Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vệ tinh 'nhỏ như hộp bánh' giúp TQ vươn lên trong cuộc đua vũ trụ

Việc mở cửa cho các công ty tư nhân, nơi chế tạo những vệ tinh siêu nhỏ, đã giúp Bắc Kinh tăng tốc trong cuộc đua không gian với Mỹ và Liên minh châu Âu.

Cuộc đua không gian, vốn thường được biết đến với các tên lửa khổng lồ và phương tiện thám hiểm vũ trụ trị giá hàng tỷ đô-la, đang được thu nhỏ về kích thước tương đương một hộp bánh quy. Điều đó đã mở rộng cánh cửa cho các doanh nhân như Dương Phong, theo Bloomberg.

Start-up của anh Dương, Spacety, đang chế tạo các vệ tinh siêu nhỏ, sau đó đưa chúng lên quỹ đạo. Các vệ tinh siêu nhỏ này cung cấp dịch vụ Wi-Fi trên máy bay hoặc hình ảnh về những nơi xa xôi nhất trong vũ trụ với mức giá khởi điểm khoảng 16.000 USD.

“Thị trường cho vệ tinh siêu nhỏ là rất lớn”, anh Dương, giám đốc điều hành 36 tuổi, cho biết. Anh chỉ vào một vệ tinh siêu nhỏ đặt trên bàn làm việc và nói: “Tôi muốn phóng vệ tinh lên quỹ đạo rất thấp của Trái Đất, lĩnh vực mà các doanh nghiệp nhà nước quá lớn để tiếp cận”.

Dùng tư nhân để cạnh tranh với Mỹ

Trung Quốc đang chủ tâm mở cửa chương trình không gian đầy tham vọng và bí ẩn cho các doanh nghiệp tư nhân. Điều đó dẫn đến sự ra đời của các công ty không gian tư nhân gồm One Space Technology và Landspace Technology để cạnh tranh với những nỗ lực của tỷ phú Elon Musk và Jeff Bezos tại Mỹ.

Cuoc dua khong gian My - Trung anh 1
Các công ty Trung Quốc đang tích cực cạnh tranh với Mỹ, Nhật Bản và Đức trong lĩnh vực vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ. Ảnh: SCMP. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ ít được biết đến hơn cũng nở rộ. Họ chế tạo các vệ tinh có trọng lượng chỉ 1,4 kg để lắp lên các tên lửa của One Space và Landspace. Các công ty tư nhân gồm Spacety, Công ty Công nghệ và Khoa học Không gian Chu Hải, Công ty Công nghệ Internet không gian Thiên hà Bắc Kinh thường xuyên phóng các thiết bị chụp ảnh và thu thập dữ liệu lên quỹ đạo.

Các công ty tư nhân Trung Quốc đang tích cực tranh giành thị phần trong ngành công nghiệp vệ tinh toàn cầu trị giá 269 tỷ USD. Những nỗ lực đó đang thu hút nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm của Lenovo, Xiaomi khi Trung Quốc bắt đầu thách thức các nhà sản xuất vệ tinh siêu nhỏ của Mỹ, Nhật Bản và Đức.

“Nếu Trung Quốc có thể đưa năng lực công nghiệp của họ vào các vệ tinh siêu nhỏ, tương tự cách họ đã làm với thiết bị điện tử tiêu dùng toàn cầu, họ có thể trở thành nhà sản xuất vệ tinh nhỏ thống trị thế giới trong vài năm tới”, theo John Holst, nhà phân tích thuộc Quỹ Không gian, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Colorado Springs, bang Colorado, Mỹ.

Cùng với việc chính phủ Trung Quốc giải phóng nhiều không gian hơn, một số tập đoàn lớn ở nước này đã nhảy vào thị trường đầy tiềm năng.

Tập đoàn Alibaba đang sở hữu một vệ tinh nhỏ do Công ty Commsat Technology Development có trụ sở tại Bắc Kinh chế tạo. Thiết bị này giúp Alibaba quảng bá thúc đẩy hoạt động bán hàng với doanh số hàng tỷ đô-la trong Ngày Độc thân tại Trung Quốc (11/11).

Tencent Holdings đang đầu tư vào Satellogic, một start-up có văn phòng tại San Francisco, Mỹ. Họ muốn xây dựng mạng lưới vệ tinh cung cấp hình ảnh độ phân giải cao.

Quân đội và chính phủ vẫn thống trị chương trình không gian của Trung Quốc, với ngân sách hàng năm khoảng 8 tỷ USD, chỉ đứng sau Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Bắc Kinh đang lên kế hoạch khám phá Mặt Trăng, Sao Hỏa và xây dựng trạm không gian riêng cho phi hành gia.

Chủ tịch Tập Cận Bình cho phép tư nhân tham gia vào lĩnh vực không gian vũ trụ từ năm 2014, nhằm thúc đẩy sự phát triển các công nghệ cao có thể sản xuất thiết bị bán dẫn tinh vi, trí tuệ nhân tạo (AI) và các vệ tinh siêu nhỏ.

Khoảng cách dần thu hẹp

Khoảng 60 công ty Trung Quốc đang tham gia vào ngành công nghiệp vũ trụ thương mại, theo Blaine Curcio, người sáng lập công ty tư vấn Orbital Gateway có trụ sở tại Hong Kong.

"Về thiết kế và sản xuất, vệ tinh Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), nhưng điều này cũng đang thay đổi tương đối nhanh chóng", ông Curcio nói.

Cuoc dua khong gian My - Trung anh 2
Trung Quốc đang nỗ lực để bắt kịp Mỹ trong cuộc đua không gian. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Theo anh Dương Phong, Mỹ có các công ty tốt hơn, nhưng tương lai chưa thể nói trước vì những công ty như của anh mới chỉ hoạt động trong lĩnh vực này 3 năm. Spacety, start-up được định giá 100 triệu USD, đã phóng 10 vệ tinh nhỏ từ năm 2016 cho các khách hàng.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Vệ tinh có trụ sở tại Washington, sản xuất vệ tinh năm 2017 đã tạo ra 15,5 tỷ USD doanh thu toàn cầu, tăng 10% so với năm 2016. Các dịch vụ vệ tinh như viễn thông, quan sát Trái Đất và nghiên cứu khoa học mang lại gần 129 tỷ USD.

Những dịch vụ này rất cần thiết cho người dùng Internet, điện thoại thông minh và lái xe điện, sắp tới sẽ là thị trường du lịch hàng không.

Chính phủ vẫn sẽ duy trì quyền kiểm soát ở những khu vực mà họ cho là nhạy cảm trong không gian. Theo ông Curcio, điều này có thể kìm hãm sự phát triển của những công ty khởi nghiệp trong tương lai.

Tuy vậy, vùng quỹ đạo thấp, tức ở tầng khí quyển cách mặt đất 80-2.000 km, vẫn còn nhiều cơ hội cho các start-up trong lĩnh vực không gian. Công ty Công nghệ Internet không gian Thiên hà Bắc Kinh đang tham vọng muốn phóng hàng trăm vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo để phủ sóng 5G trên toàn cầu.

Công ty Công nghệ Không gian China Head có trụ sở tại Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng hệ thống có tên Skywalker gồm 48 vệ tinh cung cấp ứng dụng vận chuyển, theo dõi động đất và thu thập hình ảnh.

Tuy vậy, giới phân tích lo ngại việc có quá nhiều vệ tinh trên không gian cũng đặt ra thách thức lớn trong vấn đề rác vũ trụ và nhiều vấn đề khác.

'7 phút kinh hoàng' khi tàu vũ trụ NASA hạ cánh xuống sao Hỏa

Sau 6 tháng du hành ngoài không gian, robot thám hiểm InSight đã hạ cánh thành công xuống bề mặt sao Hỏa trong sự hồi hộp theo dõi của các nhà khoa học NASA.

Sao chổi sáng nhất năm 2018 sẽ tiến gần Trái Đất vào cuối tuần này

Bầu trời đêm sẽ trở nên sống động vào cuối tuần này khi một sao chổi màu xanh lá cây quệt qua Trái Đất, cùng tạo nên màn trình diễn với mưa sao băng Geminids.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm