Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Chủ mưu vụ khủng bố 11/9 và 20 năm chờ đợi công lý của người Mỹ

Nước Mỹ sắp bước đến kỷ niệm 18 năm kể từ sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu ngày 11/9/2001. Nhân vật chủ mưu lên kế hoạch cho tội ác kinh hoàng đó vẫn chưa đối diện công lý.

chu muu khung bo 11/9 anh 1chu muu khung bo 11/9 anh 2

Khalid Shaikh Mohammed, nhân vật trong bộ sậu lãnh đạo của al-Qaeda, được xác định là "kiến trúc sư trưởng" dàn dựng và thực hiện loạt vụ khủng bố bằng máy bay thương mại nhắm vào tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc ngày 11/9/2001. 

Vụ tấn công cướp đi sinh mạng gần 3.000 người, làm rúng động cả thế giới và cuốn nước Mỹ vào cuộc chiến chống khủng bố quy mô toàn cầu. Gần hai thập kỷ sau, phiên tòa xét xử y và đồng phạm vẫn chưa thể bắt đầu.

Phạm nhân trong bộ áo choàng màu trắng bước vào Phòng xét xử số 2, đặt trong Trại Công lý. Đây là cơ sở xét xử tội phạm chiến tranh của quân đội Mỹ ở vịnh Guantanamo, phía đông nam Cuba. Nắm chặt hai vai y là hai người lính gác được vũ trang.

Đó là Khalid Shaikh Mohammed. Người đàn ông 55 tuổi gốc Pakistan cạo trọc đầu và đội khăn len kiểu Afghan. Để bộ râu dài,  rối được nhuộm màu cam kỳ lạ, Mohammed khác xa bức ảnh người đàn ông mập mạp mặc áo thun trắng mà chính phủ Mỹ công bố 16 năm trước, khi hắn bị giới chức Pakistan bắt giữ.

Cựu thủ lĩnh al-Qaeda được tình báo Mỹ khẳng định là bộ não tổ chức loạt khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001. Hắn bình tĩnh ngồi xuống ghế và trao đổi cùng các luật sư. Hình ảnh này trở nên quen thuộc trong hàng chục phiên điều trần của ủy ban quân sự đặc biệt ở Guatanamo, một tòa án chiến tranh kết hợp giữa tòa án binh và tòa án liên bang, được chính phủ Mỹ lập để xét xử Mohammed cùng 4 đồng phạm đứng sau vụ khủng bố đẫm máu cướp đi sinh mạng gần 3.000 người.

Sau gần 2 thập niên kể từ ngày thứ ba định mệnh thay đổi hoàn toàn nước Mỹ, phiên tòa hình sự lớn nhất lịch sử nước này được vừa chính thức ấn định bắt đầu vào ngày 11/1/2021.

chu muu khung bo 11/9 anh 3

Theo chỉ định của thẩm phán W. Shane Cohen, đại tá không quân, ngày 11/1/2021 sẽ là ngày tòa bắt đầu lựa chọn các thành viên chính thức và dự khuyết cho bồi thẩm đoàn. Nếu mốc thời gian này được giữ nguyên, tòa sẽ chính thức khởi động đúng 8 tháng trước lễ kỷ niệm 20 năm xảy ra vụ tấn công đẫm máu.

8h46 ngày 11/9/2001, chiếc máy bay mang số hiệu 11 của hãng hàng không American Airlines đâm vào tầng 93 đến 99 của tháp Bắc, trung tâm Thương mại Thế giới (WTC). Đó là chiếc đầu tiên trong số bốn máy bay bị chiếm quyền kiểm soát bởi 19 tên không tặc. Chúng lên kế hoạch dùng máy bay lao vào các công trình biểu tượng cho sức mạnh của nước Mỹ.

17 phút sau, chiếc máy bay thứ 2 mang số hiệu 175 của United Airlines đâm vào tầng 75 đến 85 của tòa tháp Nam. Chưa đầy 1 tiếng sau, chiếc Boeing 757 số hiệu 77 của American Airlines, chở 58 hành khách và 6 phi hành đoàn, lao thẳng vào Lầu Năm Góc.

Đó là lần đầu tiên trong lịch sử tòa nhà "đầu não" của quân đội Mỹ bị tấn công. Cả nước Mỹ công bố tình trạng khẩn cấp. Mọi tòa nhà công quyền của chính phủ liên bang đều được đóng cửa. Không quân Mỹ triển khai F-16 và trực thăng tuần tra khắp bầu trời toàn quốc.

chu muu khung bo 11/9 anh 4chu muu khung bo 11/9 anh 5

Chiếc máy bay thứ 4 của vụ khủng bố rơi trên cánh đồng ở Pennsylvania, khiến 45 người thiệt mạng. Dữ liệu phân tích sau đó cho thấy hành khách đã tìm cách chiếm lại quyền kiểm soát từ nhóm không tặc. Tình báo Mỹ cho rằng nếu không có sự chống cự của những người trên chuyến bay, có thể chiếc Boeing 757 đã lao vào Tòa nhà Quốc hội Mỹ trên đồi Capitol.

Tổng cộng 2.976 người thiệt mạng và gần 6.000 người bị thương sau vụ khủng bố liên hoàn làm rúng động toàn thế giới. Sự kiện 11/9 trở thành vụ tấn công do nước ngoài tổ chức trên lãnh thổ Mỹ gây thiệt hại lớn nhất kể từ sau trận chiến Trân Châu Cảng tại Hawaii vào Thế chiến II. Siêu cường thế giới lao vào cuộc chiến chống khủng bố với quy mô toàn cầu. Chiến trường Afghanistan trở thành cuộc chiến dài nhất lịch sử Mỹ mà đến nay chưa kết thúc.

Khalid Shaikh Mohammed tự nhận mình là "kiến trúc sư trưởng", lên kế hoạch toàn bộ quá trình chuẩn bị và thực hiện vụ khủng bố. Cấp phó của Mohammed là Ramzi bin al-Shibh, người tổ chức huấn luyện không tặc tại Hamburg, Đức, và lo hậu cần cho cuộc tấn công.

Ba nhân vật còn lại là: Walid bin Attash, chịu trách nhiệm cho trại huấn luyện ở Afghanistan nơi đào tạo hai không tặc ngày 11/9;  Mustafa al Hawsawi, người lo tiền mặt, thẻ tín dụng và quần áo cho không tặc; và Ammar al-Baluchi, cháu trai của Mohammed, bị cáo buộc đóng vai trò then chốt trong mạng lưới tài chính và tổ chức học lái máy bay cho các không tặc.

Quyết định của thẩm phán W. Shane Cohen ngày 30/8 ấn định mốc thời gian cụ thể để xét xử các nghi phạm chủ mưu, sau hàng chục phiên điều trần, qua 3 đời thẩm phán được chỉ định chịu trách nhiệm cho Trại Công lý kể từ khi ủy ban quân sự đặc biệt thành lập năm 2012 cho việc xét xử.

Khalid Shaikh Mohammed tiến gần hơn đến bản án cuối cùng sau gần 16 năm bị bắt và gần 12 năm sau lời thú tội của y được công bố.

chu muu khung bo 11/9 anh 6chu muu khung bo 11/9 anh 7

chu muu khung bo 11/9 anh 8

Theo New York Times, khi cùng tình báo Pakistan bắt giữ được Mohammed vào năm 2003, giới chức Mỹ dự đoán trùm khủng bố có thể sẽ tiết lộ “rất nhiều điều kinh khủng”. Phải trải qua gần 4 năm bị giam giữ và thẩm vấn tại nhiều "cơ sở đen" của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từ Afghanistan đến Đông Âu rồi sang Guatanamo, Mohammed cuối cùng đã nhận tội.

“Tôi chịu trách nhiệm về vụ khủng bố 11/9 từ A tới Z”, Mohammed nói trong lời khai do Lầu Năm Góc công bố năm 2007.

Tại phiên điều trần vào tháng 3/2007, cựu thủ lĩnh al-Qaeda, khi đó 41 tuổi, từ chối tuyên thệ trước tòa. Bị cáo cho rằng điều này đi ngược lại với niềm tin tôn giáo của mình. “Nhưng không tuyên thệ không có nghĩa là tôi nói dối”, Mohammed nói.

“Nhiều người Hồi giáo, trong đó có các thành viên al-Qaeda hoặc Taliban, đã phải chịu sự áp bức của nước Mỹ. Đây chính là ước nguyện của nhà tiên tri…Trong chiến tranh, chắc chắn sẽ có nạn nhân. Khi tôi nói mình không vui vì 3.000 người đã thiệt mạng tại Mỹ, tôi thật sự đã cảm thấy ân hận".

"Tôi không thích giết trẻ em. Hồi giáo chưa bao giờ dẫn lối cho tôi giết người. Giết chóc, dù trong Công giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo thì đều giống nhau, nó là điều cấm kỵ”, trùm khủng bố Khalid Shaikh Mohammed nói tại phiên điều trần.

Y tự miêu tả bản thân như một người lính Hồi giáo, là “chỉ huy quân sự cho tất cả các hoạt động của al-Qaeda trên thế giới”, đồng thời quản lý “cơ sở sản xuất vũ khí sinh học, như vi khuẩn gây bệnh than và theo dõi việc thực hiện các vụ đánh bom trên đất Mỹ”.

Cựu lãnh đạo al-Qaeda thừa nhận từng tham gia “khảo sát và tài trợ âm mưu ám sát một số cựu tổng thống Mỹ", trong đó có Tổng thống Jimmy Carter. Y cũng nhận trách nhiệm về âm mưu ám sát Tổng thống Bill Clinton ở Philippines năm 1994.

chu muu khung bo 11/9 anh 9chu muu khung bo 11/9 anh 10

Mohammed còn nhận trách nhiệm về vụ tấn công bằng xe bom nhắm vào WTC vào năm 1993 và vụ đánh bom câu lạc bộ đêm trên đảo Bali, Indonesia, vào năm 2002.

Trùm khủng bố cũng liệt kê hàng hoạt âm mưu chưa được thực hiện. Các mục tiêu tấn công bao gồm nhiều tòa nhà cao tầng ở Chicago, Los Angeles và New York. Ngoài ra còn có các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ cũng như cầu treo và sàn giao dịch chứng khoán New York.

Ngoài Mỹ, Mohammed cũng nhắm vào máy bay chở khách trên khắp thế giới. Danh sách các mục tiêu mà thủ lĩnh al-Qaeda ủ mưu còn bao gồm kênh đào Panama, tháp đồng hồ Big Ben của Anh, các tòa nhà ở Israel; Đại sứ quán Mỹ tại Indonesia, Australia và Nhật Bản; Đại sứ quán Israel tại Ấn Độ, Azerbaijan, Philippines và Australia.

Trong bản ghi lời khai của Mohammed do Lầu Năm Góc công bố năm 2007, tên này còn nhận trách nhiệm về vụ giết hại nhà báo Daniel Pearl của tờ Wall Street Journal năm 2002.

“Bằng bàn tay phải được ban phước lành của mình, tôi đã chặt đầu Daniel Pearl, một người Mỹ theo đạo Do Thái, tại thành phố Karachi, Pakistan. Đối với những ai muốn kiểm chứng, trên Internet có một số bức ảnh chụp tôi đang cầm thủ cấp của người này”, đại diện của Mohammed đọc tuyên bố của y tại phiên điều trần năm 2007.

“Những gì tôi viết ở đây, việc tôi nói mình chịu trách nhiệm cho điều này, điều kia không phải để biến tôi trở thành anh hùng. Nhưng khi bạn là một chiến binh, bạn biết chiến tranh cũng có tiếng nói… Nạn nhân là tiếng nói của chiến tranh”, Mohammed khẳng định.

chu muu khung bo 11/9 anh 11

Mohammed mang quốc tịch Pakistan nhưng lớn lên ở Kuwait. Y từng nhiều lần thoát khỏi vòng vây của cảnh sát từ những năm 1996. Mãi đến năm 2003, hai năm sau thảm kịch 11/9 khiến Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố quy mô toàn cầu, nhân vật khét tiếng trong bộ máy lãnh đạo al-Qaeda mới bị bắt khi đang ẩn náu tại chính quê hương.

Sáng sớm một ngày thứ bảy của tháng 3/2003, tại ngôi biệt thự hai tầng rộng rãi ở thành phố Rawalpindi, Pakistan, Khalid Shaikh Mohammed bị cảnh sát Pakistan lôi khỏi giường. Bức ảnh chụp thời điểm đó cho thấy Mohammed choáng váng vì bất ngờ, mặc chiếc áo phông trắng rộng thùng thình, phía sau là bức tường tróc sơn của ngôi biệt thự.

Ngoài Mohammed, cảnh sát Pakistan còn bắt giữ một người đàn ông Trung Đông không rõ danh tính và Ahmed Qadoos, 42 tuổi. Căn biệt thự vốn thuộc về cha mẹ của Qadoos, nhưng người đàn ông này đang sống tại đây với vợ và hai con.

Mohammed đã trốn trong căn nhà ở Rawalpindi “khá lâu”, Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Syed Faisal Saleh Hayat khi đó nói với New York Times. Giới chức Mỹ cho biết họ đã thu thập được nhiều tang vật bao gồm điện thoại di động, ổ cứng máy tính chứa thông tin về những kẻ không tặc ngày 11/9 và những bức thư của Osama bin Laden chứa thông tin tình báo giá trị về al-Qaeda.

Sau sự kiện ngày 11/9, Mỹ kết hợp với nhiều quốc gia liên tục truy quét bộ sậu lãnh đạo của tổ chức khủng bố này. Họ tìm thấy Mohammed chủ yếu nhờ lần theo manh mối về nơi ở cũng như đường dây liên lạc bằng bưu tín, email và tin nhắn điện thoại được mã hóa giữa y với các thành viên trên khắp thế giới.

chu muu khung bo 11/9 anh 12chu muu khung bo 11/9 anh 13

Từ mùa hè năm 2002, các nhà chức trách Pakistan đã được cảnh báo về khả năng một trong các đầu não của al-Qaeda đang trốn ở nước này. Một số nghi phạm khủng bố trước đó cũng khai rằng Mohammed có liên quan đến vụ bắt cóc tháng 1/2002 và vụ giết phóng viên Daniel Pearl.

Khi bắt giữ một thành viên cấp thấp của al-Qaeda tại căn hộ ở Karachi, thành phố đông dân nhất Pakistan, cảnh sát phát hiện ra manh mối cho thấy Mohammed từng lưu lại đây.

Những nghi phạm này cũng cho biết Mohammed đóng vai trò như đầu mối liên kết giữa al-Qaeda và các nhóm cực đoạn Pakistan như Lashkar-e-Jhangvi và Harkatul Jihad Islami al-Alami. Để chiêu mộ chiến binh, tên trùm khủng bố đã di chuyển liên tục giữa các thành phố Faisalabad, Peshawar và Karachi.

Vài tuần trước vụ bắt giữ tháng 3/2003, các quan chức tình báo tập trung cao độ để thu thập thông tin. Họ thâm nhập sâu vào mạng lưới liên kết của Mohammed và phát hiện tên này đã tích cực lên kế hoạch cho nhiều vụ khủng bố ở Mỹ “trong tương lai gần”. Các mục tiêu tấn công được cân nhắc bao gồm trạm xăng, cầu, khách sạn và nhà máy điện tại thành phố New York.

Vụ bắt giữ Khalid Shaikh Mohammed đặt dấu chấm hết cho một trong những cuộc săn lùng có quy mô lớn nhất kể từ vụ tấn công 11/9. Nằm trong danh sách tội phạm khủng bố bị truy nã gắt gao của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Mohammed nhanh chóng được chính quyền Pakistan giao cho cảnh sát Mỹ để thẩm vấn vào năm 2003.

Tại thời điểm đó, Tổng thống Mỹ George W. Bush ca ngợi vụ bắt giữ là chiến thắng mở màn trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, thực tế là Mỹ từng nhiều lần “bắt hụt” tay trùm này trong cuộc truy lùng có quy mô trải dài khắp Trung Á và Trung Đông.

Tháng 9/2002, kênh truyền hình tiếng Arab Al Jazeera phát sóng đoạn phỏng vấn Mohammed và Ramzi bin al-Shibh, một thành viên nòng cốt khác của al-Qaeda tham gia vụ khủng bố 11/9. Địa điểm phỏng vấn được cho là một căn hộ ở Karachi. Chỉ vài ngày sau, chính quyền Pakistan bắt giữ được bin al-Shibh, nhưng Mohammed đã biến mất.

Chỉ hai tuần trước vụ bắt giữ vào tháng 3/2003, theo nguồn tin tình báo, cảnh sát Pakistan đột kích tại Quetta với hy vọng bắt được trùm khủng bố. Tuy nhiên, Mohammed lại biến mất một lần nữa.

Vụ “bắt hụt” đáng tiếc nhất diễn ra vào năm 1996 tại Qatar, nhiều năm trước thảm kịch 11/9/2001. Khi đó, trùm khủng bố Al Qaeda bị kết án liên quan đến vụ khủng bố ở Philippines. Một số quan chức Mỹ tin rằng khi để thoát Mohammed tại Qatar, họ đã bỏ lỡ cơ hội tốt nhất để ngăn chặn vụ tấn công ngày 11/9.

chu muu khung bo 11/9 anh 14chu muu khung bo 11/9 anh 15

chu muu khung bo 11/9 anh 16

Cựu tổng thống Mỹ George W. Bush cho biết trừ đám cưới con gái, vụ khủng bố 11/9 là sự kiện sâu sắc nhất trong cuộc đời ông. Nhiều người nói rằng 11/9 là ngày nước Mỹ đánh mất sự ngây thơ và ảo tưởng về sức mạnh bất khả xâm phạm của mình.

Âm thanh máy bay đâm vào WTC, nghiền nát kim loại và gây ra tiếng nổ rung trời lở đất. Hình ảnh tòa tháp đôi đổ bốc cháy dữ dội, phun khói đen vào bầu trời New York với những con người tuyệt vọng gieo mình vào khoảng không. Đường phố phủ kín một màu xám tang tóc khi tòa tháp đôi sụp đổ với bụi mù mịt. Tất cả đều khắc ghi không thể xóa nhà trong tâm hồn nước Mỹ.

Gần 18 năm trôi qua kể từ ngày đen tối nhất lịch Mỹ sau Thế chiến II, hàng trăm thi thể nạn nhân vẫn chưa được nhận dạng. Gần 60.000 người vẫn nằm trong diện phải theo dõi sức khỏe vì ảnh hưởng của bụi và hóa chất khi tòa tháp đôi tại WTC sụp đổ. Khoảng 2.000 người được chẩn đoán ung thư liên quan đến sự kiện 11/9.

Nỗi đau kéo dài suốt gần hai thập kỷ qua khi những kẻ chủ mưu vẫn chưa phải đối diện với công lý.

"Mọi người hỏi phiên tòa vẫn chưa kết thúc sao? Không, nó còn chưa bắt đầu", Kathleen Vigiano, có chồng là thanh tra cảnh sát và em chồng là lính cứu hỏa đều thiệt mạng tại tòa tháp đôi, trả lời New York Times.

Để chờ đến ngày phiên tòa 11/9 chính thức bắt đầu và chọn lựa bồi thẩm đoàn, Trại Công lý tại Guatanamo phải tổ chức 38 phiên điều trần với phiên mới nhất sẽ được tổ chức vào ngày 10/9, đúng 1 ngày trước lễ kỷ niệm 18 năm vụ khủng bố xảy ra. Đây cũng là phiên điều trần dài nhất trong suốt quá trình xử lý vụ án, kéo dài gần 3 tuần, theo tổ chức Gitmo Watch. Chỉ thị mới nhất của thẩm phán Cohen cho biết còn 11 phiên điều trần nữa dự kiến diễn ra trong năm 2020.

Vẫn không có điều gì đảm bảo phiên tòa sẽ diễn ra đúng như kế hoạch do vị thẩm phán đặt ra trong chỉ thị dài 10 trang. Qua gần hai thập kỷ chờ đợi, nhiều nhân chứng của vụ án đã qua đời. Thành viên trong các đoàn luật sư của năm nghi phạm cũng có người rời đi vì quá già, theo Guardian.

chu muu khung bo 11/9 anh 17chu muu khung bo 11/9 anh 18

Phiên tòa bị trì hoãn suốt 18 năm qua vì nhiều tranh cãi liên quan đến quyền hạn của quân đội và hệ thống tư pháp của Mỹ. Tổng thống Barack Obama từng tìm cách chuyển vụ án cho tòa án liên bang ở New York nhưng vấp phải sự phản đối gay gắt từ người dân và đảng Cộng hòa. Những bằng chứng và lời khai của các bị cáo bị "vấy bẩn" do được thu thập bằng biện pháp tra tấn khiến quá trình điều trần kéo dài ngoài mọi dự đoán.

Bản thân Guantanamo cũng chưa sẵn sàng cho phiên tòa lịch sử, dự kiến kéo dài ít nhất 9 tháng. Thẩm phán Cohen đã yêu cầu các công tố viên trong năm 2020 báo cáo rõ kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất và nơi ăn ở cho những người tham gia phiên tòa, bao gồm thẩm phán, nhân viên tòa án, bồi thẩm đoàn, luật sư, thư ký, phiên dịch viên và phóng viên. 

Sự kiên nhẫn của người thân các nạn nhân cũng bị thử thách đến cùng cực. Mỗi phiên điều trần trong 7 năm qua luôn có đại diện gia đình các nạn nhân đến dự. Họ được bố trí trong một phòng cách ly bằng kính cường lực.

"Tôi đã phải rời khỏi Washington D.C. vì không thể chịu được cảm giác đi qua những nơi con mình từng đến khi nó còn sống. Tôi chỉ muốn công lý mà thôi. Mọi thứ đã kéo dài quá lâu rồi. Tại sao chúng ta không thể kết thúc nó", Cathy Powell, 85 tuổi, cho biết con trai bà là một nhà thầu dân sự làm việc tại Lầu Năm Góc và tử vong vào ngày 11/9.

Hồi tháng 7, công tố viên Ed Ryan đã khẩn thiết đề nghị thẩm phán Cohen đặt ra một thời hạn cụ thể để tổ chức phiên tòa sau quá nhiều trì hoãn.

Cả năm nghi phạm sẽ đối diện án tử hình cho tội danh tiến hành âm mưu tấn công khủng bố chống lại nước Mỹ. Ngoài ra, chúng còn chịu nhiều cáo buộc khác liên quan đến tội danh giết người, vi phạm luật chiến tranh, tấn công dân thường và hoạt động khủng bố.

Trên bản cáo trạng mà Ed Ryan cùng các cộng sự trình cho thẩm phán Cohen và ủy ban quân sự đặc biệt, tên của 2.976 nạn nhân thiệt mạng trong vụ 11/9 được nêu đầy đủ.

"Thân chủ của chúng tôi, đất nước này, xứng đáng có được một phán quyết", ông nhấn mạnh.

Tổng thống Trump hủy cuộc họp bí mật, đình chỉ hòa đàm với Taliban

Tổng thống Trump đã đình chỉ tiến trình đàm phán hòa bình với lãnh đạo Taliban sau vụ đánh bom ở thủ đô Kabul khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có 1 binh sĩ Mỹ.

Bắt giữ chiến binh IS nghi đã chặt đầu 100 người

Một chiến binh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị nghi đã chặt đầu 100 người, liên quan tới các cuộc tấn công khủng bố ở Paris và Brussels, đã bị bắt giữ.

Thanh Danh - Hương Ly

Thiết kế: Hà My
Ảnh: Reuters, AFP, AP

Bạn có thể quan tâm