“Độc giả luôn tò mò Hội chợ sách quốc tế Frankfurt (Frankfurt Book Fair: FBF) diễn ra như thế nào và tại sao nó trở thành ngày hội xuất bản lớn nhất thế giới”, bà Nguyễn Hà - chuyên viên bản quyền, Thái Hà Books - mở đầu buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Những điều bạn chưa biết về hội chợ sách quốc tế lớn nhất thế giới”.
Buổi giao lưu có sự góp mặt của bà Claudia Kaiser - Phó chủ tịch Hội chợ sách quốc tế Frankfurt; bà Simone Buehler - Giám đốc Dự án Khách mời danh dự của Hội chợ sách quốc tế Frankfurt và TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Hà Books.
Bà Claudia Kaiser (giữa) - Phó chủ tịch Hội chợ sách quốc tế Frankfurt - chụp ảnh tại một gian hàng của Việt Nam tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt năm 2016. Ảnh: N.M.H. |
Những con số ấn tượng
Bà Claudia Kaiser - Phó chủ tịch Hội chợ sách quốc tế Frankfurt - thông tin hội chợ sách lớn nhất thế giới được tổ chức từ 1949, diễn ra trong 5 ngày vào tháng 10 hàng năm (thứ tư đến chủ nhật).
Trong đó, mục đích hoạt động của ba ngày đầu là giao dịch bản quyền giữa giới xuất bản các nước. Hai ngày cuối tuần sẽ mở cửa cho bạn đọc tham quan, mua sách.
Khách mời danh dự đầu tiên của châu Á là Indonesia (năm 2015). Năm 2020 và 2021, vì tình hình dịch bệnh, FBF diễn ra dưới hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.
Bà Claudia Kaiser cho biết năm 2019, trước khi dịch bệnh ập đến, tổng số khách mời tham dự là 300.000 người, đến từ 147 quốc gia. 7.503 đơn vị xuất bản tham gia trưng bày sách. Năm 2021, vì tình hình dịch bệnh còn phức tạp, số đơn vị xuất bản tham dự còn 2.000 và 36.000 khách mời.
Để đảm bảo an toàn trong mùa dịch, Ban tổ chức Hội chợ sách quốc tế Frankfurt năm 2021 quy định khách tham quan phải giữ khoảng cách. Các gian hàng sách nhỏ có diện tích 8 m2 thay vì 4 m2 như thời điểm trước dịch.
Đeo khẩu trang cũng là một trong những điều kiện bắt buộc. Bên cạnh đó, sự kiện chỉ cho phép người đã tiêm vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc đã phục hồi sau khi điều trị Covid-19 tham dự.
“Để thực hiện những quy định này, Hội chợ sách quốc tế Frankfurt của chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ Đức”, bà Claudia Kaiser chia sẻ.
Phó chủ tịch Hội chợ sách quốc tế Frankfurt cũng đánh giá trong tương lai, việc kết hợp các sự kiện xuất bản trên môi trường số và thực địa là điều bắt buộc. Giới làm sách vẫn đạt được những thỏa thuận trong các cuộc họp trực tuyến. Hơn nữa, hình thức này còn giúp tiết kiệm chi phí đi lại, vận chuyển.
Bà Simone Buehler - Giám đốc Dự án Khách mời danh dự, Hội chợ sách quốc tế Frankfurt - thông tin năm 2020, Canada trở thành quốc gia khách mời danh dự tại sự kiện này. Nhưng cũng vì dịch bệnh, Canada không thể tổ chức nhiều hoạt động theo kế hoạch nên đề nghị được làm khách mời danh dự thêm một năm nữa.
Giám đốc Dự án Khách mời danh dự của FBF cũng cho hay để có mặt trong sự kiện này với tư cách khách mời danh dự, giới xuất bản Canada đã dịch 400 cuốn sách của họ sang tiếng Đức. 165 đơn vị xuất bản của Đức đã ấn hành số sách đó. Đặc biệt, quỹ dịch thuật của Đức tài trợ xuất bản cho 145 trong tổng số 400 cuốn sách này.
“Đoàn đại biểu của Canada sang tham dự FBF gồm 58 tác giả và họa sĩ. Họ cùng nhau tổ chức hơn 600 sự kiện. Khu vực trưng bày sách của Canada là 2.300 m2”, bà Simone Buehler điểm lại những con số ấn tượng.
TS Nguyễn Mạnh Hùng và bà Claudia Kaiser - Phó chủ tịch Hội chợ sách quốc tế Frankfurt - giao lưu tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt năm 2016. Ảnh: N.M.H. |
Nâng tầm ngành xuất bản
Bà Claudia Kaiser đánh giá khi trở thành khách mời danh dự của FBF, ngành xuất bản quốc gia đó sẽ có những bước tiến lớn. Đặc biệt, đối với các nước có ngôn ngữ không phổ biến, thông qua sự kiện này, họ được giới xuất bản trên thế giới biết đến nhiều hơn.
TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Hà Books - chia sẻ trong nhiệm 2022-2023, Hội Xuất bản Việt Nam nắm giữ chức chủ tịch luân phiên và tổng thư ký Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA).
“Khi Philippines là chủ tịch ABPA, các bạn tổ chức ‘ASEAN Forum’, thu được kết quả tốt. Giới xuất bản Việt Nam chúng tôi cũng mong khi nắm giữ chức vụ này, có thể đại diện khối ASEAN kết nối với Hội chợ sách quốc tế Frankfurt”, TS Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.
Bên cạnh đó, CEO Thái Hà Books cũng hy vọng FBF tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ để Hiệp hội Xuất bản ASEAN có một gian hàng tại hội chợ sách quốc tế lớn nhất thế giới này trong những năm tiếp theo.
Bà Nguyễn Hà - chuyên viên bản quyền, Thái Hà Books - cũng chia sẻ từ năm 2015, giới xuất bản trong nước đã tích cực tham dự FBF trong điều kiện cho phép và thực hiện được nhiều thỏa thuận trong việc mua bản quyền. Bên cạnh đó, số sách bán ra tại sự kiện cũng khả quan, chủ yếu là sách song ngữ về chủ đề văn hóa, văn học.