Tsar Bomba là vũ khí nguyên tử mạnh và sạch nhất con người từng kích nổ. Ảnh: Discovery |
Theo National Interest, thiếu tá Andrei Durnovtsev, một sĩ quan Không quân Liên Xô đồng thời là chỉ huy máy bay ném bom chiến lược Tu-95 trong sứ mệnh thử nghiệm vũ khí hạt nhân đáng sợ nhất lịch sử nhân loại. Durnovtsev đã lái chiếc phi cơ ném quả bom hạt nhân mạnh nhất từng được con người chế tạo.
Quả bom có đương lượng nổ tới 50 megaton, mạnh gấp 3.000 lần vũ khí nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà sử học quân sự đã đặt cho nó nhiều tên gọi khác nhau. Andrei Sakharov, một trong những nhà vật lý hạt nhân tham gia chế tạo gọi nó là “Big Bomb”.
Trong khi đó, cố tổng bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev đặt biệt danh “Kuzka’s mother”, một trích dẫn từ câu ngạn ngữ của Nga có nghĩa là dạy cho ai đó một bài học không thể nào quên. Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) gọi là “Joe 111”. Tuy nhiên, tên gọi phổ biến nhất là Tsar Bomba hay “Vua các loại bom”.
Ngày 30/10/1961, Durnovtsev và các thành viên phi hành đoàn cất cánh từ một sân bay trên bán đảo Kola tiến thẳng về khu vực thử nghiệm hạt nhân tại vịnh Mityushikha thuộc quần đảo Novaya Zemlya. Chiếc Tu-95 mang bom và Tu-16 làm nhiệm vụ quan sát được phủ một lớp sơn đặc biệt nhằm giảm tác động do xung nhiệt từ vụ nổ.
Người ta thiết kế một chiếc dù hãm để 2 máy bay thoát ra ngoài ở cự ly khoảng 48 km trước khi bom phát nổ từ trên không. Khi máy bay đạt đến độ cao 10,3 km, Durnovtsev ra lệnh thả bom. Nó được kích nổ ở độ cao khoảng 4,2 m cách mặt đất.
Khi bom phát nổ, nó tạo ra một quả cầu lửa có chiều rộng tới 8,04 km và đạt đến độ cao gần 10 km. Sóng xung kích từ vụ nổ khiến phi cơ chao đảo mạnh và giảm độ cao xuống gần một km trước khi Durnovtsev giành lại quyền kiểm soát máy bay.
Sức mạnh từ vụ nổ phá vỡ kính cửa sổ ở bán kính tới 800 km, ánh sáng phát ra có thể nhìn thấy ở cự ly 1.000 km. Đám mây hình nấm đạt đến độ cao tới 72 km (gần đến ranh giới của khí quyển), rộng 96,5 km. Ban đầu, Liên Xô dự định chế tạo vũ khí có đương lượng nổ tới 100 megaton. Tuy nhiên, họ đã giảm công suất xuống còn một nửa do lo ngại phóng xạ.
Tsar Bomba là vũ khí hạt nhân mạnh nhất nhưng là bom nguyên tử sạch nhất từng phát nổ. Các kỹ sư đã loại bỏ đến 97% bụi phóng xạ trong quá trình thiết kế. Ngay cả kích thước của nó cũng rất quái dị. Quả bom quá lớn nên không thể lắp bên trong khoang chứa mà phải treo bên ngoài máy bay.
Về mặt lý thuyết, không một máy bay nào của Liên Xô có thể mang quả bom này đến gần nước Mỹ, kể cả có tiếp nhiên liệu trên không. Tuy vậy, CIA cũng tiến hành một cuộc điều tra về khả năng Liên Xô sẽ đặt đầu đạn hạt nhân này bên trong tên lửa đạn đạo siêu mạnh để tấn công nước Mỹ.
Đủ sức xóa sổ toàn bộ Los Angeles
Phạm vi hủy diệt của Tsar Bomba nếu ném xuống thành phố Los Angeles của Mỹ. Ảnh: Nuclearsecrecy |
Nhà sử học quân sự Paul Richard Huard đã nêu kịch bản đầu đạn có sức mạnh 100 megaton phát nổ trên khu vực Los Angeles, Mỹ. Nếu đầu đạn được kích nổ ở độ cao khoảng 4,2 km trên U.S Bank Tower (tòa nhà cao nhất phía tây sông Mississippi). Nó sẽ tạo ra quả cầu lửa rộng 3,2 km. Nhiệt độ từ tâm vụ nổ có thể nóng hơn bề mặt của mặt trời. Bê tông, cốt thép sẽ biến thành tro bụi.
Trong bán kính 32 km từ tâm vụ nổ, sóng xung kích có thể đánh sập mọi tòa nhà, ngay cả những nơi sử dụng bê tông và thép gia cường. Những người ở trong bán kính 80,4 km sẽ bị bỏng độ 3. Toàn bộ thành phố Los Angeles sẽ bị san phẳng.
Vũ khí hạt nhân 100 megaton đã trở thành công cụ cho mục đích chính trị của giới lãnh đạo. Tuy nhiên, nhà vật lý hạt nhân Andrei Sakharov, người trực tiếp chế tạo và chứng kiến sức hủy diệt kinh hoàng của vụ nổ đã quyết định từ bỏ nghiên cứu vũ khí.
Sau đó, ông trở thành một nhà phê bình nỗ lực xây dựng lá chắn tên lửa của Liên Xô. Sakharov được trao giải Nobel Hòa bình năm 1975. Đối với phi công Durnovtsev, sau thành công của thử nghiệm, ông được phong hàm trung tá và nhận giải thưởng Anh hùng Liên Xô cho những đóng góp trong quá trình làm nhiệm vụ.