Tướng Mohamed Hamdan Dagalo - người đứng đầu Lực lượng Phản ứng nhanh (RSF). Ảnh: AP. |
Mohamed Hamdan Dagalo - thường được biết đến với cái tên Hemedti hay "Mohammed bé nhỏ" - lần đầu trở thành chiến binh trong lực lượng dân quân Janjaweed ở Darfur, sau khi 60 thành viên gia đình ông thiệt mạng trong một cuộc xung đột vũ trang.
Từ một học sinh bỏ học cấp hai, ông Dagalo trở thành người buôn lạc đà, một vị tướng và phó lãnh đạo Hội đồng Cầm quyền ở Sudan (liên minh giữa quân đội và chính quyền dân sự), đồng thời chỉ huy lực lượng RSF.
Theo Guardian, quá khứ của vị tướng này khiến nhiều người e sợ.
Kẻ cơ hội
Ông Dagalo, sinh năm 1974, là cháu trai của người đứng đầu một tiểu tộc thuộc bộ lạc Arab Mahariya Rizeigat chăn gia súc ở Darfur và Chad. Ông có dáng người cao lớn và bệ vệ.
Trong cuộc chiến ở miền Nam Darfur vào năm 2003-2005 khiến khoảng 300.000 người thiệt mạng, ông Dagalo chỉ huy nhóm vũ trang Janjaweed và lọt vào mắt xanh của nhà độc tài Omar al-Bashir.
Năm 2013, cựu Tổng thống Bashir đã thành lập lực lượng RSF - một nhóm bán vũ trang do tướng Dagalo chỉ huy dưới sự lãnh đạo của tổng thống. Quyết định này tạo cơ sở cho tướng Dagalo mở rộng quyền lực trong nước.
Khói bốc lên từ các tòa nhà trong cuộc đụng độ giữa lực lượng RSF và quân đội Sudan ở Khartoum ngày 17/4. Ảnh: Reuters. |
Sự trỗi dậy của ông Dagalo dưới thời cựu Tổng thống Bashir đi kèm nhiều phần thưởng. Nhờ được phép hoạt động với quyền tự chủ và mức độ miễn trừ lớn, vị tướng này đã chiếm đoạt các mỏ vàng từ một thủ lĩnh bộ lạc đối thủ ở Darfur và coi đây là nguồn tài sản chính.
“Tôi không phải người đầu tiên sở hữu mỏ vàng. Đó là sự thật, (nhưng) chúng tôi có mỏ vàng và không gì ngăn cản chúng tôi khai thác nó”, tướng Hemedti từng nói với BBC.
Với tư duy của một lãnh chúa, ông Hemedti đã tuyển dụng các chiến binh từ Darfur và để họ chiến đấu như lính đánh thuê ở Yemen sau khi liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu tiến vào nước này năm 2015, và thu về nguồn tiền lớn.
Theo nhà nghiên cứu Alex de Waal, giám đốc điều hành Tổ chức Hòa bình Thế giới tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, thuộc Đại học Tufts, động thái này cho thấy ông Hemedti đã “áp dụng mô hình chủ nghĩa vụ lợi”.
Theo Guardian, tướng Hemedti cũng là một kẻ cơ hội. Giữa cuộc cách mạng chống lại cựu Tổng thống Bashir năm 2019 ở Sudan, ông dường như đã do dự trong việc sử dụng lực lượng của mình để đàn áp các cuộc biểu tình.
Đến ngày 11/4/2019, khi nhận thấy cơ hội mới, ông Hemedti đã đứng về phe tướng Abdel Fattah al-Burhan - chỉ huy quân đội Sudan - nhằm phế truất ông Bashir và tham gia phong trào chuyển đổi sang nền dân chủ.
Những tưởng ông Hemedti đã thay đổi lý tưởng, hai tháng sau đó, giới phân tích thất vọng khi lực lượng của vị tướng này tàn sát hơn 100 người biểu tình bên ngoài Bộ Quốc phòng và thực hiện các hành vi cưỡng hiếp. Ông Hemedti phủ nhận việc ra lệnh giết người.
Trong khi cựu Tổng thống Bashir và các quan chức hàng đầu khác của Sudan đã bị Tòa án Hình sự Quốc tế buộc tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người, ông Dagalo chưa nhận cáo buộc nào bất chấp lời kêu gọi của các nhóm nhân quyền.
Mối đe dọa
Cả tướng Burhan và tướng Hemedti đều nắm giữ những vị trí quyền lực trong Hội đồng Cầm quyền, do đó các cuộc đàm phán hướng tới dân chủ hóa Sudan hầu như không tiến triển cho đến năm 2021, khi ông Burhan và quân đội liên minh với ông Hemedti và lực lượng RSF để tiến hành đảo chính.
Bề ngoài, tướng Hemedti nói rằng quân đội nắm quyền để “điều chỉnh hướng đi của cuộc cách mạng nhân dân” và đạt được sự ổn định, song nhiều nhà quan sát nghi ngờ mục đích thực sự của vị tướng là ngồi vào vị trí quyền lực nhất ở Sudan sau khi lật đổ ông Bashir.
Tướng Mohamed Hamdan Dagalo chào đón những người ủng hộ ở làng Aprag, cách Khartoum 60 km vào tháng 6/2019. Ảnh: Reuters. |
Sau hai năm xích mích gia tăng giữa quân đội và RSF, hai vị tướng đã sẵn sàng thực hiện các động thái chống lại đối thủ của họ.
“Cả tướng (Hemedti) và tướng Burhan đều đã toan tính trước rằng cuộc tranh giành quyền lãnh đạo giờ đây là một trò chơi có tổng bằng không (tức hai bên có lợi ích đối lập nhau). Do đó, họ đã chĩa mũi nhọn vào đối phương”, Adel Abdel Ghafar, giám đốc Chương trình An ninh và Chính sách Đối ngoại tại Hội đồng Trung Đông về các vấn đề toàn cầu, nói với Al Jazeera.
"Thật không may, người dân Sudan bị gạt sang một bên khi cả hai nhà lãnh đạo quân sự chiến đấu đến phút cuối cùng", ông nói thêm.
Trong khi đó, đối với những người Sudan từ lâu đã quen với âm mưu tàn bạo của tướng Hemedti, điều đó không có gì đáng ngạc nhiên.
“Từ lâu, tôi đã tin rằng ông (Hemedti) là một mối đe dọa hiện hữu không chỉ với quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ, mà còn với khả năng tồn tại với tư cách một quốc gia của Sudan”, luật sư Ahmed Tel-Gaili cho biết.
Vấn đề Trung Đông - châu Phi
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.