Từ trái qua: Chủ tịch Hiệp hội sách Đức Schmidt-Friderich, tác giả Mohsin Hamid, chủ tịch hội sách Frankfurt Juergen Boos tại hội sách Frankfurt. Ảnh: FBF. |
Hội sách Frankfurt khai mạc ngày 18/10 với sự tham dự của 4.000 đơn vị từ 95 quốc gia. Đây là sự kiện đầu tiên được tổ chức trực tiếp hoàn toàn sau 2 năm phải tổ chức theo hình thức trực tuyến và kết hợp.
Thông điệp chính của hội sách năm nay là nếu các nhu cầu về chính sách của thị trường xuất bản bị bỏ qua, nếu những thách thức về kinh tế và sản xuất làm suy giảm vai trò của sách trong việc cung cấp cho xã hội nguồn dinh dưỡng cần thiết thì hệ sinh thái trí tuệ sẽ không thể nuôi dưỡng và thúc đẩy sự phát triển của nền tảng cấu trúc xã hội.
Gia tăng ‘sự hiểu biết cần thiết'
Theo Chủ tịch kiêm CEO hội sách Frankfurt, ông Juergen Boos, sự kiện năm nay đánh dấu sự quay lại của hội sách và được chào đón nhiệt tình. Đây là dịp để hội sách thể hiện sự khác biệt theo từng năm, đáp ứng nhu cầu và cơ hội của một ngành công nghiệp quan trọng.
Chủ tịch kiêm CEO Hội sách Frankfurt, ông Juergen Boos chia sẻ tại họp báo khai mạc hội sách. Ảnh: Marc Jacquemin/buchmesse. |
Ông Boos cũng cho rằng đại diện của ngành xuất bản nên hướng tới những hành động, chiến lược sắc nét hơn để thể hiện rõ sự hỗ trợ độc đáo của văn học đối với một thế giới đang nhiều bất ổn và vai trò của văn học đang bị phủ mờ theo nhiều cách.
Để thực hiện mục tiêu trên, sẽ có rất nhiều chủ đề được thảo luận và chia sẻ tại hội sách năm nay, từ nấu ăn đến khoa học và trọng tâm là “các chủ đề xã hội gần gũi với trái tim chúng ta”.
Ông Juergen Boos nói: “Những cuộc gặp gỡ cá nhân lúc này quan trọng hơn bao giờ hết vì tương tác trực tiếp giúp giảm đi sự chia rẽ. Mọi người sẽ hành xử khác đi khi đối mặt với nhau. Trong những ngày hội thảo này, sẽ có nhiều cuộc thảo luận mang tính thời sự, tranh cãi và sôi nổi sẽ diễn ra. Mọi thông điệp sẽ được nghe thấy”.
Ông cũng nhấn mạnh: “Tôi tin rằng ngành công nghiệp sách có thể mang lại sự hiểu biết cần thiết cho cộng đồng bằng nhiều cách, như dịch văn học từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, bằng cách thể hiện tình đoàn kết toàn cầu với các chuyên gia ngành sách hoặc bằng cách tạo điều kiện cho giao lưu quốc tế diễn ra ở đây”.
Ngành xuất bản phản ứng với khủng hoảng
Schmidt-Friderich - Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất bản và bán sách Đức - đề cập đến một số lo ngại mà ngành xuất bản và thế giới đang phải đối mặt.
Tại thị trường Đức, các cửa hàng sách đang dự tính chi phí năng lượng sẽ tăng lên đến 300%. Các nhà xuất bản đã phải trả thêm khoảng 50% cho việc in ấn và sản xuất sách của họ trong năm nay và họ dự tính rằng mức tăng thêm cho năng lượng sẽ trong khoảng 20-30% vào năm tới.
Bà Schmidt-Friderich cũng cho biết tâm lý và nhu cầu của người tiêu dùng đang bị giảm sút. Tháng 9 là tháng thứ năm liên tiếp doanh thu thị trường sách của Đức sụt giảm. Sau chín tháng của năm nay, doanh số bán sách trên các kênh giao dịch cơ bản thấp hơn 2% so với mức trước đại dịch.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất bản và bán sách Đức cho rằng trong bối cảnh này, các nhà xuất bản và hiệu sách đều quan tâm đến việc đảm bảo cung cấp đa dạng các tác phẩm văn học, cả thể loại phi hư cấu, tài liệu khoa học, đặc biệt là trong những thời điểm không chắc chắn về bất ổn chính trị, bạo lực và lo ngại hiện tại.
“Chỉ khi ngành xuất bản ổn định về mặt kinh tế thì mới có thể tiếp tục đóng góp vào sự ổn định nội tại của xã hội”, nhà lãnh đạo này cho hay.
Để định hướng cho ngành xuất bản trong thời gian tới, bà Schmidt-Friderich kêu gọi hành động trên bốn chính sách cơ bản: Chính sách trợ cấp cho các nhà xuất bản đã được lên kế hoạch phải được triển khai nhanh chóng; Hỗ trợ tài chính cho việc giao dịch sách tại các sự kiện văn hóa và khuyến khích văn hóa đọc; Thúc đẩy các bộ trưởng tài chính của Liên minh Châu Âu tìm kiếm các cơ hội giảm thuế VAT cho ngành xuất bản và Thực hiện các gói cứu trợ và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp phải bao gồm các nhà xuất bản và nhà sách đang gặp khủng hoảng.
Không gian hội sách Frankfurt. Ảnh: llull. |
Góc nhìn từ tác giả về thúc đẩy hợp tác
Hội sách Frankfurt không chỉ là nơi gặp gỡ của người làm xuất bản. Đó còn là nơi các tác xuất hiện, cất tiếng nói. Tác giả người Anh gốc Pakistan Mohsin Hamid, người hai lần lọt vào danh sách để cử giải Booker cho cuốn The Last White Man, giãi bày rằng ông đã có lúc mất niềm tin vào sự thay đổi tích cực của thế giới.
“Tôi từng tin rằng thế giới sẽ luôn trở nên tốt đẹp hơn bởi vì tôi tin tưởng vào xu hướng hợp tác và cho rằng không thể cưỡng lại nó. Nhưng gần đây, đã có nhiều hành động phản lại xu hướng này”, ông Mohsin Hamid nói.
Ông cũng đang có những nhận thức mới về vị thế của sách và văn học, rằng “người đọc sách không phải là khán giả mà là những người sáng tạo”.
Theo ông, các nhà văn không viết tiểu thuyết trọn vẹn. Họ chỉ viết được một nửa cuốn tiểu thuyết và chính độc giả đã đưa những cuốn tiểu thuyết dở dang này thành những trải nghiệm thực sự. Và đó chính là sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà văn và độc giả.
Ông Hamid cũng khẳng định: “Khi thế giới của chúng ta quay lưng lại với sự hợp tác thì tiểu thuyết càng trở nên quan trọng hơn. Trong một thế giới dường như sắp bước vào giai đoạn tăm tối, tiểu thuyết là một ánh lửa hồng mà chúng ta có thể nắm trong tay. Các tác phẩm nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có thể chung tay đổi mới thế giới của mình”.