Lệnh ngừng bắn kéo dài 24 giờ - do các nước muốn sơ tán công dân của họ ở Sudan vận động - được cho là sẽ có hiệu lực vào lúc 18h ngày 19/4 (giờ địa phương). Tuy nhiên, hai nhân chứng ở các khu vực khác nhau tại thủ đô Khartoum nói với Reuters rằng giao tranh vẫn tiếp diễn.
Trước đó, các nhân chứng nghe thấy tiếng súng nổ liên tục ở trung tâm Khartoum xung quanh khu nhà của bộ chỉ huy quân đội - nơi tướng Abdel Fattah al-Burhan, người lãnh đạo quân đội Sudan - từng ở hồi đầu tuần. Không rõ liệu ông al-Burhan còn ở đó hay không.
"Các lực lượng vũ trang đang đáp trả một cuộc tấn công mới ở khu vực lân cận Bộ Tư lệnh", một tuyên bố của quân đội cho biết.
Tại khu phố Jabra phía tây Khartoum - nơi có tướng Mohamed Hamdan Dagalo, chỉ huy Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF), và gia đình - một cuộc đấu súng ác liệt khác đang diễn ra. Vị trí của tướng Dagalo không được tiết lộ kể từ khi giao tranh nổ ra hôm 15/4.
Tiếng nổ cũng vang lên từ sân bay chính. Cơ sở này đã ngừng hoạt động sau khi xung đột nổ ra do tranh giành quyền lực giữa tướng Burhan và tướng Dagalo, liên quan đến bất đồng về kế hoạch hợp nhất lực lượng RSF vào quân đội chính quy.
Khói dày đặc bốc lên bầu trời và đường phố thủ đô Khartoum - một trong những thành phố lớn nhất châu Phi với khoảng 5,5 triệu dân - hầu như không có bóng người.
Khi ẩn náu trong nhà, người dân phải vật lộn với tình trạng mất điện và lo lắng nguồn cung thực phẩm sắp cạn kiệt.
"Hôm nay, chúng tôi bắt đầu cạn kiệt một số nhu yếu phẩm", kiến trúc sư Hadeel Mohamed nói.
Một nhân chứng của Reuters cũng cho biết tiếng súng nổ ở phía nam thành phố, trong khi quân đội dường như chiếm lại một sân bay quân sự quan trọng ở phía Bắc Sudan.
Bộ Y tế Sudan ước tính có ít nhất 270 người chết và 2.600 người bị thương. 9 bệnh viện đã bị trúng đạn pháo và 16 bệnh viện phải sơ tán.
"Các bệnh viện đã hoàn toàn sụp đổ, không còn tất cả nhu yếu phẩm. Đó là một thảm họa", người phát ngôn của tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ ở Sudan, Osama Othman, cho biết.
Vấn đề Trung Đông - châu Phi
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.