ta đang phải đối mặt”, một quan chức cấp cao của Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nói với các nghị sĩ rằng Chính phủ, cùng cộng đồng doanh nghiệp và học giả Mỹ, cần áp dụng cách tiếp cận toàn diện hơn trước các nỗ lực gián điệp thương mại của Bắc Kinh.
Phát biểu trong phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện ở Washington, Bill Priestap nhấn mạnh: “Đừng phạm sai lầm”.
Trợ lý giám đốc bộ phận phản gián của FBI cho rằng Trung Quốc đang tự coi mình là mô hình mới của thế giới, đang tìm cách làm suy yếu “trật tự tự do và cởi mở mà Mỹ đã góp phần thiết lập sau Thế chiến II”.
Mối đe dọa an ninh mạng
Priestap, người sẽ nghỉ hưu vào cuối năm, cảnh báo rằng Mỹ chưa nỗ lực để đối phó với gián điệp Trung Quốc.
Bill Priestap, trợ lý giám đốc bộ phận phản gián của FBI, điều trân trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ. Ảnh: Getty. |
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp đảng Cộng hòa Chuck Grassley nhận định “sự kích động của truyền thông trong các vấn đề về Nga” đã đánh lạc hướng sự chú ý khỏi “mối đe dọa lớn hơn, hiện hữu hơn”. Đó là tham vọng của Trung Quốc nhằm vượt qua Mỹ để trở thành siêu cường số một thế giới.
Phát biểu trước Ủy ban Tình báo Thượng viện ngày 11/12, Giám đốc FBI Christopher Wray nói rằng Trung Quốc không chỉ dựa vào các tổ chức nhà nước để làm suy yếu sức mạnh quân sự, kinh tế, văn hóa và thông tin của Mỹ trên toàn cầu.
Giám đốc FBI nhìn nhận mối đe dọa không chỉ đến từ Chính phủ Trung Quốc mà còn từ toàn xã hội Trung Quốc. Ông kêu gọi “toàn xã hội” Mỹ đoàn kết để đối phó với Trung Quốc.
Đồng quan điểm, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Dan Coats cho rằng Trung Quốc đang hành động “thông minh” và “hiệu quả” khi “nhìn ra bên ngoài khu vực”.
Ông Coats cho biết nhiều cơ quan đang tiến hành "nghiên cứu chuyên sâu" để hiểu cách Trung Quốc thực hiện chương trình nghị sự toàn cầu của mình.
Phiên điều trần về “Gián điệp phi truyền thống chống lại Mỹ” diễn ra giữa các báo cáo về hoạt động của tin tặc Trung Quốc trong tuần này.
Các nhà điều tra đã đưa ra bằng chứng cho thấy Bộ An ninh Trung Quốc có thể đứng sau vụ tấn công hệ thống đặt phòng khách sạn của chuỗi Marriott Starwood, trong đó dữ liệu riêng tư của khoảng 500 triệu người đã bị tin tặc tiết lộ.
Theo các quan chức và nhà phân tích, Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa chiến lược lâu dài hàng đầu của Mỹ. Với quân đội được hiện đại hóa, Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường ảnh hưởng toàn cầu và trở thành nhà lãnh đạo thế giới về công nghệ tiên tiến “bằng mọi giá”.
Priestap cho biết một số cách thức “rõ ràng là bất hợp pháp”, như tấn công tin học và gián điệp thương mại. Một số “có vẻ hợp pháp” nhưng thực chất là lừa đảo, ví dụ như việc sử dụng các công ty bình phong.
“Cách thức rất đơn giản: cướp đoạt, sao chép và thay thế. Cướp đoạt tài sản sở hữu trí tuệ của công ty Mỹ. Mô phỏng công nghệ. Và thay thế công ty Mỹ tại thị trường Trung Quốc và một ngày đó là trên thị trường toàn cầu”, Washington Post dẫn lời Trợ lý Tổng chưởng lý John Demers.
Lợi dụng trí thức ở nước ngoài
Các nhà lập pháp cũng bày tỏ lo ngại việc Chính phủ Trung Quốc có thể gây áp lực cho các Hoa kiều được họ tài trợ để học tập và nghiên cứu tại Mỹ nhằm tiếp cận các nghiên cứu có giá trị chiến lược.
Các giám đốc an ninh Mỹ làm chứng tại phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Thượng viện về các mối đe dọa trên toàn thế giới. Ảnh: Reuters. |
Việc Trung Quốc sử dụng “Viện Khổng tử”, các tổ chức được thành lập trong các trường đại học Mỹ với sự tài trợ của Chính phủ Trung Quốc để dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, cũng thu hút sự chú ý.
Mặc dù Trung Quốc tuyên bố các viện này được Bộ Giáo dục thành lập nhưng theo James Mulvenon, một chuyên gia về Trung Quốc, thực tế chúng được Ban Công tác Mặt trận Thống nhất thành lập. Đây là một tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc chịu trách nhiệm hướng dẫn các hoạt động tuyên truyền và ảnh hưởng ở nước ngoài.
“Đó là tất cả những gì chúng ta cần biết về mục đích của Viện Khổng tử. Ban Công tác Mặt trận Thống nhất là trung tâm trong các nỗ lực ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài”, Mulvenon cho biết.
Priestap cho biết có 150 Viện Khổng tử trong các trường đại học ở Mỹ. Tuy nhiên, theo Mulvenon, đây chỉ là một phần trong áp lực rộng lớn hơn mà Trung Quốc đang đặt lên các trường đại học Mỹ.
Theo trang web của Chương trình Thiên nhân Kế hoạch của Chính phủ Trung Quốc, một nỗ lực từ năm 2008 để tuyển dụng các chuyên gia nước ngoài và chi tiền cho họ nhằm hỗ trợ hiện đại hóa Trung Quốc, hơn 300 nhà nghiên cứu của Chính phủ Mỹ đã chấp nhận khoản chi của Trung Quốc.
Mulvenon cho biết không rõ họ đã nhận được sự cho phép từ cơ quan của mình để nhận khoản tài trợ này hay chưa.