Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ lo căn cứ duy nhất tại châu Phi bị Trung Quốc bóp nghẹt

Washington đang lo ngại hoạt động quân sự của lực lượng Mỹ tại châu Phi sẽ bị Trung Quốc "bóp nghẹt" nếu Bắc Kinh kiểm soát thành công cảng yết hầu Doraleh ở Djibouti.

Khi công bố chiến lược mới của Washington tại châu Phi hôm 13/12, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đề cập tới một địa điểm tưởng như vô danh: cảng hàng hóa Doraleh nằm bên bờ biển phía đông của quốc gia nhỏ bé Djibouti.

Với nhiệm vụ cung cấp hàng hóa tiếp tế cho căn cứ quân sự thường trực duy nhất của Mỹ tại châu Phi là Lemonnier, cảng Doraleh đóng vai trò sống còn với hoạt động của Mỹ tại khu vực.

Quốc gia nhỏ, vai trò lớn

Djibouti có diện tích chỉ tương đương bang New Jersey của Mỹ, trong khi dân số chưa đầy 1 triệu người. Mặc dù khiêm tốn về quy mô, đất nước châu Phi lại có ảnh hưởng đáng kể do nằm ở vị trí chiến lược quan trọng phía nam Biển Đỏ.

Djibouti nằm ngay bên bờ tuyến hàng hải nối giữa châu Á và kênh đào Suez. Theo ước tính, khoảng 4,8 triệu thùng dầu được vận chuyển mỗi ngày qua eo biển Bab el Mandeb tiếp giáp lãnh hải Djibouti.

can cu quan su My tai chau phi anh 1
Lemonnier là căn cứ quân sự thường trực duy nhất của Mỹ ở châu Phi. Ảnh: SCMP.

Từ Djibouti, lực lượng Mỹ có thể dễ dàng triển khai các chiến dịch quân sự tại những quốc gia vốn được coi là "thiên đường của khủng bố" như Somalia và Yemen. Thực tế từ sau sự kiện 11/9, căn cứ Lemonnier, nơi từng là một căn cứ quân sự cũ của Pháp, đã trở thành căn cứ viễn chinh cho phép quân đội Mỹ tiến hành hàng loạt hoạt động chống khủng bố.

Lemonnier nằm trên tuyến đường giao thông chính cùng với sân bay quốc tế duy nhất của Djibouti. Khoảng 2.800-4.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại căn cứ cùng nhiều khí tài quân sự tối tân để phục vụ các chiến dịch quân sự tại Trung Đông và châu Phi.

Báo cáo của quân đội cho biết các lực lượng Mỹ đã tiêu diệt 254 phần tử thuộc nhóm vũ trang Al Shabab tại Somalia trong năm nay sau 32 chiến dịch không kích. Thành tích này gia tăng đáng kể so với con số 150 phần tử vũ trang bị tiêu diệt cũng tại Somalia trong năm 2017.

Djibouti cũng nằm đối diện với Yemen qua eo biển Bab el Mandeb. Từ Lemonnier, quân đội Mỹ thường xuyên cung cấp hỗ trợ cho liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu trong cuộc chiến với nhóm Houthi, lực lượng vũ trang được Iran hậu thuẫn, tại Yemen 3 năm qua.

Hồi tháng 10, quân đội Mỹ công bố hợp đồng trị giá 240 triệu USD nhằm mở rộng cơ sở vật chất tại căn cứ Lemonnier, nhằm hỗ trợ hoạt động của các máy bay chở hàng thuộc hạng lớn nhất trong biên chế không quân. Khoản giải ngân này là một phần trong kế hoạch 1,4 tỷ USD được Lầu Năm Góc công bố từ năm 2012.

Trung Quốc thâu tóm cảng yết hầu?

Trong khi Mỹ và nhiều quốc gia có lợi ích quân sự mật thiết tại Djibouti, Trung Quốc cũng không đứng ngoài cuộc chơi.

Vài năm trở lại đây, Bắc Kinh đã triển khai nhiều dự án đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng quốc gia Đông Phi này. Những khoản chi "hào phóng" đó có thể biến Djibouti trở thành một trọng điểm trong sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc.

Từ năm 2014, nợ nước ngoài của Djibouti đã tăng nhanh và các chuyên gia nhận định phần nhiều trong đó là vay từ Trung Quốc. Năm 2017, Trung Quốc lập căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên của mình và địa điểm chính là Djibouti. Vị trí căn cứ quân sự của Trung Quốc nằm không xa cảng Doraleh, địa điểm có vị trí nhạy cảm quan trọng với hoạt động của quân đội Mỹ.

can cu quan su My tai chau phi anh 2
Trung Quốc lập căn cứ quân sự tại Djibouti từ năm 2017. Ảnh: AFP.

Nhiều quan ngại về hoạt động của Trung Quốc đã được nêu ra trước đây, như cáo buộc binh sĩ Trung Quốc dùng đèn laser cản trở hoạt động của các phi công Mỹ. Tuy nhiên, mối lo lớn nhất hiện nay của giới chức Washington là về cảng hàng hóa Doraleh, cơ sở từng thuộc sở hữu của một công ty nước ngoài, nhưng nay đã bị chính phủ Djibouti kiểm soát.

Cảng hàng hóa Doraleh được xây dựng bởi DP World, một công ty xây dựng liên doanh giữa Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Djibouti. Hồi tháng 2, chính phủ Djibouti tuyên bố hủy bỏ hợp đồng với DP World, sau đó quốc hữu hóa cảng hàng hóa Doraleh vào tháng 9.

Một thương nhân Djibouti tên Abdourahman Boreh là người đóng vai trò quan trọng trong thỏa thuận xây dựng cảng hàng hóa Doraleh. Người này sau đó bị chính phủ Djibouti cáo buộc đã nhận hối lộ của DP World để giúp công ty của UAE giành được một hợp đồng có lợi, nhưng lại bất bình đẳng cho quốc gia châu Phi.

"Chúng tôi phát hiện ra có những điều khoản bất công trong hợp đồng, chúng tôi kết luận rằng hợp đồng đã được ký không dựa trên cơ sở thiện chí", Đại sứ Djibouti tại Mỹ Mohamed Siad Douale cho biết. Ông Douale cáo buộc DP World đã chuyển hướng lưu thông hàng hóa khỏi Djibouti, đồng thời cung cấp một tài liệu nội bộ cho thấy lưu lượng hàng hóa tới Djibouti tăng 33% sau khi hợp đồng với DP World bị hủy bỏ.

Năm 2016, tòa trọng tài quốc tế tại Anh tuyên bố ông Boreh trong sạch trước các cáo buộc sai phạm. Tuy vậy, ông này từ chối phát biểu về vai trò của mình với hợp đồng xây dựng cảng hàng hóa Doraleh.

Tháng 9 vừa qua, tòa án tối cao tại London đưa ra lệnh trừng phạt Djibouti, dựa trên phán quyết của tòa trọng tài quốc tế, do tranh chấp với DP World. Tuy nhiên, chính phủ Djibouti phớt lờ quyết định này.

can cu quan su My tai chau phi anh 3
Cảng hàng hóa Doraleh tại Djibouti. Ảnh: Tân Hoa xã.

"Chúng tôi không công nhận phát quyết của tòa trọng tài liên quan tới DP World bởi đây là phán quyết không công bằng", ông Douale nói. Ông này cũng bác bỏ thông tin cho rằng Djibouti sẽ chuyển giao quyền kiểm soát cảng hàng hóa Doraleh cho Trung Quốc.

"Djibouti là quốc gia có chủ quyền, chúng tôi kiểm soát các cảng của mình. Mục tiêu duy nhất của chúng tôi là xây dựng tương lai kinh tế phục vụ nhân dân", đại sứ Djibouti tại Mỹ tuyên bố.

Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ không tin lời tuyên bố của đại diện quốc gia châu Phi. "Chính phủ Djibouti đã nợ Trung Quốc ngập đầu ngập cổ", ông Reuben Brigety, cựu đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Phi, nhận định.

Ông Brigety cho rằng khoản nợ khổng lồ này có thể bị Bắc Kinh sử dụng để ép buộc chính phủ Djibouti chuyển giao quyền kiểm soát cảng hàng hóa Doraleh cho một công ty Trung Quốc trong 6 tháng tới. "Cuối cùng, Trung Quốc sẽ sử dụng vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng đó để cản trở hoạt động quân sự của Mỹ".

Quan ngại từ Washington

Việc chuyển giao quyền quản lý cảng Doraleh sẽ không chỉ giúp Trung Quốc ngăn cản hoạt động của căn cứ Lemonnier mà còn gây ra nhiều hệ lụy kinh tế khác cho khu vực này. Cảng Doraleh là điểm quá cảnh hàng hóa lớn tới Ethiopia, quốc gia đông dân thứ hai châu Phi.

"Chính quyền Mỹ cứ như đang mơ ngủ khi tất cả những biến chuyển này diễn ra", ông Brigety phát biểu hồi tháng 11 trước khi chính quyền Tổng thống Trump công bố chiến lược mới của Mỹ về châu Phi.

Tháng trước, hai thượng nghị sĩ Chris Coons và Marco Rubio gửi thư tới Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, nêu lên quan ngại về tình hình tại cảng Doraleh. "Việc kiểm soát cảng Doraleh sẽ cho phép Trung Quốc cản trở mọi hoạt động quân sự của Mỹ tại vùng Sừng châu Phi", bức thư có đoạn.

can cu quan su My tai chau phi anh 4
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Mac Thornberry nêu quan ngại về việc Trung Quốc có thể thâu tóm cảng Dolareh. Ảnh: Examiner.

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Mac Thornberry cũng lên tiếng về vấn đề này. "Những người tin rằng Trung Quốc chỉ quan tâm tới vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đều không để ý tới bằng chứng rành rành tại châu Phi cũng như những khu vực khác", ông Thornberry phát biểu sau chuyến công du tới Đông Phi, trong đó có dừng chân ở Djibouti.

"Ông Thornberry không hề nói quá về những lo lắng đối với vấn đề này (cảng Doraleh)", Claude Chafin, giám đốc truyền thông Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, sau đó xác nhận.

Trong chiến lược châu Phi mới được Washington công bố, trụ cột đầu tiên được chính quyền Trump ưu tiên là thúc đẩy quan hệ thương mại và trao đổi hàng hóa dịch vụ giữa Mỹ và châu Phi.

Tại Djibouti, tăng cường đầu tư có thể giúp cải thiện ảnh hưởng của Mỹ, nhưng Bắc Kinh hiện dẫn trước Washington khi đã đổ hàng tỷ đô-la vào quốc gia châu Phi này.

"Giống như một cuộc đấu cờ vua, người ta có thể thấy nước chiếu tướng từ trước cả 5 bước, và nếu Mỹ không có hành động để sớm đảo ngược thế cờ, lợi ích của chúng ta sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng", ông Brigety quan ngại.

Trung Quốc 'phô trương lực lượng' ở căn cứ hải ngoại Trung Quốc lần đầu diễn tập bắn đạn thật tại căn cứ quân sự ở Djibouti hôm 22/9, động thái được cho là nhằm "phô trương lực lượng".

Cố vấn 'diều hâu' Mỹ tuyên bố đối trọng Nga, Trung Quốc ở châu Phi

Cố vấn an ninh của ông Trump tuyên bố việc đối phó với sức ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Nga và Trung Quốc tại châu Phi có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Ngoại giao limousine trong loạt công du của ông Tập

Nhà lãnh đạo Trung Quốc sử dụng siêu xe limousine Hồng Kỳ do nước mình sản xuất khi công du trong khu vực vừa nhằm quảng bá công nghiệp ôtô, vừa gửi đi thông điệp về vị thế.

Duy Anh (theo Washington Post)

Bạn có thể quan tâm