Hàng nghìn cư dân tháo chạy khỏi Khartoum khi giao tranh tiếp tục diễn ra trên khắp thành phố trong ngày thứ năm chiến sự nổ ra sau khi lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian giữa quân đội và lực lượng bán quân sự sụp đổ.
270 người chết
Âm thanh liên tục từ tiếng bắn đạn pháo, súng trường tự động và những tiếng nổ lớn làm rung chuyển trung tâm thủ đô của Sudan ngay từ rạng sáng 19/4, và giao tranh dường như tập trung xung quanh khu nhà của Bộ Quốc phòng và sân bay.
Khói dày đặc bốc lên bầu trời thành phố Omdurman, nơi các cuộc giao tranh trên đường phố vẫn tiếp diễn xung quanh tòa nhà truyền hình nhà nước.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy một tòa nhà đang bốc cháy tại căn cứ không quân Merowe, Sudan. Ảnh: Maxar Technologies. |
Thỏa thuận ngừng bắn giữa quân đội và RSF, được đưa ra sau sức ép từ các cường quốc nước ngoài, bao gồm Mỹ, được cho là mở lối cho những người dân bị mắc kẹt trong cuộc giao tranh nhận được hàng cứu trợ và vật tư cần thiết.
Tuy nhiên, thỏa thuận sụp đổ trong vòng vài phút vào tối 18/4 giữa những cáo buộc lẫn nhau từ các phe đang giao tranh, đổ lỗi đối phương không tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn.
Giao tranh đang tiếp diễn giữa các đơn vị quân đội trung thành với tướng Abdel Fattah al-Burhan, người đứng đầu hội đồng điều hành chuyển tiếp của Sudan, và RSF do tướng Mohamed Hamdan Dagalo, thường được gọi là Hemedti, là phó chủ tịch hội đồng, lãnh đạo.
Cuộc đấu tranh giành quyền lực của hai vị tướng đã làm chệch hướng cuộc chuyển đổi sang chế độ dân sự và làm dấy lên lo ngại về một cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới của Liên Hợp Quốc, Tedros Ghebreyesus, cho biết hôm 19/4 rằng ít nhất 270 người đã thiệt mạng và hơn 2.600 người bị thương kể từ khi giao tranh bắt đầu. Ông không đưa ra con số cụ thể về số dân thường và chiến binh thiệt mạng.
Theo hiệp hội các bác sĩ Sudan, cái chết của 30 dân thường đã được xác nhận hôm 18/4, mặc dù tổng số có thể cao hơn nhiều. Ngoài ra còn có 245 thường dân được báo cáo nằm trong số người bị thương.
Hai phần ba số dân thường thiệt mạng được ghi nhận bên ngoài Khartoum, số liệu thống kê mới cho thấy, trong khi phần lớn các cuộc giao tranh được ghi nhận ở các vùng xa xôi.
Tại Nyala, thuộc bang Nam Darfur bất ổn, 6 người chết và 63 người bị thương khi một chợ thực phẩm chính bị phóng hỏa và văn phòng của các cơ quan viện trợ bị đập phá.
Tại al-Fashir, thuộc Bắc Darfur, 9 người chết và 36 người bị thương, trong khi ở Zalingei, miền Trung Darfur, 5 người chết và 60 người bị thương được ghi nhận.
Hiện nổi lên các báo cáo về không kích và giao tranh xung quanh sân bay quốc tế tại thị trấn Merowe, một địa điểm khảo cổ và trung tâm thương mại nổi tiếng cách Khartoum 440 km về phía bắc, theo Guardian.
“Tình hình đối với dân thường rất đáng báo động ở khắp nơi trên toàn quốc, trong đó tình trạng đặc biệt tồi tệ ở thủ đô Nyala và Merowe”, một bác sĩ được Guardian liên lạc ở Khartoum cho hay.
“Bốn đồng nghiệp của tôi đã thiệt mạng. Hầu như tất cả bệnh viện chính đều thiếu trầm trọng nhân viên y tế, thuốc men, nước, điện, nhiên liệu và thực phẩm. Nhiều bệnh nhân đã được cho về nhà. Đối với dân thường, vấn đề chính là nguồn cung cấp nước và điện bị cắt. Cá nhân tôi đã ở một nơi không có nước và điện trong hai ngày”, vị bác sĩ nói thêm, ông yêu cầu giấu tên vì sợ bị trả thù.
Trên khắp Sudan, giá các mặt hàng thiết yếu như đường, sữa, bột mì và dầu đang tăng vọt, khiến cuộc khủng hoảng kinh tế càng thêm nghiêm trọng. Các nhân viên cứu trợ ở al-Qadarif cho biết các mặt hàng có hạn sử dụng dài như sữa khử nước đã biến mất khỏi kệ hàng. Các cơ quan của Liên Hợp Quốc nói rằng nhiều chương trình của họ trên toàn quốc, vốn ở trong tình trạng bấp bênh, đã bị đình chỉ.
Một số người xếp hàng để nhận bánh mỳ ở Khartoum hôm 18/4. Ảnh: Reuters. |
Vào sáng 19/4, hàng nghìn cư dân Khartoum bắt đầu rời khỏi nhà, một số đi ôtô trong khi nhiều người khác đi bộ.
“Khartoum đã trở thành một thành phố ma”, Atiya Abdalla Atiya, thành viên của Tổ chức Bác sĩ Sudan, chia sẻ với Guardian từ thủ đô Khartoum.
Không thể đình chiến dù chỉ một ngày
Việc các phe đối địch không thể đình chiến dù chỉ một ngày, bất chấp áp lực ngoại giao cấp cao, cho thấy các tướng lĩnh đang quyết tâm theo đuổi một chiến thắng quân sự. Cả hai vị tướng đều tự coi mình là cứu tinh của Sudan và là những người bảo vệ nền dân chủ, tại một quốc gia đã trải qua nhiều thập kỷ bị đàn áp.
Kể từ khi giao tranh bắt đầu nổ ra, mỗi bên đều tuyên bố chiếm thế thượng phong ở một số khu vực và giành quyền kiểm soát các địa điểm quan trọng hoặc đánh chiếm vào các căn cứ của đối thương trên khắp Sudan. Các tuyên bố hiện chưa thể được xác minh độc lập.
Một bức ảnh của các lực lượng vũ trang Sudan cho thấy quân đội đang ăn mừng vào ngày 18/4 sau khi chiếm lại một căn cứ quân sự ở thành phố Nyala. Ảnh: Lực lượng vũ trang Sudan/UPI/Shutterstock. |
Bạo lực bùng phát hôm 15/4 là đỉnh điểm của sự chia rẽ sâu sắc giữa quân đội và RSF - được thành lập vào năm 2013 bởi cựu Tổng thống Omar al-Bashir.
Hai vị tướng Burhan và Dagalo từng đứng cùng một chiến tuyến để lật đổ ông Bashir vào tháng 4/2019 sau các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại ba thập kỷ cai trị đàn áp của nhà lãnh đạo này. Kể từ đó, hai bị tướng trở thành đồng minh, với mối quan hệ khá phức tạp.
Vào tháng 10/2021, hai người lãnh đạo một cuộc đảo chính quân sự chống lại chính phủ dân sự được thành lập sau khi ông Bashir bị lật đổ, làm chệch hướng quá trình chuyển đổi được quốc tế hậu thuẫn.
Ông Burhan, vị tướng đến từ miền Bắc Sudan, thăng cấp dưới quyền của ông Bashir, tuyên bố cuộc đảo chính của ông là “cần thiết” để thu hút nhiều phe phái hơn vào chính trị. Những người chỉ trích cáo buộc ông tìm cách bảo vệ các đặc quyền mà quân đội được hưởng dưới chế độ cũ và dựa vào sự chống lưng của thế lực bao gồm nhiều người Hồi giáo có ảnh hưởng ở Sudan.
Tướng Dagalo đã gọi cuộc đảo chính là một “sai lầm” không mang lại sự thay đổi mà thay vào đó, tiếp thêm sức mạnh cho những người trung thành với Bashir.
Các nhà phân tích lo ngại rằng xung đột giữa quân đội và RSF có nguy cơ lôi kéo các cường quốc khác muốn giành ảnh hưởng và tiếp cận các nguồn tài nguyên quý giá ở Sudan.
Vấn đề Trung Đông - châu Phi
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.