Thủ lĩnh tối cao IS 'chết trong cuộc đột kích' của Mỹ
Chủ nhật, 27/10/2019 11:37 (GMT+7)
11:37 27/10/2019
Các nguồn tin quân sự cho biết ông trùm tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị quân đội Mỹ tiêu diệt.
Theo CNN, Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh tổ chức khủng bố khét tiếng IS, có thể đã bị tiêu diệt trong một chiến dịch đột kích của quân đội Mỹ tại phía tây bắc Syria ngày 26/10.
Một quan chức cấp cao của quân đội Mỹ cho biết Lầu Năm Góc vẫn đang chờ xác nhận cuối cùng từ các xét nghiệm ADN và sinh trắc học.
Nguồn tin cho biết Baghdadi có thể đã tự kích nổ áo khoác gắn bom tự sát. Chiến dịch truy lùng ngày 26/10 có sự hỗ trợ định vị của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Thông tin về chiến dịch tiêu diệt Baghdadi được tiết lộ đầu tiên từ trang Newsweek. Trong khi đó, Phó thư ký Báo chí Nhà Trắng hogan Gidley cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến có "bài phát biểu quan trọng" liên quan đến chính sách đối ngoại vào lúc 9h ngày 27/10, giờ địa phương.
Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ảnh: Military Times.
Thủ lĩnh của tổ chức khủng bố khét tiếng, từng kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn từ ngoại ô thủ đô Baghdad của Iraq đến phía tây Syria, đã lẩn trốn sự truy lùng của quốc tế suốt 5 năm qua.
Tháng 4, y bất ngờ tái xuất với một đoạn video được phát tán bởi đội truyền thông của IS là al-Furquan. Đoạn video gồm hình ảnh một người đàn ông nhìn giống như Baghdadi, kêu gọi các phần tử IS tiếp tục ủng hộ tổ chức và duy trì kháng cự, sẵn sàng để "đế chế" hồi sinh.
Đó là lần đầu tiên Baghdadi được nhìn thấy kể từ tháng 7/2014, khi y có bài phát biểu về "chiến thắng" của IS tại đại thánh đường hồi giáo ở Mosul, Iraq.
Tháng 2/2018, một số quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ Baghdadi có thể trọng thương sau một vụ không kích vào tháng 5/2017. Nhân vật này trao quyền lãnh đạo IS cho thuộc cấp trong khoảng 5 tháng để điều trị.
Tổng thống Trump ra lệnh tiêu diệt
Theo Newsweek, chiến dịch truy lùng trùm khủng bố IS được phê duyệt bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump khoảng 1 tuần trước khi cuộc đột kích diễn ra.
Trong ngày 26/10, trực thăng của đặc nhiệm Mỹ bất ngờ xuất hiện tại tỉnh Idlib, phía tây bắc Syria. Đây là thành trì cuối cùng của lực lượng phiến quân chống chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad và cũng là nơi nhiều lực lượng thân IS tìm đến ẩn náu.
IS đứng sau thảm họa khủng bố liên hoàng tại thủ đô Paris tháng 11/2015, với vụ xả súng đẫm máu tại nhà hát Bataclan, làm tổng cộng 138 người thiệt mạng và hơn 400 người bị thương. Ảnh: AFP.
Quan chức cấp cao quân đội Mỹ tiết lộ những trực thăng này nằm trong chiến dịch tối mật với mục tiêu là trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi.
Vị này tiết lộ Bộ Quốc phòng đã thông báo với Nhà Trắng họ "rất tự tin" mục tiêu đắt giá đã bị tiêu diệt chính là Baghdadi. Các lực lượng đặc biệt đang tiến hành xác thực nhận dạng của đối tượng.
Theo nguồn tin Lầu Năm Góc, đặc nhiệm Mỹ đã đụng độ hỏa lực địch khi tiến vào khu nhà mục tiêu, nhưng cuộc đấu súng chỉ diễn ra chóng vánh. Baghdadi sau đó kích nổ áo khoác bom và tự sát. Nhiều thành viên gia đình của y có mặt tại khu vực. Lầu Năm Góc khẳng định không có trẻ em thương vong. Hai người vợ của Baghdadi có thể đã bị giết trong vụ nổ.
Hậu quả từ chiến tranh Iraq
Baghdadi là một giáo sĩ Hồi giáo bảo thủ cực đoan người Iraq, bắt đầu tích cực tham gia các hoạt động của phiến quân Hồi giáo tại nước này kể từ sau cuộc chiến năm 2003 do Mỹ phát động để lật đổ Tổng thống Saddam Hussein.
Ông bị lực lượng Mỹ bắt giữ và đưa về trại tập trung ở Abu Ghraib và Trại Bucca. Điều này đã vô tình tạo điều kiện để nhiều thủ lĩnh Hồi giáo cực đoan tương lai quy tụ vào cùng một nơi, tạo liên lạc và tập hợp lực lượng sau này.
Sau khi ra tù, Baghdadi gia nhập chi nhánh của khủng bố al-Qaeda tại Iraq, nhanh chóng leo lên các vị trí lãnh đạo nhóm cực đoan với những sách lược tàn nhẫn. Quyền lực của nhóm ngày càng lớn mạnh, thu nạp thêm nhiều nhóm vũ trang khác và thành lập cái gọi là Nhà nước Hồi giáo Iraq (IS).
Y trở thành tủ lĩnh cao nhất của nhóm này vào năm 2010 sau khi người tiền nhiệm bị quân đội Mỹ và Iraq tiêu diệt.
Việc Mỹ rút quân khỏi Iraq trở thành bước ngoặt lớn cho các tham vọng của Baghdadi. ISI nhanh chóng chớp thời cơ và mở rộng phạm vi hoạt động. Baghdadi đổi tên nhóm thành Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL) vào năm 2013, tìm đường lấn sang lãnh thổ Syria khi nội chiến bùng nổ.
Lực lượng của Baghdadi tiến quân như vũ bão. Quân "cờ đen" liên tiếp chiếm giữ nhiều lãnh thổ ở cả Iraq và Syria. Năm 2014, khi đánh chiếm thành phố lớn Mosul thành công, Baghdadi lộ diện tại Đại thánh đường Hồi giáo al-Nuri và tuyên bố là thủ lĩnh tối cao của IS, thành lập một "caliphate" như lời đấng tiên tri Mohammed.
Các tay súng khủng bố IS ăn mừng chiến thắng tại Mosul vào năm 2014, khi tổ chức này ở đỉnh cao quyền lực. Ảnh: Reuters.
IS trở thành tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới không chỉ vì theo đuổi luật Sharia hà khắc, giết hại dân thường và công dân các nước phương Tây, mà còn vì nguồn lực khổng lồ và vùng lãnh thổ rộng lớn mà nhóm này kiểm soát. Các vụ hành hình được nhóm ghi hình và phát tán thành chiến dịch truyền thông tinh vi để lôi kéo người ủng hộ về cả về nhân lực và vật chất. Đến nay, vẫn còn gần 2.000 phần tử khủng bố tại Syria là người nước ngoài.
Mỹ bước đầu đụng độ với IS khi can thiệp vào nội chiến Syria, ủng hộ lực lượng chống chính phủ. Khi tổ chức khủng bố trở nên quá lớn mạnh và trở thành mối đe dọa toàn cầu, đứng sau liên tiếp nhiều vụ khủng bố ở các nước phương Tây, Mỹ phát động chiến dịch chống khủng bố IS vào tháng 10/2014.
Liên quân với hơn 40 quốc gia tiến hành không kích tại Iraq và Syria, trong khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ được điều đến chiến trường để phối hợp cùng dân quân người Kurd và quân đội Iraq thu hẹp dần lãnh thổ của IS.
Các thành trì lớn nhất của IS là Mosul ở Iraq và Raqqa ở Syria bị đánh bại vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018. Thành trì cuối cùng của tổ chức này ở Baghouz bị đánh bại vào tháng 3/2019.
Nước Mỹ sắp bước đến kỷ niệm 18 năm kể từ sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu ngày 11/9/2001. Nhân vật chủ mưu lên kế hoạch cho tội ác kinh hoàng đó vẫn chưa đối diện công lý.
Theo thông báo, 38 người đã thiệt mạng trong vụ rơi máy bay Embraer 190 của hàng không nước này tại Kazakhstan. Trong khi đó, 29 người sống sót đang được điều trị tại bệnh viện.
Mặc dù kế hoạch đã được chuẩn bị từ lâu, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) quyết định hoãn kích hoạt các máy nhắn tin cho đến khi mặt trận phía Bắc trở thành điểm nóng chính trong cuộc xung đột.