Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đừng trở thành nô lệ của điện thoại thông minh

Điện thoại thông minh đã trở thành vật bất ly thân của nhiều người, đặc biệt là lớp thanh niên. Hãy coi nó là một công cụ, đừng lệ thuộc quá nhiều vào thiết bị điện tử này.

Con người ngày càng lệ thuộc vào điện thoại thông minh. Ảnh: Healcentral.

Đối thoại giữa nhà báo Phan Đăng với Tiến sĩ khoa học, nhà báo Vũ Công Lập - nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Y Sinh thuộc Viện Khoa học & Công nghệ Quân sự. Ngoài ra, ông còn là một nhà báo am hiểu về bóng đá Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

- Tôi chợt muốn biết: Thời ông còn là một học sinh thì điều gì đã khiến ông say mê vật lý?

- Khi tôi học lớp 6 ở trường Trưng Vương, chỉ nghe thông báo là sắp được nghe nói chuyện về nguyên tử thì chúng tôi đã sướng âm ỉ nhiều ngày. Rồi chúng tôi được học những thầy giáo rất tuyệt vời, ví dụ hồi đó thầy giáo toán của tôi từng tổ chức một cuộc thi toán với yêu cầu không phải là giải bài toán như thế nào, mà là có thể giải một bài toán theo nhiều cách được không.

Lúc đó, một người bạn tôi từng giải một bài hình theo 28 cách khác nhau. Chính những người thầy và một không khí học tập như vậy đã tạo trong chúng tôi một niềm say mê toán, lý đặc biệt. Sau này, ở trường đại học, chúng tôi từng học thầy Nguyễn Hoàng Phương, chủ nhiệm khoa lý, và chỉ cần nghe thầy nói thôi thì đứa nào cũng như muốn chết đi vì vật lý. Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in từng câu chuyện, từng bài học của của thầy.

- Liệu có sai lầm không nếu bảo trong thời đại kinh tế thị trường bây giờ, những người thầy và những môi trường học tập thuần túy say mê như thế đã giảm đi, và ngay cả trong những môi trường sư phạm bây giờ, chúng ta vẫn thường xuyên phải nghe một thứ ngôn ngữ cực kì thực dụng như “chạy trường”, “chạy lớp”, “chạy thầy cô”? Một môi trường như thế rất khó nhen nhóm trong tâm hồn người học một sự say mê đích thực?

- Tôi nhớ là con trai tôi tốt nghiệp phổ thông năm 1993, và khi ấy nó vẫn thần tượng nhiều thầy giáo lắm. Hồi đó tôi hỏi nó muốn học gì thì nó bảo muốn học làm sao để có thể mở tung cái tivi ra, tìm hiểu xem bên trong có gì. Như thế, đến thời điểm ấy, người đi học vẫn đầy những say mê tích cực.

Nhưng lúc đó có một chuyện là con tôi rất mê những cuốn video, may là nó vừa có thể xem video, vừa có thể làm bài tập tốt, chứ không cũng chẳng biết thế nào. Còn bây giờ theo tôi thấy, trẻ em bị phân tán quá nhiều bởi điện thoại di động, bởi smartphone... và có lẽ chính cái cám dỗ, cái sự phân tán ấy đã khiến những say mê của chúng bị chuyển từ lĩnh vực học hành sang một lĩnh vực khác.

Theo tôi, trẻ em cũng cần nhiều cái để say mê, nhưng nếu không được định hướng một say mê chính, không biết cách gạt đi những cái râu ria, cám dỗ khác để tập trung cho say mê chính thì bất ổn.

- Nhưng say mê điện thoại di động, say mê smartphone đâu chỉ là câu chuyện của những đứa trẻ ạ. Trong thời đại này, có vẻ nó là câu chuyện của ngay cả những người trưởng thành, thậm chí của một bộ phận người già ấy chứ?

- Ở Đức mới đây, người ta đặt câu hỏi: chúng ta đang sở hữu smartphone hay smartphone đang sở hữu chúng ta? Và người ta đã thực hiện những thí nghiệm đủ tin cậy để đi tới kết luận: khi bị mất smartphone thì thoạt đầu chúng ta phát điên phát dại, nhưng nếu vượt qua cơn điên dại ấy, chúng ta lại có một cảm giác đầy thư thái.

Ông Nicholas Carr - một bậc thầy về sách khoa học, tác giả của cuốn Trí tuệ giả tạo đã chứng minh rằng, có vẻ như con người làm chủ công nghệ, nhưng thực ra, trong quá trình chạy theo công nghệ thì con người lại bị công nghệ cảm hóa mà không biết.

Ông ấy nói rằng trong thời đại này, tư duy của con người bị ảnh hưởng, biến động, thậm chí là biến đổi bởi công nghệ. Tôi nghiền ngẫm những gì ông ấy nói thì thấy đúng quá, ví dụ đơn giản như từ công nghệ mà sinh ra thuật ngữ “lướt web”. Nghĩa là chỉ đọc lướt một cái, lướt hết trang web này đến trang web khác. Chính bởi sự ngự trị của tư duy “lướt”, gần như cái gì cũng “lướt” mà nhiều người đánh mất khả năng đọc kĩ, đọc sâu, rồi đánh mất luôn khả năng rèn luyện của bộ não. Mà nếu không rèn luyện bộ não, không phát triển sâu thì hỏng.

no le,  le thuoc,  phat trien ky nang anh 1

Sách 39 cuộc đối thoại dành cho người trẻ của nhà báo Phan Đăng. Ảnh: K.Đ.

- Cụ thể như ở Đức - nơi xuất hiện cái thí nghiệm mà ông vừa kể, cũng là nơi mà có thể nói là ông hiểu rõ như lòng bàn tay, người ta đã đối đầu và giải quyết vấn đề này như thế nào ạ?

- Ở Đức từng diễn ra những cuộc tranh luận xem có nên cho trẻ em chơi điện thoại di động hay không? Trong khi những tranh luận chưa có hồi kết thì chúng ta cần biết rằng ở Đức, cứ sau giờ hành chính, rất nhiều người có thói quen tắt điện thoại di động, chứ không chìm đắm vào nó như nhiều người ở ta.

Tôi cũng thú thật với anh, khi sang Đức, tôi cũng là độc giả xịn của tờ Bild (một tờ báo lá cải nổi tiếng của Đức), vì tờ này đưa tin rất nhanh và cỡ chữ to, ngồi tàu, xe đọc rất dễ. Nhưng một lần tôi vào cơ quan, một đồng nghiệp của tôi thấy tôi để tờ Bild trong cặp thì tế nhị nói rằng: “Cậu đừng để người khác nhìn thấy cậu đọc tờ báo này".

Nghĩa là ở Đức, cũng có những tờ báo, những trang web lá cải, nhưng người ta có sự phân biệt độc giả, khoanh vùng sử dụng rất rõ, chứ không phải là cái nhan nhản, phổ biến, bao trùm.

- Thưa ông, bây giờ thì chúng ta sẽ không nói đến chuyện smartphone ở Đức hay cách sử dụng những cái điện thoại di động và những trang web ở Đức nữa, mà sẽ nói đến một khía cạnh này: người giàu ở Đức. Trong quan sát của ông thì người giàu ở Đức thường có đặc điểm như thế nào, và nó có khác gì so với người giàu ở Việt Nam không ạ?

- Ở Việt Nam bây giờ có từ đại gia, rất phổ biến, nhưng nếu bảo tôi phải dịch từ này sang tiếng Đức thì nói thật tôi không biết phải dịch như thế nào. Vì đại gia ở ta thứ nhất là phải có nhiều tiền, đương nhiên rồi, thứ hai là phải sống một kiểu khác và đặc biệt là phải gắn với một cái gì đó, ví dụ như mối quan hệ đại gia - chân dài.

Có rất nhiều đại gia ở ta trở thành đại gia sau khi bán đi tài sản, đất đai hoặc được thừa kế một khoản kếch xù nào đó từ cha mẹ. Còn ở Đức anh biết không, khi tôi sang Đức làm việc về lĩnh vực thiết bị y tế thì ông Moss bạn tôi đề nghị tôi nhất định phải có quan hệ với giới công nghiệp. Sau này tôi hiểu ra khoa học mà không kết nối được với công nghiệp thì không tiến xa được.

Và tôi thấy những người thực sự giàu có ở Đức là những người làm trong giới công nghiệp, những người có tiền, sẵn sàng nâng đỡ khoa học, và rất biết trọng dụng các nhà khoa học. Có nghĩa, họ đại diện cho một sức sản xuất, mang lại những sản phẩm cho xã hội, có thể là sản phẩm cứng hoặc sản phẩm mềm và xã hội dựa vào sản phẩm ấy mà phát triển. [...]

- Như vậy là ông vừa nói đến cách kiếm tiền và tiêu tiền của những người giàu bên đó, thôi thì cứ tạm gọi họ là đại gia đi. Ông có để ý gì đến đời sống tinh thần của họ không ạ? Ví dụ họ có am hiểu nghệ thuật, tranh ảnh gì không, và ở Việt Nam, theo ông những đại gia yêu nghệ thuật, tranh ảnh có nhiều không?

- Tôi kể anh câu chuyện về ông Moss bạn tôi - người tôi vừa nhắc đến nhé, trong mắt tôi, ông ấy là một người giàu đúng nghĩa. Ngoài ra ông ấy là một người yêu Việt Nam và vài chục năm trước, ông ấy bảo tôi là rất muốn làm một triển lãm ảnh về chiến tranh Việt Nam ở một phòng trong ngôi biệt thự của mình. Tôi hỏi ông ấy triển lãm vậy thì ai xem? Ông ấy bảo khi nào quân đội Mỹ tấn công vào Iraq - người ta sực nhớ Việt Nam thì người ta sẽ xem.

Và thế là ông ấy đến gặp ông Đoàn Công Tính - một phóng viên chiến trường nổi tiếng để mua lại những bức ảnh chiến tranh Việt Nam... Anh xem ứng xử như thế thì có thật sự xứng tầm đại gia không?

Ông Moss cũng từng tổ chức một triển lãm ảnh Việt Nam ở Viện Goethe - Hà Nội, gây tiếng vang lắm. Đấy là những bức ảnh chụp Việt Nam từ thế kỉ 19. Anh biết ông ấy có những bức ảnh ấy từ đâu không? Ông ấy mua được ở một vỉa hè Đức với cái giá rất rẻ. Sau này tìm hiểu nguồn gốc thì ông ấy phát hiện ra một sĩ quan Pháp tham chiến ở Việt Nam từng mang những bức ảnh này về Pháp, sau đấy ông ta lấy một cô vợ Đức, rồi sang sống tại Đức, và sau này con của cặp vợ chồng Đức - Pháp ấy, vì cho rằng những bức ảnh này cũng chẳng có giá trị gì nhiều nên mang ra vỉa hè, bán đi... Nếu chỉ là một người giàu thuần tuý về mặt vật chất thì chắc chắn ông Moss đã không mua những bức ảnh ấy làm gì.

- Những gì ông Moss làm thể hiện rõ một triết lý sống, một tầm nhìn...

- Đúng rồi, triết lý. Người ta làm gì đầu tiên cũng phải có triết lý, sau triết lý phải có lý luận, sau lý luận phải có phương pháp, và sau phương pháp thì hành động, ứng dụng. Nếu có triết lý thì làm bất cứ cái gì cũng sẽ có tầm nhìn xa.

Mà ngay cả có triết lý thôi cũng chưa đủ, phải luôn luôn vận động để triết lý của mình phù hợp với sự thay đổi của thời đại. Tôi ví dụ trước đây, triết lý của ngành y là có bệnh thì tìm thầy chữa bệnh. Sau đó, khi xã hội phát triển, người ta lại thấy triết lý của ngành y không phải là chữa bệnh, mà phải là phòng bệnh.

Nhưng chưa dừng lại, khi phát triển, người ta đi đến triết lý khác: không phải phòng bệnh, mà phải ở mức cao hơn, đó là chăm sóc sức khoẻ. Thế là người ta phải định nghĩa lại về sức khoẻ. Khoẻ không phải là không bệnh, mà là trạng thái con người hài lòng về tinh thần và thể trạng của mình.

Sau người ta lại thấy nếu chỉ hài lòng thôi thì vẫn không ổn, vì nếu hài lòng mà không hành động thì cũng chẳng để làm gì, cho nên người ta lại đi tới một triết lí, một nhiệm vụ mới của y tế đó là giúp mỗi người tận dụng tốt nhất khả năng của bản thân để phục vụ chất lượng cuộc sống của bản thân họ và xã hội.

Và như thế, lực sĩ có chất lượng cuộc sống kiểu lực sĩ, người khuyết tật có chất lượng cuộc sống của người khuyết tật. Nói thế để anh thấy triết lý không ngừng vận động, không ngừng đi xa.

 Phan Đăng: ‘Các bạn trẻ hãy lấy học tập làm niềm vui’

Nhà báo Phan Đăng đã gửi gắm nhiều tâm huyết đến độc giả trẻ trong cuốn sách mới. Anh cho rằng người trẻ cần hiểu về những giá trị của dân tộc trước khi bước ra thế giới.

Nhà báo Phan Đăng: ‘Sách làm bạn với tôi trong những ngày cô đơn'

“Học cấp hai, tôi hay sợ những thứ xung quanh, không biết cách hòa đồng với bạn bè. Sách vở là người bạn để tôi trò chuyện”, nhà báo Phan Đăng chia sẻ.

Phan Đăng/NXB Kim Đồng

SÁCH HAY