Không tiếp tục “truyền thống” sử dụng xe của nước chủ nhà khi lãnh đạo công du, Trung Quốc mang đến diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm nay hai chiếc Hồng Kỳ N501 được nâng cấp dành riêng cho ông Tập Cận Bình.
Những chiếc xe này được chuyển đến Papua New Guinea bằng máy bay Boeing 747 của hãng hàng không Air China.
Sau khi chuyên cơ của ông Tập hạ cánh tại Port Moresby, đoàn xe hộ tống cùng hai chiếc siêu xe di chuyển đến khách sạn Stanley ở trung tâm thủ đô qua một cao tốc được Trung Quốc rót vốn nâng cấp, sau đó rẽ qua đại lộ được treo đầy cờ Trung Quốc và nước chủ nhà Papua New Guinea.
Limousine Trung Quốc tiếp tục xuất hiện trong các chuyến công du của ông Tập ở Brunei và Philippines sau đó.
Đoàn xe của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rời sân bay tại Port Moresby, Papua New Guinea, ngày 16/11. Ảnh: Reuters. |
Màn tái xuất của Hồng Kỳ
Dòng siêu xe của Trung Quốc được Tập đoàn sản xuất ôtô số 1 (FAW) cho ra mắt vào năm 1958.
Kể từ đó, các đời xe Hồng Kỳ được chọn làm phương tiện di chuyển chính thức cho nhiều quan chức cấp cao của Trung Quốc và những chuyến viếng thăm của lãnh đạo các nước. Trong chuyến viếng thăm lịch sử tại Bắc Kinh năm 1972, cựu tổng thống Mỹ Richard Nixon và cựu chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã cùng ngồi trên một chiếc limousine Hồng Kỳ.
Tuy nhiên, kể từ thập niên 1990, giới lãnh đạo Trung Quốc không còn ưu ái dòng xe này mà chuyển sang sử dụng các siêu xe nhập khẩu.
Theo South China Morning Post, màn tái xuất của chiếc Hồng Kỳ được đánh giá là động thái quảng bá hình ảnh thương hiệu xe của Trung Quốc trên trường quốc tế. Điều này cũng phù hợp với chủ trương được ông Tập đặt ra từ năm 2012, đề nghị các quan chức Trung Quốc ưu tiên sử dụng xe nội địa.
Bên cạnh đó, giới quan sát còn cho rằng ông Tập chọn thương hiệu xe nội địa cho chuyến công du nhằm gửi đi thông điệp ngoại giao, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang thách thức vị thế của Mỹ tại khu vực.
Cùng với sự vắng mặt của ông Trump tại APEC năm nay, chiếc siêu xe Cadillac “Quái thú” của tổng thống Mỹ cũng vắng bóng. Hội nghị cấp cao tại Papua New Guinea trở thành sân khấu để chiếc Hồng Kỳ thu hút sự chú ý tại một sự kiện mang tầm cỡ quốc tế.
“Động thái này cho thấy xe của Trung Quốc cũng có thể được sử dụng cho các sự kiện quan trọng với hình ảnh quốc gia. Phía Mỹ mang theo xe riêng do không tin tưởng mức độ an ninh của nước chủ nhà. Tuy nhiên, tôi nghĩ không phải vì lý do này mà Trung Quốc sử dụng chiếc Hồng Kỳ”, Su Hao, chuyên gia tại Đại học Đối ngoại Trung Quốc, nhận định.
Chiếc Hồng Kỳ N501 được ông Tập Cận Bình sử dụng trong chuyến công du tại châu Phi vào tháng 7. Ảnh: The Drive. |
"Truyền thống" dùng xe nước chủ nhà
Theo ông Lu Peixin, cựu vụ trưởng Vụ lễ tân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước này thường đề nghị nước chủ nhà hỗ trợ xe có trang bị giáp chống đạn khi lãnh đạo cấp cao viếng thăm.
Trong trường hợp nước chủ nhà không có xe đặc dụng cho các chuyến thăm cấp nhà nước, Trung Quốc sẽ yêu cầu họ sử dụng phương tiện tốt nhất và an toàn nhất có thể, phù hợp với tính chất một chuyến thăm chính thức, theo Legal Evening News.
Trong những lần ông Tập Cận Bình đến Mỹ vào năm 2012, 2013 và 2015, ông sử dụng xe Cadillac của nước chủ nhà – dòng xe biểu tượng của hãng sản xuất ôtô Mỹ General Motors. Khi thăm Pháp vào năm 2014, ông Tập ngồi xe Citroen C6 do Pháp sản xuất.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc còn ngồi cùng nữ hoàng Anh Elizabeth II trên chiếc xe ngựa kéo Gold State trong chuyến thăm cấp nhà nước vào năm 2015. Chiếc xe đã được Hoàng gia Anh sử dụng từ lễ đăng cơ của vua George IV vào năm 1821.
Ông Tập Cận Bình ngồi cùng nữ hoàng Anh Elizabeth II trên xe ngựa hoàng gia trong chuyến thăm năm 2015. Ảnh: Reuters. |
Trước APEC 2018, lần đầu tiên ông Tập Cận Bình không sử dụng xe của nước chủ nhà là chuyến thăm New Zealand năm 2014, ngay sau thượng đỉnh G20 tại Australia. Trung Quốc thời điểm đó đã gửi đến New Zealand hai chiếc Hồng Kỳ L5.
Năm 2012, trong một bài phát biểu trước các quan chức cấp cao của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cho rằng lãnh đạo nước này chỉ nên dùng xe nội địa.
“Lãnh đạo Trung Quốc ngồi xe của nước ngoài có vẻ không phù hợp. Lãnh đạo nhiều nước đều sử dụng limousine do nước họ sản xuất, trừ trường hợp họ không có xe”, ông nói.
Sau chỉ thị của ông Tập, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị năm 2013 đã chọn xe Hồng Kỳ H7 làm phương tiện di chuyển chính thức, đồng thời bắt đầu triển khai mẫu xe này cho các đoàn xe đón tiếp lãnh đạo nước ngoài.