Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Văn bản quan trọng của 'Sử ký' lần đầu được xuất bản tiếng Việt

Trong ấn bản "Sử ký", dịch giả Nguyễn Đức Vịnh không chỉ cố gắng dịch đầy đủ nguyên văn mà còn bổ sung hơn 1.000 chú thích, giúp độc giả hiểu hơn về tác phẩm kinh điển.

Su Ky anh 1

Tháng 9 năm 2022, dịch giả Nguyễn Đức Vịnh - thành viên của nhóm làm sách Cổ Thư Lâu - đã giới thiệu với độc giả một ấn bản Sử ký của Tư Mã Thiên đặc biệt và đầy tham vọng. Ngay ở tập một của ấn bản này, độc giả sẽ được tiếp cận với một phần văn bản quan trọng của Sử ký chưa từng được xuất bản tiếng Việt là phần Biểu.

Phần quan trọng trong bộ sử kinh điển

Sử ký của Tư Mã Thiên - một tác phẩm sử học kinh điển của Trung Quốc - rất phổ biến và quen thuộc với bạn đọc Việt Nam. Khó có thể thống kê được đã có bao nhiêu bản Sử ký được chuyển ngữ, trong đó có những bản dịch mang tính kinh điển của Phan Khôi, Nhượng Tống, Phan Ngọc, Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Bùi Hạnh Cẩn - Việt Anh và nhiều dịch giả khác.

Có lẽ không cần phải nhắc đến tầm vóc của tác phẩm Sử ký của Tư Mã Thiên, một trong những người tiên phong trong việc đặt nền móng cho nền sử học Trung Quốc. Với tác phẩm Sử ký, Tư Mã Thiên đã được tôn xưng là “Tư Mã song bích” của nền văn học sử Trung Quốc, cùng Tư Mã Quang - chủ biên của bộ sử biên niên Tư trị thông giám, khởi đầu cho thể loại chép sử biên niên.

Sử ký của Tư Mã Thiên được cấu thành gồm 5 phần, 130 thiên, được trình bày lần lượt theo thứ tự là Bản kỷ, Biểu, Thư, Thế gia và Liệt truyện. Điều làm nên sự hấp dẫn của Sử ký chính là chất văn học hùng tráng, khốc liệt trong từng câu văn sử tuôn chảy cuồn cuộn như dòng Trường Giang ở 3 phần Bản Kỷ, Thế Gia và Liệt Truyện. Chất liệu đó rất gần gũi với tác phẩm văn học kinh điển như Đông Chu liệt quốc, Tây Hán chí (Hán Sở tranh hùng) hay Tam Quốc diễn nghĩa.

Thế nên, khi nói đến Sử ký, người ta thường chỉ nói về Bản Kỷ, Thế Gia và Liệt Truyện mà ít nhắc tới hoặc không biết đến 2 phần có giá trị còn lại là Biểu và Thư. Ngay cả những dịch giả lỗi lạc như Phan Khôi, Nhượng Tống, Phan Ngọc, Nguyễn Hiến Lê cũng chỉ nhắc sơ qua hoặc trích dịch mang tính giới thiệu về phần Biểu, Thư trong các dịch phẩm Sử ký của mình.

Chính vì thế, nhiều độc giả Việt Nam không biết đến hoặc không biết giá trị của phần Biểu và Thư, đặc biệt là phần Biểu. Giới học giả thế giới, khi nghiên cứu về Sử ký của Tư Mã Thiên, đã đánh giá phần Biểu chính là phần có giá trị sử học cao nhất trong toàn bộ tác phẩm, đóng vai trò xương sống để nâng đỡ cho cả hệ thống dữ liệu chằng chéo, đan xen phức tạp.

Tuy nhiên, phần Biểu có một điểm kém hấp dẫn trong mắt độc giả thông thường là khô khan, khó đọc, không có giá trị văn học. Ngoài phần lời mào đầu giới thiệu của từng Biểu, những gì hiển thị chỉ là con số và dữ liệu sử học thuần túy. Có lẽ đây chính là nguyên nhân chính khiến phần Biểu và Thư bị “gạt bỏ”.

Dòng thời gian cùng hệ thống tra cứu khoa học

Khi tiếp cận được bản Sử ký do Nguyễn Đức Vịnh chuyển ngữ, chúng ta hiểu tại sao Tư Mã Thiên xếp Biểu vào vị trí thứ hai trong thứ tự tác phẩm của mình, ngay sau Bản kỷ. Giai đoạn lịch sử Trung Quốc mà Tư Mã Thiên chép trong Sử ký rất rộng lớn, phức tạp, bao trùm từ thời đại dựng nước với Ngũ Đế trải qua thời kỳ Chiến Quốc rồi Tần thống nhất Trung Hoa và Hán tiếp nối mở ra ra thời kỳ thịnh trị đầu tiên.

Chính vì thế, sau khi xem xong phần thứ nhất là Bản kỷ, độc giả đã có được sự hình dung cơ bản về dòng chảy lịch sử Trung Hoa từ thời Tam Hoàng - Ngũ Đế đến Hán Hiếu Vũ. Tuy nhiên, dòng chảy này bao gồm những ghi chép xoay quanh những nhân vật lãnh đạo nên có rất nhiều chi tiết bị bỏ sót, đặc biệt ở những giai đoạn hỗn loạn như Xuân Thu, Chiến Quốc, Tần vong, với vô số sự kiện lớn cùng xảy ra đan xen khiến độc giả khó nắm bắt chính xác.

Su Ky anh 2

Sách Sử ký Sử ký cố sự đồ. Ảnh: An Lê.

Tư Mã Thiên đặt phần Biểu ở đây chính là nhằm giúp độc giả có một công cụ để nắm bắt được toàn bộ quá trình một cách tổng thể, không sai sót, không nhầm lẫn. Phần Biểu có chức năng giống phần "dòng thời gian" (time line), chỉ cần nhìn vào là thấy được sự hình thành, phát triển ở cùng một mốc thời gian.

Không hề chủ quan khi nhận định rằng, hệ thống Biểu (chỉ có 10 thiên Biểu) chính xác là một công trình sử học quan trọng.

Tại sao nói thế? Ở một giai đoạn mà việc ghi chép được thực hiện trên thẻ tre, trúc, gỗ, lụa bởi giấy vẫn chưa được phát minh, Tư Mã Thiên có thể lập ra những bảng biểu có một trục là thời gian và một trục là địa điểm - sự kiện, mỗi trục có thể lên tới vài chục ô, thậm chí hàng trăm ô.

Với sự minh mẫn, tỉ mỉ, cẩn trọng, Tư Mã Thiên đã sắp xếp sử liệu, xác định thời gian, địa điểm để đặt chính xác vào từng ô trên trục đó.

Ví dụ, thiên Biểu thứ hai là "Thập nhị chư hầu niên biểu" là niên biểu về 12 nước chư hầu (thực ra là 13) gồm một trục gồm 13 nước Lỗ, Tề, Tấn, Tần, Sở, Tống, Vệ, Trần, Thái, Tào, Trịnh, Yên Ngô, cộng thêm nhà Chu và một cột năm Can Chi để xác định thời gian.

Chỉ cần nhìn vào hàng thứ nhất, độc giả sẽ biết ngay vào năm Canh Thân (tức năm 841 trước Công nguyên) nhà Chu bắt đầu đặt niên hiệu Cộng Hoà, lãnh đạo là Tuyên Vương nối ngôi do còn nhỏ tuổi nên được các đại thần phụ chính. Nhìn sang các cột bên phải, độc giả biết trong năm đó, nước Lỗ, nước Tề, nước Tấn, nước Tần… do ai lãnh đạo, ở niên hiệu năm thứ bao nhiêu. Đơn giản và dễ hiểu, như nhìn vào bảng Excel hay Word vậy.

Giá trị của Biểu là như thế, khô khan bởi chỉ có các con số, tên người, sự kiện thuần tuý nhưng lại giúp độc giả có một Dòng Thời Gian chảy xuyên suốt và mạch lạc để nắm bắt toàn bộ những gì đã diễn ra, bất kể có đan xen chồng chéo đến đâu.

Không những thế, Biểu còn giúp độc giả sàng lọc dữ kiện để tạo nên một hệ thống tra cứu đồ sộ, dễ dàng tìm thấy thông tin cần thiết ở những giai đoạn lịch sử phức tạp. Đồng thời, Biểu đã vẽ nên một bức tranh tổng thể qua từng thời kỳ khác nhau, giúp độc giả có được cái nhìn khái quát về cục diện đương thời.

Ngoài ra, đây cũng là kho dữ liệu lưu trữ thông tin về hàng trăm nhân vật không được lập truyện riêng, chẳng hạn chuyện người phụ nữ đầu tiên thay con nhận tước Hầu trong lịch sử Trung Quốc.

Trong tập một Sử ký lần này, dịch giả không chỉ cố gắng dịch đầy đủ nguyên văn mà còn bổ sung hơn 1.000 chú thích, giúp độc giả hiểu sâu về tác phẩm kinh điển.

Bản dịch quốc ngữ 'Sử ký' đầu tiên quay trở lại

"Sử ký" lần đầu tiên đến với độc giả Việt Nam năm 1944 qua lời dịch của Nhượng Tống. Ấn phẩm nổi tiếng này nay trở lại với diện mạo mới.

'Sử ký' tái xuất

Tác phẩm lịch sử kinh điển của Tư Mã Thiên qua bản dịch của nhà văn hóa Phan Ngọc mới được tái bản.

Chien binh noi cong so hinh anh

Chiến binh nơi công sở

0

Với tỉ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, để có công việc ổn định và xây dựng chỗ đứng trong công ty, các bạn trẻ phải nỗ lực rất nhiều. Chỉ cần một sai sót nhỏ, họ có thể bị sa thải.

An Lê

Bạn có thể quan tâm