Hội sách Frankfurt là nơi trao đổi bản quyền, giao lưu của người làm xuất bản thế giới. Ảnh: buchmesse. |
Ngày khai mạc Frankfurt Book Fair - hội chợ thương mại về sách lớn nhất thế giới - đang đến gần. Sau hai năm phải tổ chức trực tuyến hoặc thu hẹp quy mô do Covid-19, năm nay hội sách trở lại hứa hẹn nhiều hoạt động sôi nổi từ 19 đến 23/10 tại Đức.
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thái Hà Books - năm nay Việt Nam không có gian trưng bày như mọi năm, tuy nhiên, các đơn vị xuất bản vẫn có thể tự mang sách đi giới thiệu, quảng bá.
Bên cạnh việc quảng bá văn hóa và học hỏi, tiếp nhận xu hướng mới, người làm xuất bản, không chỉ riêng Việt Nam, còn đến Frankfurt với nhu cầu được giao lưu, gặp gỡ những bạn bè, đối tác thân thiết sau một thời gian dài bị đại dịch Covid-19 ngăn cách.
Giới thiệu sách Việt ra thế giới
Háo hức tham dự hội sách, ông Nguyễn Mạnh Hùng cùng đồng nghiệp đã sang Đức trước khai mạc một tuần để gặp gỡ, giao lưu bạn bè quốc tế. Ông cho biết mặc dù năm nay Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội không tổ chức gian hàng giới thiệu sách kết hợp quảng bá văn hóa tại Hội sách Frankfurt, đơn vị ông vẫn mang theo 15 đầu sách đoạt giải của các tác giả Việt để giới thiệu với xuất bản quốc tế.
Bà Claudia Kaiser (giữa) - Phó chủ tịch Hội chợ sách quốc tế Frankfurt - chụp ảnh tại một gian hàng của Việt Nam tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt năm 2016. Ảnh: N.M.H. |
Trong danh sách, nổi bật có những tác phẩm đoạt Giải thưởng Sách quốc gia như Hoàng Việt Nhất thống dư địa chí, Bác sĩ tốt nhất của nhà mình...
"Từ 2015 đến nay, năm nào Thái Hà Books cũng có đoàn đi hội sách Frankfurt và luôn mang các tác phẩm của Việt Nam đi giới thiệu. Mục đích chính là quảng bá văn hóa và sách Việt Nam", ông Hùng chia sẻ.
Trên thực tế, việc bán bản quyền sách Việt ra nước ngoài không dễ, một phần vì có ít dịch giả dịch Việt - Anh, một phần vì xuất bản nước ta chưa có nhiều đầu sách được tiếng vang ở thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhận thấy nhiều bạn bè quốc tế vẫn hào hứng muốn biết về văn hóa Việt, về xuất bản Việt.
Ngoài ra, đi dự những hội sách quốc tế như Frankfurt còn là cơ hội lớn để giao lưu, gặp gỡ lãnh đạo các nhà xuất bản lớn trên thế giới, để tham dự các hội thảo, hội nghị, toạ đàm. Từ đó, ông Hùng cho rằng người làm xuất bản Việt Nam có thể học hỏi được rất nhiều. Đây là cơ hội để ông kết nối, hợp tác xuất bản, đồng thời mời các chuyên gia nước ngoài về Việt Nam giảng dạy và chia sẻ kinh nghiệm.
Nhìn nhận xu hướng xuất bản
Trả lời phỏng vấn của Zing, ông Nguyễn Xuân Minh - Giám đốc bản quyền công ty sách Nhã Nam - cho biết thông thường, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành Việt Nam tham gia Hội sách Frankfurt để gặp gỡ, giao lưu với các nhà xuất bản trên thế giới, đồng thời tìm và mua bản quyền những tác phẩm tiềm năng.
Ông cho biết những nhà xuất bản lớn trên thế giới sẽ giới thiệu những ấn phẩm họ sắp xuất bản và người làm sách ở Việt Nam có thể nhìn thấy các xu hướng của xuất bản thế giới trong 1-2 năm tới. "Chúng tôi luôn quan tâm đến những thứ 'sẽ' chứ không phải những thứ 'đã'", ông Minh nói.
Bà Nguyễn Lê My Hoàn tại hội sách Frankfurt 2022. Ảnh: FBNV. |
Bà Nguyễn Lê My Hoàn, Tổng biên tập Công ty sách Huy Hoàng cho biết có những đơn vị quốc tế sẽ cử đại diện đến hội sách để trực tiếp giới thiệu các dự án nổi bật, có những đơn vị sẽ gửi danh mục và catalogue trước, giới thiệu những đầu sách nổi bật để các đơn vị xuất bản Việt Nam tham khảo, mua bản quyền.
Ông Nguyễn Xuân Minh cũng cho rằng người làm xuất bản Việt Nam có thể học hỏi rất nhiều từ các nhà xuất bản lớn trên thế giới. Ông cho biết tại Hội sách Frankfurt, có khu vực tập hợp nhiều đại diện bản quyền lớn. Tại đây, họ giới thiệu những kế hoạch rất mới, những xu hướng phát triển của tương lai. Đây là cơ hội để người làm xuất bản Việt nắm bắt xu thế.
Nhu cầu gặp gỡ và kết nối sau đại dịch
Bà Nguyễn Lê My Hoàn chia sẻ thêm rằng đợt này bà không mang sách Việt theo như những lần trước, phần vì bà quyết định đi sát ngày, phần vì năm nay Việt Nam không có gian hàng chung.
Chia sẻ về những điều mong chờ tại Hội sách Frankfurt, bà cho biết ngoài việc đi để học hỏi từ các diễn giả hàng đầu ở các hội thảo, khám phá những thành tựu hay xu hướng mới trong ngành mấy năm khó khăn vừa qua, thì bà rất mong được gặp gỡ những đối tác thân thiết.
"Trong dịch chúng tôi vẫn có thể giao dịch tác quyền qua mạng, nhưng sau dịch tự dưng có một nhu cầu được gặp nhau, được cho nhau thấy sự hiện diện chân thành của mình", bà Hoàn chia sẻ.
Ngoài giao lưu tại hội sách, người làm xuất bản Việt Nam còn gặp gỡ riêng những đối tác thân quen ở nước ngoài. Đó có thể là những nhà văn, biên tập viên, họa sĩ, đối tác xuất bản nước ngoài, những người đã và đang kết nối với văn hóa Việt.
Bà Nguyễn Lê My Hoàn chia sẻ: "Trước đây, dù đã làm việc với nhau mấy năm và luôn có quà cho nhau những dịp quan trọng, chúng tôi chưa bao giờ hẹn nhau đi ăn". Bà cho biết sau đại dịch, người làm xuất bản ở khắp nơi trên thế giới càng thêm trân quý những người cùng ngành, muốn nhân dịp Hội sách Frankfurt để gặp gỡ và giao lưu, trao đổi về sách và xuất bản.
Frankfurt là hội chợ sách lớn nhất thế giới, được tổ chức từ năm 1949, thường diễn ra trong 5 ngày vào tháng 10.
Theo bà Claudia Kaiser - Phó chủ tịch Hội chợ sách quốc tế Frankfurt - mục đích hoạt động của ba ngày đầu là giao dịch bản quyền giữa giới xuất bản các nước, hai ngày cuối sẽ mở cửa cho bạn đọc tham quan, mua sách.